Gỗ Trường Thành bị phạt 150 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF).

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (địa chỉ: Đường ĐT 747, khu phố 7, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Theo đó, UBCKNN đã xử phạt doanh nghiệp này 150 triệu đồng, theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, do công bố thông tin sai lệch.

Theo quyết định xử phạt, Gỗ Trường Thành công bố thông tin sai lệch số liệu, chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2021 và BCTC 6 tháng đầu năm 2022 do điều chỉnh các khoản dự phòng đối với các khoản phải thu từ công ty con và dự phòng các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng (tại BCTC năm 2021 được kiểm toán); điều chỉnh dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu từ công ty con (BCTC bán niên năm 2022 được soát xét)).

Trước sai phạm trên, UBCKNN buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cải chính thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 22/9/2022.

Gỗ Trường Thành (mã TTF) bị phạt 150 triệu đồng vì lỗi công bố thông tin sai lệch.

Gỗ Trường Thành (mã TTF) bị phạt 150 triệu đồng vì lỗi công bố thông tin sai lệch.

Trên thị trường, gần đây giao dịch cổ phiếu TTF khá trầm lắng. Tại phiên giao dịch ngày 26/9, cổ phiếu TTF ở mức giá trần 7.780 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,508 triệu đơn vị.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tăng 5,2% so với đầu năm lên 2.985,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 726,3 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 635,2 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 376,6 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 367,2 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 361,4 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 1.159,34 tỷ đồng, tăng 54,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 52,3% so với cùng kỳ. Trong đó, 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh cốt lỗi (lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp – chi phí tài chính) ghi nhận lỗ 30,03 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,96 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 25,07 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 6,18% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách khá xa kế hoạch.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành của chủ tịch Mai Hữu Tín trong bối cảnh doanh nghiệp này trở lại tình trạng lỗ trong quý II/2022 sau 4 quý lãi liên tiếp và lợi nhuận chưa phân phối âm hơn 3.000 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính năm 2021 do Công ty TNHH Ernst & Young kiểm toán, doanh thu tài chính của TTF được điều chỉnh tăng từ 20 tỷ đồng so với báo cáo tự lập lên hơn 60 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận thêm thu nhập từ việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành M’Drak và CTCP Vật liệu Xây dựng Trường Thành – Phước An.
Bên cạnh doanh thu tài chính, chi phí quản lý của TTF cũng được điều chỉnh tăng thêm 65%, lên 140 tỷ đồng, chủ yếu do công ty trích lập dự phòng hơn 39 tỷ đồng đối với các khoản phải thu khó đòi, trong khi ở báo cáo tự lập, TTF hoàn nhập dự phòng khoản mục này hơn 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản mục lợi nhuận khác của TTF giảm 34% so với báo cáo chưa kiểm toán về gần 22 tỷ đồng. Điều này khiến TTF chuyển từ trạng thái lãi ròng gần 9 tỷ đồng trên báo cáo tự lập thành lỗ ròng gần 9 tỷ sau kiểm toán.
Còn trên báo cáo soát xét bán niên 2022 cũng do Ernst & Young kiểm toán, TTF đã được ghi nhận thêm lợi nhuận khác 17 tỷ, tăng 15% so với báo cáo chưa kiểm toán, phần lớn nhờ xóa sổ công nợ. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 16 tỷ đồng, giảm 64% so với báo cáo tự lập, do lãi chênh lệch từ tỷ giá và lãi tiền gửi, cho vay giảm sút.
Kết quả lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của TTF từ 7,7 tỷ đồng giảm còn 4,4 tỷ trên báo cáo sau kiểm toán, tức giảm khoảng 43%. Còn lãi ròng tăng từ 8,4 tỷ lên 10,7 tỷ sau soát xét.
Doanh nghiệp giải trình, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 2,3 tỷ so với số liệu ban đầu là do công ty đã ghi nhận bổ sung phần lãi trong công ty liên doanh liên kết. Còn lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 6,2 tỷ so với chưa kiểm toán là lỗ 670 triệu đồng, nguyên nhân là ghi nhận bổ sung chi phí quản lý doanh nghiệp các công ty con.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-truong-thanh-bi-phat-150-trieu-dong-vi-cong-bo-thong-tin-sai-lech-d174225.html