Gỡ 'nút thắt' trong xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn
Với sự quan tâm của tỉnh, huyện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Sau 10 năm, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Song, để bộ mặt nông thôn đổi thay rõ nét hơn, có thêm nhiều hộ dân thoát đói nghèo, công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn vẫn còn nhiều 'nút thắt' cần tháo gỡ.
Nhiều tiêu chí “gặp khó”
Để tìm hiểu về xây dựng NTM ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi chọn điểm đến là các xã vùng cao của các huyện Mộc Châu, Mường La. Địa điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận là xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, đây là xã thuộc nhóm yếu trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Vượt những con đường dốc đứng với những khúc cua tay áo, chiếc xe máy của chúng tôi phải luôn để ở số 2, ì ạch hơn cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành đoạn đường gần 30 km từ Trung tâm huyện Mường La đến trung tâm xã. Dân cư ở đây rất thưa thớt, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, người dân không có đất sản xuất, thu nhập bình quân đầu người thấp...
Theo ông Lò Văn Vẽ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Muôn, bình quân thu nhập của xã chỉ khoảng 8 triệu đồng/người/năm, còn quá xa mức 36 triệu đồng/người/năm theo quy định trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Hiện, Chiềng Muôn mới đạt 7/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, thủy lợi, thông tin và truyền thông, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội, đây chủ yếu là tiêu chí “mềm”, ít đòi hỏi sự đóng góp của người dân. Thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền và người dân vùng cao này chính là tiêu chí thu nhập và đường giao thông. Với địa hình đồi núi chia cắt như ở các xã vùng cao, đường từ bản này sang bản kia xa cả chục cây số, lại vòng vèo qua suối sâu, đèo cao, để trục đường liên thôn, bản được cứng hóa, ô tô đi lại thuận lợi quanh năm theo tiêu chí số 2, thì phải huy động nhân dân đóng góp, mà điều này thực sự rất khó thực hiện.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi có mặt tại xã Lóng Sập - xã vùng III biên giới của huyện Mộc Châu - nơi có đường biên giới dài trên 20 km giáp nước CHDCND Lào. Mặc dù được tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, song Lóng Sập hiện mới chỉ đạt 9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ngoài tiêu chí khó hoàn thành là giao thông, thì Lóng Sập đang vướng tiêu chí số 17 (môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm). Ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã Lóng Sập, lo lắng: Với địa hình đồi núi và người dân sống rải rác như thế này, nhiều tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn thả rông gia súc hoặc nuôi nhốt dưới gầm sàn, chưa biết cách xử lý chất thải chăn nuôi, lạm dụng thuốc diệt cỏ, không thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật... thì để đạt được tiêu chí này khó ngang như “đi lên trời”.
Hiện nay, toàn tỉnh mới có 27/188 xã đạt chuẩn NTM; riêng huyện Vân Hồ chưa có xã nào đạt chuẩn; bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã (8 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 43 xã từ 10 - 14 tiêu chí, 110 xã 5 - 9 tiêu chí). Thực tế, các xã vùng cao tình trạng người lao động thiếu việc làm còn khá nhiều, thu nhập và chất lượng đời sống thấp, lại thêm địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Mặt khác, năng lực của cán bộ cơ sở nhiều địa phương còn yếu; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa đồng đều; công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số chưa đồng bộ... là những thách thức, trở ngại lớn trong xây dựng NTM.
Gỡ những “nút thắt”
Xác định điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên các địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường phát huy nội lực, ưu tiên tập trung thực hiện trước các tiêu chí không phải đầu tư nhiều kinh phí, như: An ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, y tế... Trong đó, chỉ đạo mỗi bản xây dựng một mô hình điểm để từng bước nhân rộng ra toàn xã, tạo những bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội. Được biết Bắc Yên là một trong những huyện có cách làm hay trong xây dựng NTM, nên chúng tôi đã về thăm các xã vùng cao Bắc Yên, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo đường tỉnh 112 từ thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa chỉ mất 30 phút chạy xe. Tà Xùa bây giờ đã khác xưa rất nhiều, trung tâm xã có nhiều nhà xây cao tầng, hàng hóa dịch vụ khá phong phú, sôi động chẳng kém phố huyện; những đoàn khách du lịch từ các nơi đến khám phá vẻ đẹp vùng cao tấp nập ngược xuôi trên những con đường đã được đổ bê-tông; những chiếc ô-tô nối đuôi nhau chở sản vật từ các bản mang về phố huyện bán; nhiều nhà nghỉ được xây dựng quy mô, các khu homestay của người dân bản địa và các nhà đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều...
