Gỡ vướng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội

Trong số 11 dự án nhà ở tại Bắc Giang dành cho công nhân thì đa phần đều chậm tiến độ. Nguyên nhân là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư không tích cực triển khai dự án.

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, năm 2024 tỉnh Bắc Giang được giao phải hoàn thành 12.500 căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn còn nhiều khó khăn.

Phần lớn các dự án chậm tiến độ

Những năm gần đây, Bắc Giang đẩy mạnh phát triển công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động đến làm việc tại tỉnh, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn. Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đang triển khai 14 dự án nhà ở xã hội, gồm 11 nhà ở dành cho công nhân và 3 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội N01 Khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang đã được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nhà ở xã hội N01 Khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang đã được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tổng số căn hộ dự kiến hình thành của 14 dự án đạt khoảng 28.000 căn hộ. Các dự án chủ yếu được triển khai trên địa bàn thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang, nơi có đông công nhân lao động sinh sống.

Tuy nhiên, trong số 11 dự án nhà ở dành cho công nhân thì đa phần đều chậm tiến độ. Nguyên nhân là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư không tích cực triển khai dự án. Hiện chỉ có 4 dự án được cấp phép xây dựng và đang triển khai.

Điển hình là dự án Khu nhà ở công nhân phường Vân Trung, thị xã Việt Yên do Công ty TNHH Phát triển nhà Fuji Vân Trung làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.217 tỷ đồng. Dự án có quy mô sử dụng 6,09 ha đất, xây dựng 3 tòa chung cư cao 18 tầng, tổng số 2.448 căn hộ, thời hạn thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng được 0,29/6,09 ha. Nguyên nhân do sự không đồng thuận của các hộ gia đình có đất bị thu hồi nên chưa thực hiện được giải phóng mặt bằng.

Hay dự án khu nhà ở xã hội dành cho công nhân phường Quang Châu, thị xã Việt Yên do Công ty cổ phần Đầu tư Vega làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.048 tỷ đồng. Quy mô dự án sử dụng 3,23 ha đất, xây dựng 4 tòa chung cư cao 18 tầng, tổng số 1.558 căn hộ với thời hạn thực hiện từ quý IV/2021 đến quý IV/2024. Mặc dù dự án đã được giải phóng mặt bằng toàn bộ và đã được giao đất, cho thuê đất từ năm 2023 nhưng đến nay các công trình nhà ở xã hội thuộc dự án và công trình hạ tầng xã hội vẫn chưa thi công xây dựng. Lý do là chủ đầu tư chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Gỡ vướng cho chủ đầu tư và người mua nhà

Theo tìm hiểu, các dự án nhà ở dành cho công nhân chậm tiến độ một phần cho chủ đầu tư không tích cực triển khai, một phần do hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội dành cho công nhân còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tế.

Nhà ở xã hội N02 Khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang đang được khẩn trương hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nhà ở xã hội N02 Khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang đang được khẩn trương hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc dự án Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân Evergreen tại Khu đô thị mới phường Nếnh, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Hiện dự án đã bàn giao 2 tòa nhà (khoảng 800 căn hộ), dự kiến tháng 6 bàn giao thêm 3 tòa nhà (khoảng 1.200 căn).

Tuy nhiên, đến nay trong số hơn 1.000 hồ sơ nộp về Sở Xây dựng Bắc Giang thì chỉ có 868 hồ sơ đủ điều kiện mua nhà. Người dân và chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin xác nhận các biểu mẫu, cũng như việc xét duyệt đủ điều kiện mua nhà và vay vốn. Để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ mua nhà người dân sẽ phải mất gần 3 tháng.

Điển hình như việc xác định đối tượng đủ điều kiện mua, theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014 (quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội) đối tượng đăng ký mua nhà phải đáp ứng điều kiện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình. Phần lớn các trường hợp đăng ký mua nhà là cá nhân hoặc các cặp vợ chồng trẻ chưa có nhà ở, đất ở nhưng họ đang ở cùng hộ gia đình mà chủ hộ là bố, mẹ đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đăng ký tên hộ gia đình (tức là các thành viên trong hộ gia đình đều có quyền chung về nhà ở, đất ở) thì không đủ điều kiện xét.

Hay như quy định dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích trong dự án để cho thuê. Nhưng trên thực tế, đến nay số diện tích cho thuê đó của dự án chưa có ai thuê, dẫn đến căn hộ cho thuê để không, lãng phí, còn chủ đầu tư không được bán nên không thu hồi được vốn.

Ngoài ra, quy định đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các hướng dẫn có liên quan không quy định rõ việc xác định “nộp thuế thu nhập thường xuyên” là như thế nào.

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên đã cơ bản được tháo gỡ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, song vì hiện tại Luật chưa có hiệu lực nên các dự án đang triển khai vẫn phải thực hiện thủ tục như Luật Nhà ở năm 2014.

Về việc tiếp cận vay vốn gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, các chủ đầu tư đều cho rằng thủ tục để được vay còn khó khăn do yêu cầu tài sản đảm bảo, mức lãi suất cho vay chưa hấp dẫn nhà đầu tư (khoảng 8,5%), thời gian vay vốn ngắn (khoảng 3 năm).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc truyền tải chính sách phát triển nhà ở xã hội đến công nhân và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Theo thống kê, hiện có 170.000 công nhân và người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Việt Yên. Qua tìm hiểu, thực tế số người nắm bắt được chính sách về phát triển nhà ở xã hội còn rất hạn chế.

Sau nhiều năm làm việc tại một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên, anh Lý Quốc Phú, quê Cao Bằng có ý định gắn bó lâu dài nên đã tìm hiểu mua nhà ở dành cho công nhân. Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, anh lại tạm gác ý định mua nhà vì hiện tại anh không đủ điều kiện mua do thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân.

“Tôi làm việc ở đây, vào những tháng cuối năm, nếu tăng ca cộng thêm tiền thưởng Tết thì chắc chắn sẽ phải đóng thuế thu nhập. Mà với mức giá nhà ở dành cho công nhân như hiện nay khoảng 13,4 triệu/m2 thì những công nhân thu nhập dưới 11 triệu/tháng không thể mua được" - anh Phú cho biết.

Trước những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trung Kiên kiến nghị, các cơ quan liên quan cần đơn giản hóa thủ tục xét duyệt mua nhà cho người dân, đưa thủ tục xét duyệt mua nhà vào bộ phận một cửa các cấp. Đồng thời, cần kéo dài thời gian thực hiện dự án lên tối thiểu 36 tháng, vì hiện nay phần lớn các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn có thời gian thực hiện khoảng 24 tháng. Đối với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cần giảm lãi suất cho vay và kéo dài thời gian vay.

Đại diện Công ty TNHH Fugiang - Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội Vân Trung kiến nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân của doanh nghiệp mình ở.

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, Bắc Giang đã có những góp ý xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở năm 2023 để sớm khắc phục những vướng mắc trên.

Đồng Thúy/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-vuong-cho-chu-dau-tu-va-nguoi-mua-nha-o-xa-hoi/333599.html