Gỡ vướng cho các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt các trạm BTS
Quá trình thi công triển khai lắp đặt các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng điện thoại di động (trạm BTS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm hạ tầng, phục vụ chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình thi công triển khai lắp đặt các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Vấn đề khó khăn này đã được các doanh nghiệp viễn thông nhiều lần phản ánh. Giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này?.
Đại diện các Công ty viễn thông cho biết, việc lắp đặt các trạm thu phát sóng - BTS tại địa phương bị hạn chế do vướng quy hoạch hoặc chưa được chấp thuận từ phía người dân.... Trung tá Vũ Xuân Hoàn, Giám đốc Viettel Bắc Giang cho biết, Viettel xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông di động bám sát mục tiêu của UBND tỉnh. Riêng năm 2023, đơn vị dự kiến phát triển mới 112 vị trí; trong đó, 100% vị trí có trạm 4G. Trong 4 tháng đầu năm nay mới xây dựng 5/10 trạm được phê duyệt vị trí. Như vậy lũy kế đến nay, Viettel Bắc Giang còn 42 trạm đã được cơ quan nhà nước chấp thuận song chưa thể xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là khó tìm thuê vị trí lắp đặt do vướng quy hoạch hoặc chưa nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân.
Tương tự, Mobifone Bắc Giang cũng gặp khó khăn trong lắp đặt các trạm BTS dù đã có đầy đủ giấy phép tại huyện: Lạng Giang (6 vị trí); Việt Yên (4 vị trí), Hiệp Hòa (4 vị trí), TP Bắc Giang (1 vị trí). Như vị trí ở thôn 7, xã Tăng Tiến (Việt Yên) dù đã ký hợp đồng với chủ nhà từ tháng 8/2022 nhưng đến nay chưa triển khai lắp đặt được. Thậm chí nhiều nơi như: thôn Dĩnh Tân, xã Tân Dĩnh; thôn Pha Mác, xã An Hà (Lạng Giang), đơn vị thi công đã dựng móng, lắp đặt song vẫn phải di chuyển đi nơi khác.
Để tháo gỡ khó khăn trên cho các doanh nghiệp viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà mạng phát triển hạ tầng; trong đó, có việc chỉ đạo các sở, ngành đưa định hướng xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động vào quy hoạch của địa phương.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông phải làm quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương. Sau khi có quy hoạch, chính quyền các cấp còn cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.
Trước vai trò quan trọng của trạm BTS đối với chuyển đổi số, phục vụ nhu cầu người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông trong phát triển hạ tầng, ngày 18/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng.
Cũng trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã quyết nghị về việc lắp đặt các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông di động trên tài sản công: “Chính phủ thống nhất cho phép tiếp tục duy trì các trạm BTS đã lắp đặt trên tài sản công (không xem xét việc lắp đặt, xây dựng mới trạm BTS) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ”.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cấp phép để doanh nghiệp triển khai mạng di động thế hệ thứ năm - 5G với đặc điểm sử dụng tần số cao nên số lượng trạm BTS sẽ tăng lên khoảng gấp 2 lần so với số trạm hiện có.
Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện một số nội dung công việc. Mục tiêu là nhằm đáp ứng yêu cầu về phủ sóng, tốc độ cho người sử dụng và nhanh chóng triển khai mạng 5G với mục tiêu 100% dân số được phủ sóng vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số và phát triển của các ngành, tăng cường chia sẻ dùng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông và giữa các ngành trên địa bàn./.