Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam - Những nỗ lực từ cơ sở:Bài 3: Giúp dân hướng đến một ngư trường bền vững
Việc gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) là ưu tiên trước mắt, nhưng để phát triển ngành thủy sản Việt Nam một cách bền vững, cần có phương án khai thác nguồn lợi có trách nhiệm. Chính vì vậy, chúng ta cần coi thẻ vàng của EC như một cảnh báo thường xuyên. Bởi nếu không giữ vững thành quả đã đạt được, đồng thời thay đổi tư duy về nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, có thể dẫn đến thẻ đỏ bất kỳ lúc nào. Đây là trách nhiệm không chỉ của 28 tỉnh ven biển mà của cả hệ thống chính trị.
(Tiếp theo và hết)
Tạo chuyển biến nhận thức
Ngày cuối tuần tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định, mặc dù mới sáng sớm nhưng lượng tàu cá đăng ký xuất bến mỗi lúc một đông. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, cập cảng được cán bộ Trạm thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ.
Đại úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn cho hay: “Quá trình kiểm soát, đăng ký xuất, nhập tàu cá ra vào cảng, chúng tôi đặc biệt chú trọng kiểm tra số người thực tế trên tàu so với danh sách thuyền viên đăng ký trong sổ danh bạ; các loại giấy tờ liên quan đến người, phương tiện. Trước khi xuất bến, các chủ tàu, thuyền trưởng phải ký cam kết không vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các tàu không đủ điều kiện theo quy định thì không được xuất bến”.
Quá trình tìm hiểu thực tế tại nhiều tỉnh ven biển, nhất là các tỉnh có số lượng lớn tàu đánh bắt xa bờ, có thể khẳng định, hành vi vi phạm IUU đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân. Điều này được Ban chỉ đạo phòng, chống IUU các tỉnh ven biển chỉ rõ thông qua báo cáo hằng năm về kết quả điều tra, xử lý tàu cá vi phạm IUU. Với vai trò nòng cốt trong phòng, chống IUU, những năm qua, các lực lượng: BĐBP, hải quân, kiểm ngư, Cảnh sát biển thường xuyên đồng hành với ngư dân, tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con vươn khơi bám biển với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.
Theo đó, không chỉ ở Bình Định mà tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu... cấp ủy, chỉ huy các đồn biên phòng đều giao cho đội ngũ đảng viên, cấp ủy phụ trách từng hộ gia đình ngư dân; tham gia cấp ủy và sinh hoạt đảng cùng chi bộ địa phương. Hoạt động vừa giúp tăng cường gắn kết tình cảm quân dân, vừa giúp BĐBP kịp thời nắm bắt tình hình địa bàn, các vi phạm mới nhất về IUU để tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển.
Đối với Cảnh sát biển, hơn 5 năm qua, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã tuyên truyền trực tiếp cho gần 120.000 lượt nhân dân, ngư dân; cấp phát 280.000 tờ rơi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về phòng, chống khai thác IUU. Cảnh sát biển cũng huy động các nguồn lực ủng hộ hơn 45 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Cùng với đó, tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công 58 phương tiện tàu, thuyền/1.025 ngư dân. Các hoạt động cũng nhằm động viên tinh thần, khích lệ bà con ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Trương Công Hiếu, trú tại tổ 97, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Thuyền trưởng tàu 90683TS-ĐN, cho biết, đây là lần thứ tư khi cập cảng, anh được cán bộ Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà, tuyên truyền pháp luật về biển, đảo để vươn khơi an toàn. Được tặng cờ Tổ quốc, ngư dân Nguyễn Văn Cho trú tại tổ 98, phường Thọ Quang xúc động bày tỏ: “Năm nào gia đình tôi cũng được Cảnh sát biển tặng quà, ảnh Bác, cờ Tổ quốc. Mỗi lần vươn khơi bám biển, tôi thực sự yên tâm”.
Đặc biệt, Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" được Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... triển khai thực hiện khá hiệu quả, góp phần vận động, giúp đỡ ngư dân khai thác thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật. Cán bộ, y, bác sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 cũng tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết hợp tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn.
Như vậy có thể thấy, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân chấp hành các quy định của pháp luật, chứ không phải vấn đề tăng mức xử phạt. Do đó, các địa phương, mà nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ đội Hải quân, kiểm ngư cần đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ hành vi IUU, nếu còn vi phạm thì kiên quyết xử lý để bảo đảm tính răn đe và giúp ngư dân giảm dần lỗi vi phạm, từ đó ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm IUU...
Để ngư dân sống được với biển
Ngư dân được ví như những cột mốc sống trên biển, việc hỗ trợ họ bám biển, khai thác thủy sản an toàn, đúng pháp luật cũng là một cách bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng phân tích, ngoài lực lượng chấp pháp, ngư dân vừa đánh bắt, vừa là “tai mắt trên biển”. Vai trò đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ông Ngữ cũng cho rằng, ngư trường không giới hạn trong một vùng biển nhất định, nơi nào có luồng cá ngư dân sẽ ra khơi đánh bắt. Do đó, hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng về giá xăng, dầu cần có chính sách chung của Nhà nước, không thể mặc cho các tỉnh, thành phố tự làm riêng.
Còn bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì cho rằng, ngư dân không có đất đai, chỉ có con tàu làm kế sinh nhai, khi không ra biển nghĩa là mất nghề, mất thu nhập, mất đi cơ hội bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bởi ra biển không chỉ để hiện diện dân sự, làm kinh tế mà ngư dân còn thực hiện chủ quyền dân sự trên nền tảng các hoạt động kinh tế, có sứ mệnh tham gia bảo vệ Tổ quốc. Ở khía cạnh khác, việc tàu cá gần đây nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao sẽ làm thiếu hụt nguồn cung trong chuỗi cung ứng sản xuất-xuất khẩu. Đánh bắt và nuôi trồng hải sản có những tệp khách hàng và thị hiếu khác nhau nên không thể nói sản phẩm nuôi trồng thay thế được hải sản đánh bắt. Vì vậy, ngư dân đánh bắt trên biển cần được hưởng những chính sách đặc thù.
Cũng theo bà Phạm Thị Hương, ngoài việc giảm giá xăng, dầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sớm xem xét và đề xuất Chính phủ có chính sách giãn trả nợ, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân để họ có điều kiện khôi phục sản xuất. Người buôn bán và chế biến thủy sản cũng cần được hưởng phụ cấp mất việc như chính sách hỗ trợ công nhân trong nhà máy, xí nghiệp. Chính phủ nên mở rộng diện hỗ trợ ra toàn bộ ngư dân và lao động nghề cá. Cả nước có khoảng 1 triệu lao động nghề cá. Một người đi biển nuôi thêm 3-4 người trên bờ nên việc hỗ trợ họ có tác dụng an sinh xã hội rất lớn.
Có thể nói, đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ gây thiệt hại cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng hải sản Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế, danh dự quốc gia. Điều này cho thấy, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, chỉ có khai thác có trách nhiệm mới có thể bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ được tài nguyên khoáng sản trên biển. Đồng thời, góp phần cùng với ngư dân cả nước lấy lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam từ EC.
Nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, cơ hội phục hồi và tăng trưởng mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU là rất khả thi vì sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Cũng nhờ đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn ở các thị trường khác, cạnh tranh tốt hơn với các nước xuất khẩu thủy sản khác.
Ngày 2-5-2023, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục thẻ vàng IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu chống vi phạm IUU.