Gỡ 'nút thắt' trong phát triển điện gió

Việt Nam được xác định là nước có điều kiện tốt để phát triển điện gió nói riêng và năng lượng sạch nói chung. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) thì phát triển điện gió tại nước ta đang gặp phải những 'nút thắt' cần có chính sách để tháo gỡ. Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận (BTWEA), mặc dù giá FIT điện gió đã được nâng lên trong Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng một dự án điện gió muốn có lãi phải đáp ứng 3 yếu tố, đó là nằm ở vùng có gió tốt; có nguồn vốn vay hợp lý và thứ ba là chọn được thiết bị phù hợp. Bây giờ còn xuất hiện yếu tố thứ tư nữa là …phải có người mua điện.Theo Chủ tịch BTWEA, dự án điện gió Bình Thạnh (mới làm được giai đoạn 1, vừa bị cháy một tua bin), dù ở một vị trí gió rất tốt, nhưng dự án này đang bước vào thời kì kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ do thiết bị không phù hợp.

Gỡ

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19

Theo cảnh báo của đơn vị tư vấn có uy tín từ nước Anh là Wood Mackenzie, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể làm giảm từ 10 - 50% công suất lắp đặt điện gió năm 2020 tại Trung Quốc và một số nước, VCEA cho biết.

Ở Việt Nam, ngành năng lượng sạch nói chung, điện gió nói riêng cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo VCEA, điện gió Việt Nam còn triển khai chậm hơn nhiều so với xu hướng trên thế giới. Hiện nay nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch nhiều năm, nhưng chưa triển khai. Với tình hình dịch bệnh đang bùng phát toàn cầu như hiện nay thì các dự án điện gió của Việt Nam bị chậm tiến độ là không tránh khỏi.

Một nguyên nhân khác, cũng theo VCEA, hiện nay giá bán điện từ nguồn năng lượng gió (FIT) còn rất thấp, đây là nguyên nhân chính, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư triển khai.

Cụ thể, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg (ngày 10.9.2018) với giá FIT trên bờ là 8,5 US cents/kWh và 9,8 US cents/kWh ngoài khơi (có hiệu lực đến 30/10/2021).

Sau khi QĐ 39 của TTg ra đời, đãcó 425 MW đi vào vận hành; 894 MW đang được xây dựng và 3 dự án (với tổng công suất 335 MW) mới được khởi công.

Nhưng, hiện còn có 54 dự án với tổng công suất là 3.657 MW đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực, chưa triển khai. Cho nên, tổng công suất điện gió lắp đặt năm 2020 (trong Sơ đồ điện 7) đặt ra là 800 MW, chắc chắn không thể đạt được.

Nhận định của VCEA, còn cho rằng các quy định của pháp luật đối với các dự án điện gió hiện nay chưa phù hợp, dẫn đến các chủ đầu tư khó tiếp cận với các nguồn tài chính quốc tế.

Để các dự án điện gió phát triển như quy hoạch, VCEA kiến nghị Chính phủ kéo giãn thời hiệu giá FIT của điện gió (trong QĐ 39 của TTg Chính phủ) đến hết năm 2022 (thay vì cuối năm 2021 như QĐ nêu).

 Lắp đặt trụ điện gió tại Tuy Phong, Bình Thuận- ảnh QH

Lắp đặt trụ điện gió tại Tuy Phong, Bình Thuận- ảnh QH

Dự án tiên phong tụt lại phía sau

Ở Bình Thuận, nơi có dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt từ năm 2009 (dự án điện gió Bình Thạnh, ở H.Tuy Phong). Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là sau 11 năm triển khai, dự án này vẫn tụt lại phía sau, không có lãi, thậm chí không nói là thua lỗ.

Mới đây nhất, dự án này bị cháy một tua bin gió, đến nay chưa thể sửa chữa, thay thế. Hãng sản xuất thiết bị của dự án này đã phá sản ở Đức.

Tuy nhiên, ngay cả dự án điện gió Phú Lạc (đáp ứng cả 3 yếu tố trên), thời gian vừa qua lại bị sa thải công suất liên tục (do quá tải đường truyền) cũng trở thành “nút thắt” mới, chưa được tháo gỡ.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với thi công điện mặt trời. Ngoài việc xử lý bê tông nền móng trụ gió vững chắc, cần có cần cẩu 100 tấn để nâng thiết bị siêu trường, siêu trọng. Đặc biệt, việc vận hành và bảo trì các tuabin điện gió hiện nay phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Trong khi đó, hiện nay các hãng sản xuất thiết bị điện gió của Trung Quốc, Tây Ban Nha đang bị đóng cửa do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhiều chủ đầu tư đặt cọc mua thiết bị, nhưng bị kéo dài thời gian giao hàng, hoặc không mua được.

“Để có điều kiện triển khai các dự án điện gió đúng với qui hoạch, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương cho giãn thời gian thực hiện chính sách về giá trong QĐ 39 của TTg đến cuối năm 2022”- ông Thịnh nói.

Còn theo ông Dương Tấn Long- Trưởng Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), tỉnh hiện đã có 3 dự án điện gió đi vào vận hành (dự án Bình Thạnh, Phú Lạc ở H.Tuy Phong và dự án ngoài đảo Phú Quý) với tổng công suất chỉ 60 MW. Hiện nay dự án thứ tư (42 MW ở Phan Thiết) đang lắp đặt, sẽ hoàn thành trong năm 2020. Còn những dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Nhưng khó khăn trong phát triển điện gió tại Bình Thuận hiện nay là nhiều dự án bị chồng lấn lên diện tích đất trong quy hoạch thăm dò và khai thác titan. Cái khó khăn nữa là việc thay đổi quy hoạch đường dây truyền tải làm các dự án phải điều chỉnh quy hoạch điểm đấu nối.

Đặc biệt, cái khó của điện gió Bình Thuận hiện nay là do “sức ép” của các dự án điện mặt trời phát triển nóng, gây quá tải đường truyền, nên các dự án điện gió phải cắt giảm công suất. “Nút thắt” này đang được Bộ Công thương và ngành điện tập trung tháo gỡ.

Theo các chuyên gia điện gió, so với điện mặt trời, điện gió “thân thiện” hơn với lưới điện ở nước ta. Cụ thể, hệ số sử dụng trên lưới cao hơn khoảng 30-35%, so với 20% của điện mặt trời. Điện gió thì cả ngày lẫn đêm đều có thể hoạt động. Hiện nay có phần mềm dự báo chính xác trong vòng một tuần, nhằm phục vụ điều độ hệ thống. Điện gió cũng sử dụng rất ít đất đai, chỉ 0,35ha/MW, so với 1,2 ha/MW của điện mặt trời.

QUỐC HANH

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/go-nut-that-trong-phat-trien-dien-gio-126782.html