Gỡ nút thắt trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế
Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, tổ chức sáng nay, 21.8.
Thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Không ai khác, bệnh nhân là người bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng khủng hoảng thiếu này.
Quy định về giá bán, hay đấu thầu thuốc, trang thiết bị đã có nhưng trong quá trình triển khai vẫn gặp một số vướng mắc. Đơn cử, theo quy định của Điều 44, 45 Nghị định 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Dù Nghị định đã quy định nhưng đến nay chưa có cơ quan, đơn vị chức năng thẩm tra lại giá kê khai thiết bị y tế thời điểm công bố có chính xác không, cũng chưa có bên nào chịu trách nhiệm kiểm soát kê khai giá. Bộ Y tế chỉ hậu kiểm, tức là chủ sở hữu và nhà phân phối thiết bị y tế được toàn quyền kê khai giá. Cũng bởi sự bỏ ngỏ cơ quan thẩm tra lại giá kê khai thiết bị y tế này, nên đơn vị mua trang thiết bị y tế rất dễ rơi vào rủi ro pháp lý. Nếu cơ sở y tế mua thấp hơn giá được công khai trên Cổng Thông tin của Bộ Y tế, sau đó cơ quan chức năng thẩm tra phát hiện giá này không chính xác, cao hơn so với giá cho phép, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Bệnh viện khi đó sẽ phải đối diện với nguy cơ bị phạt vì mua sắm sai giá, thậm chí còn liên quan đến hình sự.
Ngoài ra, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập quy định giá mua của thiết bị không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại. Nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, cùng một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhiều nhà phân phối với giá khác nhau. Do đó, bệnh viện không biết lấy giá nào cho phù hợp, nếu lấy giá thấp thì các doanh nghiệp cung cấp không muốn tham gia thầu. Đây là một trong những nút thắt ảnh hưởng đến công tác đấu thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cho biết, báo cáo của 34 Sở Y tế và 21 Bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy: có 28 Sở Y tế, 12 Bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thuốc; có 26 Sở Y tế, 15 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14 Sở Y tế, 8 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Thực tế này cũng đã được đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí (TP. Hồ Chí Minh) – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ rõ trên diễn đàn Quốc hội Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Đại biểu Lê Minh Trí nhận định, trước thực tế một số vụ án trong ngành y tế dẫn đến việc tổ chức đấu thầu đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ, việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn xã hội cũng dừng lại. Theo đại biểu Lê Minh Trí, đây là chủ trương đúng, nhưng vừa qua “cách làm có sơ hở, có sai”. Sai thì sửa nhưng cần tiếp tục làm, nếu chúng ta để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh. Bác sỹ hiện nay có tay nghề cũng không kém gì các nước nhưng nếu không có trang thiết bị máy móc tiên tiến phù hợp để trang bị sẽ tụt hậu so với khu vực và thế giới. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên có chỉ đạo các cơ quan, các ngành có liên quan ban hành nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề còn chưa ổn trong lĩnh vực này. Theo đó, sớm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh. Cần kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển sự phục vụ tốt hơn cho Nhân dân, cần bổ sung tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.
Để gỡ được nút thắt này, rất cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công. Bộ Y tế, sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện như: Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Nghị định về liên doanh, liên kết, xã hội hóa; Nghị định về đấu thầu...
Chỉ khi hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đủ chặt chẽ mới có đủ căn cứ thực hiện, xử lý vi phạm phát sinh. Có như vậy, mới bảo đảm được công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cũng như tạo sự chủ động tích cực cho người đứng đầu khi thực hiện, tránh tâm lý “vừa làm vừa sợ” như thời gian qua.