Gỡ vướng cho đấu thầu thuốc và thiết bị y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, trong đó có một trong số quy định được coi là gây khó khăn cho các cơ sở y tế khi đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định các cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước; giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu...

Quy định này, theo đại diện một số bệnh viện là không phù hợp với quy luật giá cả thị trường; là bất khả thi trong thực tế do vấn đề trượt giá. Với các loại thuốc, trang thiết bị có chất lượng cao, các nhà sản xuất, phân phối sẽ không tham gia thầu nếu không có lợi nhuận hợp lý, hoặc nếu có tham gia thầu nhưng giá bỏ thầu cao hơn giá kế hoạch cũng sẽ không trúng thầu. Ngược lại, các mặt hàng kém chất lượng, có giá thầu thấp lại có cơ hội trúng thầu rất cao.

Còn theo Thông tư 14/2022, việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 8, Thông tư 14/2020 trước ngày 6.12, cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cần nhấn mạnh rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là bởi tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. Là do chưa thống nhất cách hiểu, thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ...

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; phản ứng chính sách kịp thời trước các diễn biến của tình hình, khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, không để ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Với việc ban hành Thông tư này, kỳ vọng những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, được đại biểu Quốc hội nêu ra từ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV như tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ, dựa vào cấp trên... sẽ phần nào được tháo gỡ.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/go-vuong-cho-dau-thau-thuoc-va-thiet-bi-y-te-i311064/