Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam - Những nỗ lực từ cơ sở: Bài 1: Đồng hành với ngư dân cả trên bờ, trên biển
LTS: Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Lý do EU đưa ra là một bộ phận ngư dân nước ta có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (hoạt động đánh bắt IUU).
EU đưa ra 9 nhóm khuyến nghị nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm IUU nếu muốn gỡ thẻ vàng. Loạt bài “Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam-Những nỗ lực từ cơ sở” phản ánh nỗ lực của các địa phương ven biển, cùng lực lượng nòng cốt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển (CSB), Bộ đội Hải quân trong tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, đi đến dần chấm dứt vi phạm IUU, tạo tiền đề cho thủy sản Việt Nam tiếp tục vươn ra thế giới.
Bài 1: Đồng hành với ngư dân cả trên bờ, trên biển
Những năm gần đây, nhằm góp phần cùng các lực lượng ngăn chặn từ sớm, từ xa tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, nhất là hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, xử lý, lực lượng CSB, BĐBP, Bộ đội Hải quân các tỉnh, khu vực ven biển đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức cho ngư dân cả trên bờ và trên biển.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật cho ngư dân
Ngày đầu tuần tháng 3-2023, hội trường UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng thu hút đông đảo ngư dân trên địa bàn, trong đó đa phần là các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân, quản lý cảng cá, chủ cơ sở, doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản, nghe Thiếu tá Phạm Văn Trung, Trợ lý Phòng Chính trị Vùng CSB 2 tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống IUU.
Không như các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trước đây thường khô cứng, khó hiểu, chủ yếu là thông tin một chiều, buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật của Thiếu tá Phạm Văn Trung thu hút sự chú ý theo dõi của bà con ngư dân ngay từ đầu bởi những hình ảnh, số liệu, video clip sinh động, phong phú, kết hợp kỹ năng phân tích, thuyết trình nhuần nhuyễn, giúp ngư dân hình dung được toàn cảnh thực trạng vi phạm IUU của tàu cá Việt Nam những năm gần đây và tác động của hành vi đó đối với nền kinh tế đất nước.
Theo đó, từ tháng 10-2017, ngành thủy sản Việt Nam bị EC áp thẻ vàng cảnh cáo bởi các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Đến nay Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng, gây thiệt hại không nhỏ cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU, kéo theo đó là tác động dây chuyền đến các hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển và các hoạt động dịch vụ nghề cá, dịch vụ chế biến. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa tuyên bố về chủ quyền của quốc gia đối với các vùng biển, nhất là các vùng biển xa bờ, vai trò của ngư dân là vô cùng quan trọng. Các hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nếu vì hải sản không xuất khẩu được, ngư dân sẽ không vươn khơi đánh bắt nữa, sẽ tác động không tốt tới chiến lược quốc gia thực thi chính sách về biển.
Quá trình tuyên truyền, Thiếu tá Phạm Văn Trung còn minh họa những hình ảnh, số liệu, video clip về một số trường hợp ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, kết án tù, tịch thu toàn bộ tang vật, dẫn tới phá sản, kinh tế kiệt quệ, không còn cơ hội để vươn khơi, bám biển. Ví như trường hợp anh Trần Văn Mạnh, trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa 95005-TS, ngày 11-6-2022 đã bị tàu Malaysia truy đuổi, đâm va gây hư hỏng nặng với cáo buộc đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển của họ. Sau khi bị phía Malaysia bắt giữ, anh Mạnh đã bị tịch thu toàn bộ số hải sản, ngư cụ, thuyền và cả tư trang của thuyền viên. Số tiền mà các gia đình ngư dân gom góp để đóng phạt cho Malaysia là gần 5 tỷ đồng. Hay như trường hợp anh Phạm Văn Chung, trú tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thuyền trưởng tàu BĐ 26672TS cũng bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ với cáo buộc đánh bắt hải sản trái phép. Anh Chung và các thuyền viên bị giam giữ từ tháng 2-2021 đến tháng 6-2022 mới được thả về nước trong tình trạng tay trắng, ốm đau, khủng hoảng tinh thần...
Làm sao để giúp ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật, đồng thời tự giác chấp hành trong quá trình đánh bắt xa bờ? Đây là bài toán khiến Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB hết sức trăn trở. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, phối hợp thực thi Luật CSB với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.
