Gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Bài 2: Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khâu khó khăn đối với việc thực hiện các dự án đầu tư. Nhiều dự án do vướng mắc trong công tác GPMB dẫn tới chậm tiến độ, mất cơ hội “vàng”, khiến hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng. Ngày 8.11.2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 15 – CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.

Trước yêu cầu đó, việc tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB là nhiệm vụ quan trọng đặt ra.

Các dự án công nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn thị trấn Lương Bằng (Kim Động)

Bài 1: Những nút thắt trong giải phóng mặt bằng cần được tháo gỡ

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây là một trong những nút thắt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khó khăn trong công tác GPMB có nhiều nguyên nhân như: Cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường GPMB có sự thay đổi; giá đền bù, hỗ trợ GPMB giữa các địa phương, các dự án có sự chênh lệch; một số chủ đầu tư chưa chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; một số địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành giải quyết khó khăn, vướng mắc; công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân ở cơ sở còn hạn chế...

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đang tồn tại các dự án gặp khó khăn trong công tác GPMB. Cụ thể, đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất: Huyện Văn Lâm có 43 dự án; huyện Yên Mỹ có 18 dự án; huyện Khoái Châu có 12 dự án…; đối với các dự án nhận chuyển nhượng: Huyện Văn Lâm có 52 dự án; huyện Yên Mỹ có 21 dự án; huyện Khoái Châu có 18 dự án…

Thực tế ở một số địa phương còn nhiều dự án do chậm tiến độ GPMB dẫn tới dự án kéo dài nhiều năm cho thấy, nút thắt GPMB gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.Khu Công nghiệp Kim Động đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 4.4.2010, là khu công nghiệp tổng hợp có tính chất công nghiệp sạch với các loại hình công nghiệp chủ yếu: Sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử viễn thông, điện gia dụng, điện lạnh dùng trong công nghiệp chế biến,... Ngày 14.4.2010, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Kim Động. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DÐK thực hiện đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Kim Ðộng. Dự kiến việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoàn thành trong vòng 34 tháng, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, dự án phải "đắp chiếu" nhiều năm do chủ đầu tư chậm đền bù giải phóng mặt bằng. Để phục vụ dự án này, năm 2018, UBND huyện Kim Động đã ban hành quyết định thu hồi đất với diện tích 48,32 ha của 542 hộ dân tại 2 xã Chính Nghĩa và Phạm Ngũ Lão. Tổng kinh phí UBND huyện Kim Động đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tại các xã trên là hơn 114,8 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 2 năm 2018 và 2019, chủ đầu tư mới chuyển tổng số tiền 30 tỷ đồng để bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân.

Trên phần diện tích đất đã thu hồi để thực hiện dự án, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, ngay cả hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ cũng có tâm lý hoang mang, không biết dự án có triển khai không. Bà Nguyễn Thị Nga, người dân xã Chính Nghĩa cho biết: Dù diện tích đất nông nghiệp của gia đình tôi đã có quyết định thu hồi, nhưng dự án mãi không thấy triển khai, để đất bỏ không thì lãng phí…

Đồng chí Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Kim Động cho biết: Dự án Khu Công nghiệp sạch có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, được đông đảo người dân trong vùng dự án quan tâm. Đề nghị tỉnh có hình thức xử lý chủ đầu tư vì chậm chi trả tiền bồi thường GPMB, chậm triển khai dự án. Đồng thời cho phép huyện Kim Động tiếp tục thực hiện GPMB ở những diện tích còn lại thuộc dự án để bảo đảm tiến độ.

Ngày 1.4.2022, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 96/TB-UBND về ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Động, trong đó đồng ý chủ trương để huyện Kim Động tổ chức công tác đền bù, GPMB 100 ha thuộc dự án Khu công nghiệp sạch Kim Động theo quy hoạch đã được phê duyệt; chỉ tiến hành bàn giao đất sau khi dự án được hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào thông báo này, đến cuối tháng 5.2022, huyện Kim Động đã ra thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án đối với hơn 200 hộ dân tại xã Toàn Thắng, tiếp tục thực hiện các bước để tổ chức công tác đền bù, GPMB phục vụ dự án Khu công nghiệp sạch Kim Động.

Cũng nằm trong tình trạng kéo dài nhiều năm do chậm GPMB là dự án đầu tư xây dựng công trình Đường trục phía Bắc khu Đại học Phố Hiến. Ngày 7.12.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Đường trục phía Bắc khu Đại học Phố Hiến. Tuyến đường có chiều dài 4,3km, điểm đầu kết nối đường trục bờ sông Điện Biên (phường An Tảo, thành phố Hưng Yên), điểm cuối nối với đường trục đô thị Đại học Phố Hiến. Thời hạn thực hiện dự án theo quyết định của UBND tỉnh là 2 năm 2017 và 2018, do Ban Quản lý khu Đại học Phố Hiến làm chủ đầu tư và UBND thành phố Hưng Yên chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế trong tháng 5.2022, điểm nối của tuyến đường này với đường trục bờ sông Điện Biên vẫn chưa được hoàn thiện, tạo một nút thắt trong tổng thể giao thông và cảnh quan khu vực. Ông Đinh Văn Thạo, người dân tại khu phố An Bình (phường An Tảo), một trong những hộ dân đang ở trong nút thắt GPMB này cho biết: Gia đình tôi rất mong dự án sớm được hoàn thiện để gia đình yên tâm sản xuất, kiến thiết nhà cửa.

Trong những năm qua, dự án này đã phải nhiều lần điều chỉnh thời gian thực hiện, nguyên nhân do công tác GPMB chưa hoàn thành. Qua trao đổi với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Hưng Yên, Ban Quản lý khu Đại học Phố Hiến và phường An Tảo, việc chậm GPMB chủ yếu do quá trình xác định nguồn gốc đất của 7 hộ dân nằm trong điểm cuối của tuyến đường. Cả 7 hộ dân đều có diện tích đất được cấp từ năm 1997, nhiều hộ trong đó đã mua đi bán lại bằng giấy viết tay. Mặt khác, dù làm nhà ở đã lâu nhưng lại chưa làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, dự án này vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xác định hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường phục vụ GPMB.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thu hút được 850 dự án đầu tư mới, tăng khoảng 40% so với giai đoạn 2011 – 2015. Theo Nghị quyết số 342/NQ-HĐND ngày 22.12.2020 của HĐND tỉnh về việc chấp thuận danh mục dự án cần thu hồi đất và phê duyệt các dự án có sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha trên địa bàn tỉnh năm 2021, HĐND tỉnh đã chấp thuận 848 dự án thu hồi đất với diện tích hơn 3,9 nghìn héc-ta; phê duyệt 931 dự án sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha với tổng diện tích gần 1,9 nghìn héc-ta. Do đó, khối lượng công việc GPMB của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, đòi hỏi càng tháo gỡ nhanh được các nút thắt và bảo đảm tiến độ trong GPMB sẽ càng tạo điều kiện để các dự án từng bước được triển khai, đi vào hoạt động.

Minh Nghĩa – Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202206/go-nut-that-trong-giai-phong-mat-bang-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5c32167/