Gỡ vướng bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Phát triển nhà ở tại Hà Nội: Bảo đảm an sinh, văn minh, hiện đại
(HNM) - Hiện thành phố Hồ Chí Minh còn hơn 10.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và nhiều người dân có nhu cầu mua lại những căn nhà đó nhưng gặp không ít khó khăn về thủ tục. Để tháo gỡ, thành phố vận dụng các quy định liên quan của Trung ương và thành phố nhằm thúc đẩy công việc này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, tổng số nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước mà thành phố đang quản lý là 10.598 căn (chưa tính các trường hợp tiếp nhận và chuyển giao mới); trong đó, có 572 căn biệt thự, 4.648 căn nhà phố và 5.378 căn hộ chung cư. Số lượng nhà ở cũ được bán cho người thuê còn ít vì gặp nhiều vướng mắc pháp lý.
Nhiều nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là biệt thự, đang bị xuống cấp do chưa bán cho người dân.
Đơn cử, căn nhà số 606/147/2/4, Đường 3-2, phường 14, quận 10. Căn nhà này có nguồn gốc trước năm 1975, được chuyển quyền cho thuê bằng giấy viết tay qua nhiều đời chủ thuê khác nhau. Năm 2013, ông Lê Hữu Vinh đến thuê ở. Sau đó, ông nộp đơn xin mua lại nhà, nhưng đơn vị quản lý trả lời do không xác định được chính xác thời điểm căn nhà này hình thành, nên không có căn cứ áp dụng chính sách cụ thể.
Theo quy định của Nhà nước, người đang thuê, muốn mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, phải tuân thủ điều kiện theo các văn bản: Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994, Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 7-9-2006, Nghị quyết 48/2007/NQ-CP ngày 30-8-2007 và Nghị định 99/NĐ-CP ngày 20-10-2015. Tùy từng thời điểm hình thành nhà đất, người mua sẽ được áp dụng những quy định khác nhau.
Với thực tế hiện nay, việc bán nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh chậm bởi có nhiều căn nhà hình thành trước năm 1975, qua nhiều hình thức sở hữu và sử dụng, giấy tờ không còn đầy đủ.
Số liệu do Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh công bố mới đây cho thấy, từ ngày 6-6-2013 đến 31-12-2016, tổng số nhà cũ đã bán được là 999 căn. Nửa đầu năm 2017, tổng số nhà thuộc sở hữu nhà nước được bán cho người thuê là khoảng 500 căn, sau đó chững lại. Thậm chí có thời điểm, thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng bán nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện còn nhiều vấn đề tồn đọng liên quan đến nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước như tính pháp lý phức tạp; nhiều nhà ở cũ khó truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc tính tiền sử dụng đất để tính giá nhà khi bán nhà ở cũ và chuyển quyền sử dụng đất gắn với nhà ở cũng đang gặp vướng mắc nên thành phố phải chờ bộ, ngành trung ương hướng dẫn.
Ngày 9-9 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 215/ BXD-QLN hướng dẫn giải quyết với trường hợp người sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước mà được bố trí sử dụng từ ngày 5-7-1994 đến trước ngày 19-1-2007. Ngay sau đó, ngày 11-9-2019, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 3732/UBND-ĐT chấp thuận chủ trương hướng giải quyết bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn do Sở Xây dựng đề xuất.
Cụ thể, với trường hợp người mua được bố trí sử dụng trước ngày 19-1-2007, có đơn xin mua nhà nộp trước ngày 6-6-2013, nếu đủ điều kiện theo quy định, sẽ được xem xét, giải quyết bán theo Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ. Như vậy, một phần khó khăn về căn cứ để bán nhà đã được hóa giải.
Để đẩy nhanh hơn nữa việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, UBND thành phố vừa có Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND về ban hành bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới trên địa bàn thành phố. Đây sẽ là căn cứ để tính giá chuẩn nhà ở xây dựng mới để thực hiện việc định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định.