Các vùng CSB căn cứ tình hình thực tế, cũng chủ động phối hợp với BĐBP, Bộ đội Hải quân, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn đơn vị quản lý triển khai nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng CSB 2, tuyên truyền để ngư dân cả trên bờ, trên biển đều nắm chắc các quy định của pháp luật trong quá trình vươn khơi bám biển, nhất là đả thông tư tưởng cho bà con về hậu quả của hành vi vi phạm IUU, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 thường xuyên chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đi từng nhà, gõ từng tàu, tiến hành gặp gỡ, động viên, tuyên truyền, vận động tới từng thuyền trưởng, chủ tàu. Vùng CSB 2 tăng cường phối hợp với các lực lượng thực hiện hiệu quả, kịp thời các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ bà con ngư dân không may gặp nạn trong quá trình vươn khơi bám biển. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông qua Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, đơn vị tiến hành tặng quà hộ ngư dân nghèo, tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng cờ Tổ quốc cho bà con, qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân trên biển ngày càng vững chắc.
Chỉ rõ nguyên nhân, từng bước gỡ rối
Quá trình khảo sát, tìm hiểu ở nhiều địa phương ven biển, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên..., tiếp xúc với không ít chủ tàu, thuyền trưởng trở về sau thời gian bị nước ngoài bắt giữ, chúng tôi ghi nhận hoàn cảnh của họ cơ bản giống nhau, đều phải vay vốn ngân hàng, người thân hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để chuẩn bị cho những chuyến đi biển dài ngày. Do áp lực chi phí, cộng với thiếu ý thức chấp hành pháp luật, nhiều chủ tàu không muốn khai thác trong ngư trường truyền thống, mà sẵn sàng đánh cược toàn bộ gia sản, thậm chí cả tính mạng của mình cho những chuyến vượt biển, xâm phạm hải phận của nước ngoài để đánh bắt hải sản, vi phạm IUU với mong muốn có thể đổi đời, hay ít nhất cũng có chút vốn liếng làm ăn, trang trải nợ nần.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, theo Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Bình Định, do xuất phát từ lòng tham, muốn né chi phí xuất bến, cập cảng; phí và lệ phí xin giấy phép khai thác, vận chuyển, trung chuyển và các khoản phí khác nên họ dùng nhiều thủ đoạn để đánh bắt, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cá thu được từ hoạt động đánh bắt trái phép. Trong khi rõ ràng không phải các chủ tàu, thuyền trưởng không lường trước được hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu bị nước ngoài bắt giữ khi vi phạm IUU và phần lớn ngư dân đều nắm được các quy định về IUU, nhưng nhiều người bất chấp tất cả.
Nguyên nhân nữa phải kể đến là một bộ phận không nhỏ ngư dân hạn chế về trình độ, kiến thức về đánh bắt thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học do không được đào tạo cơ bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, truyền kinh nghiệm để “được mùa cá tôm” chứ ít ai dạy cách bảo vệ nguồn hải sản. Ngoài ra, có những chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân thiếu hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới trên biển của các nước trong khu vực cũng như kiến thức về pháp luật các nước. Đến khi bị bắt, tịch thu ngư cụ, họ mới biết mình đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở tại.
Trước thực trạng đó, với sự tuyên truyền, vận động tích cực của BĐBP, CSB, Bộ đội Hải quân, những năm gần đây, tư duy cũng như thói quen đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển có sự thay đổi rõ rệt. Những cá nhân từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử lý trước đây, nay đều trở thành những hạt nhân tích cực, cùng cán bộ, chiến sĩ LLVT hăng hái vận động bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển. Nhờ đó, tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân các địa phương đang có xu hướng giảm dần về số vụ. Một số địa phương không ghi nhận các trường hợp vi phạm phải xử lý.
Ví dụ như ở TP Đà Nẵng, 100% tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng khẳng định trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các nội dung về chống IUU; quản lý, sử dụng thiết bị GSHT; hướng dẫn các nội dung sửa đổi, bổ sung như sổ nhật ký khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, quy định thuyền viên tàu cá theo nhóm tàu, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản... để ngư dân kịp thời nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt hoặc không bật thiết bị GSHT; không có nhật ký khai thác thủy sản cũng xuất, nhập bến.