Gỡ pháp lý để bơm mạnh vốn ra nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẵn sàng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay nếu lạm phát được kiểm soát. Tuy vậy, để đạt tăng trưởng tín dụng cao, có thể phải 'gỡ' một số quy định pháp lý.

Tín dụng năm 2025 có thể tăng vượt 16%

“Việc Quốc hội ‘nới’ chỉ tiêu lạm phát đã tạo điều kiện cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, tôi cho rằng, NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành, hay mạnh tay phá giá tiền đồng để nới lỏng tiền tệ, mà sẽ nới lỏng qua các công cụ khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo các chuyên gia, tuy không hạ lãi suất điều hành, song khả năng “nới” room tín dụng hoàn toàn có thể xảy ra. Thông thường, để đổi lấy 1% tăng trưởng GDP, tín dụng phải tăng trưởng ít nhất 2%. Theo đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%, thì tín dụng phải tăng từ 16 đến 18%.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tuần qua, Thống đốc NHNN khẳng định, căn cứ mục tiêu lạm phát đã được điều chỉnh 4,5-5%, NHNN sẽ đánh giá, theo dõi thực tế. Trường hợp lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, NHNN sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng (mục tiêu năm 2025 là 16%).

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là rất thách thức, song hoàn toàn có tính khả thi. Lý do là nền kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ phục hồi và phát triển tương đối rõ nét, giúp tốc độ hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, các động thái của NHNN cho thấy, nhà điều hành đang quyết tâm mạnh mẽ trong hỗ trợ tăng trưởng. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chính của nền kinh tế. Tín dụng năm 2025 khá thuận lợi nhờ sự phục hồi của một số phân khúc bất động sản, nhu cầu vay mua nhà của cá nhân tăng trở lại, xuất khẩu tăng trưởng tốt, thương mại và dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn năm ngoái.

NHNN cho hay, năm nay, tùy tình hình tăng trưởng tín dụng thực tế, NHNN sẽ kịp thời điều chỉnh “room” tín dụng cho các tổ chức tín dụng. NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các dự án, công trình trọng điểm…

NHNN khuyến cáo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, hiện chiếm hơn 22% tổng dư nợ nền kinh tế, Thống đốc NHNN đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án để dòng vốn trong lĩnh vực này được luân chuyển nhanh hơn.

Gỡ loạt pháp lý để giải phóng dòng vốn

Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý đối với các kênh bơm tiền ra để có thể bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế ngay khi cần. Tuy vậy, để có nguồn vốn phục vụ tăng trưởng, cần huy động cả nguồn vốn ngoài nước, chứ không chỉ dựa vào trong nước, vì hiện nay, tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư của nền kinh tế Việt Nam.

NHNN cũng cho rằng, cần có giải pháp để giải phóng lượng vốn khổng lồ bị “kẹt” trong các dự án hạ tầng, dự án bất động sản, loạt dự án thua lỗ kéo dài của ngành công thương… Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản trong quá trình thi hành án để giải phóng nguồn lực lớn của ngân hàng đang kẹt trong các tài sản bất động sản.

Dư địa tăng trưởng tín dụng năm 2025 cũng nằm ở lĩnh vực xanh và lĩnh vực năng lượng. Các ngân hàng đang mong ngóng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh, cũng như sớm hoàn thiện Đề án Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh để ngân hàng có căn cứ cho vay.

Về phía các tổ chức tín dụng, lãnh đạo các ngân hàng đang lo vướng “room” tăng trưởng và đề nghị NHNN sớm tháo gỡ. Sắp tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được giao triển khai nhiều dự án lớn, song hầu hết chạm mức giới hạn tối đa cho vay với một khách hàng, rất khó cho vay thêm.

Để thuận tiện trong cung ứng vốn cho các dự án lớn thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị NHNN và Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quyết định liên quan đến trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của các tổ chức tín dụng.

Tương tự, TPBank rất muốn giải ngân lượng vốn lớn cho các dự án BOT, song đang bị kẹt room. Do đó, Chủ tịch HĐQT TPBank kiến nghị, đối với các ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT, NHNN cho phép phần vốn này không tính vào room tín dụng hàng năm.

Nếu được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% năm nay hoàn toàn trong tầm tay.

Tất nhiên, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới, bên cạnh vốn ngân hàng, cần có thêm các giải pháp để phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, khi tăng trưởng tín dụng cao, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn và nguy cơ nợ xấu tăng lên. Do đó, việc kiểm soát lãi suất và chất lượng tín dụng, phân bổ dòng vốn đúng nơi đặc biệt quan trọng.

NHNN đang xem xét nâng quy mô gói tín dụng lâm, thủy sản lên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi đối tượng thành lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Với lĩnh vực điện, năng lượng, NHNN chỉ đạo các nhà băng đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với lĩnh vực giao thông, NHNN đang theo dõi sát tình hình cấp tín dụng và phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng với các dự án BT, BOT cũ; đồng thời xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm mới.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-phap-ly-de-bom-manh-von-ra-nen-kinh-te-d248538.html