Gỡ vướng cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 93/2015, một số doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng sở hữu 100% vốn điều lệ, không thuộc đối tượng được xác định là doanh nghiệp Quốc phòng-An ninh. Tuy vậy, những doanh nghiệp này vẫn được giao thực hiện nhiệm vụ QPAN, nên gặp khó khăn về cơ chế chính sách.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với Quốc phòng, an ninh phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, không bao gồm doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, 1 số doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lại là công ty TNHH do Công ty mẹ thuộc Bộ Quốc phòng sở hữu 100% vốn điều lệ. Do vậy, các công ty con nêu trên không được thực hiện các cơ chế chính sách, hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Trần Đức Thuận - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Các doanh nghiệp này cũng thực hiện nhiệm vụ Quân đội, mà ở đây không phải là nhiệm vụ sinh ra tiền bạc mà là nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, không thể tính bằng tiền được, vì thế chính sách khi họ thực hiện nhiệm vụ này phải như thế nào?
Ông Đỗ Quang Thành - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Các doanh nghiệp con này cũng thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp để góp phần, vừa đảm bảo cho sức mạnh Quân đội, tạo thế vững chắc trên địa bàn chiến lược, góp phần bảo vệ vững quốc tổ quốc trong tình hình mới. Do vậy đề nghị bổ sung trong luật cả công ty mẹ, công ty con được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước là phù hợp.
Trong Quân đội hiện có 2 loại doanh nghiệp: doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh và Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh. Trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh, mô hình hoạt động theo hình thức công ty mẹ con. Bất cập ở chỗ: Công ty mẹ được công nhận là doanh nghiệp Quốc phòng an ninh, nhưng công ty con 100% vốn của công ty mẹ lại không được công nhận.
Ông Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Vướng mắc là công ty con 100% vốn công ty mẹ lại chưa được hưởng , công nhận là doanh nghiệp Quốc phòng an ninh. Còn Cty kết hợp kinh tế với Quốc phòng an ninh thì chỉ khi nào được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thì mới được hưởng chính sách ưu tiên. Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời, các doanh nghiệp nhỏ đã được công nhận là doanh nghiệp Quốc phòng an ninh. Tuy vậy, sau khi tái cấu trúc lại, trực thuộc các Tổng Công ty, Tập đoàn lớn, các công ty con nêu trên không còn là Doanh nghiệp Quốc phòng an ninh. Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, đây là bất cập trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cái đấy nó sẽ không khuyến khích được quá trình tái cấu trúc, do vậy tôi cho rằng, chuyện chúng ta xác định nó có là Doanh nghiệp Quốc phòng an ninh hay không phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nó, chứ không chỉ căn cứ là doanh nghiệp lớn, công ty mẹ mới được công nhận.
Theo dự thảo Luật, “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này, sẽ khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; đảm bảo cho việc thực hiện cơ cấu lại các doanh nghiệp Quân đội tới đây./.