Đón chúng tôi ngay tại Trụ sở, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã mời mọi người uống chén nước chè Tà Xùa thơm ngát - đây không chỉ là đặc sản địa phương, mà còn là mặt hàng mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào nơi đây. Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Tà Xùa đổi mới cũng nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đấy. Hệ thống kết cấu hạ tầng trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng... được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Xác định mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, Tà Xùa đã bê-tông hóa 19 tuyến đường tới các bản (nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng). Cái được rất lớn là Tà Xùa không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, di dịch cư tự do; bà con các bản nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, duy trì trên 140 ha chè Tà Xùa; chuyển diện tích trồng lúa nương sang thâm canh gần 200 ha lúa nước. Bên cạnh đó, phát triển thêm nhiều dịch vụ, việc tiêu thụ nông sản vùng cao hay thông thương hàng hóa đạt được hiệu suất cao nhất.
Khẳng định kết quả đạt được do định hướng đúng, ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thông tin thêm: Trong xây dựng NTM, ngoài vận động nhân dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Bắc Yên quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương thông qua huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi mọi sự đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Điển hình như tại xã Phiêng Ban, huyện vận động Nhà máy thủy điện Suối Sập 3 hỗ trợ toàn bộ cát, sỏi, đá và thiết bị máy móc san, ủi mặt bằng làm tuyến đường dài hơn 3 km từ Quốc lộ 37 đi 5 bản (Cang, Hí, Mòn, Nhung, Giàng), tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng, góp phần hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.
Rời huyện Bắc Yên, chúng tôi tới Thuận Châu. Chia sẻ về tháo gỡ “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới tại vùng khó khăn, ông Quàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, nói: Việc tạo sinh kế cho người dân không chỉ là mục đích mà còn là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Những năm qua, huyện đã vận động nhân dân các xã vùng cao trồng trên 4.100 ha cây sơn tra (500 ha đã cho thu hoạch), sản lượng hằng năm ước khoảng 2.000 tấn; mùa sơn tra niên vụ 2019, nhiều gia đình vùng cao thu lãi hơn 200 triệu. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân vùng cao, vùng khó khăn mở rộng diện tích trồng sơn tra; hướng dẫn nâng cao chất lượng để sơn tra trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Thuận Châu đang thực hiện rà soát các bản đăng ký xây dựng nông thôn mới, phân công thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện và cấp ủy viên phụ trách cơ sở theo dõi, hướng dẫn xã, bản thực hiện; mỗi xã sẽ chọn một bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế, xây dựng điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề lan tỏa sang những bản khác.
Để các xã khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới không dễ, cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ. Năm 2019, tỉnh ta đã ban hành Bộ tiêu chí “Bản nông thôn mới”, “Bản nông thôn mới kiểu mẫu”, “Bản nông thôn mới các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới” tỉnh Sơn La giai đoạn 2019 - 2020. Với các mức chỉ tiêu phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội vùng khó khăn, Bộ tiêu chí “Bản nông thôn mới” là căn cứ để xây dựng và triển khai kế hoạch phấn đấu đối với các bản khu vực I, II và III thuộc các xã chưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020; còn Bộ tiêu chí “Bản nông thôn mới của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới” là căn cứ để xây dựng và triển khai kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn đối với các bản thuộc xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020. Bộ tiêu chí của tỉnh được ban hành dành cho từng vùng I, vùng II, vùng III sẽ góp phần giúp các địa phương dần mở các “nút thắt” trong việc thực hiện các tiêu chí khó đạt ở xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.