Gỡ vướng cho hoạt động đấu thầu thế nào ?
Mặc dù Dự thảo Luật Đấu Thầu (sửa đổi) đã đưa vào nhiều nội dung cần gỡ vướng, song vẫn còn nhiều lỗ hổng, bất cập trong hoạt động đấu thầu... đòi hỏi Luật sửa đổi cần phải bao quát, gỡ vướng cho hoạt động đấu thầu.
Còn "lỗ hổng" trong hoạt động đấu thầu
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 25.8 tại Đà Nẵng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí cho rằng: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Cơ bản, dự thảo luật sửa đổi bảo đảm tính kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định của Luật Đấu thầu phù hợp với thực tế, đã có tác động tích cực đến hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo luật cũng đã xem xét bổ sung, sửa đổi những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm giải quyết căn cơ, triệt để các bất cập.
Tuy nhiên, theo ông Trí, dự thảo Luật Đấu Thầu (sửa đổi) chưa khắc phục được những vấn đề, lỗ hổng trong hoạt động đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, các luật, văn bản dưới luật khác và những vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết để bảo đảm trên thực tiễn hoạt động đấu thầu được thuận lợi, dễ thực hiện, hạn chế được các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, đáp ứng được yêu cầu quản lý tốt đất đai, đầu tư, mua sắm, trang bị. Đặc biệt, trên các lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực hiện đang có nhiều bức xúc như đất đai, y tế, giáo dục... Do đó, dự thảo cũng cần có những quy định cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc này.
Công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu
Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động đấu thầu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Lê Hữu Trí cho rằng: cần tiếp cận hoạt động đấu thầu trên phương diện góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước và góc nhìn của cơ quan, tổ chức đấu thầu và tổ chức, cá nhân tham gia dự thầu; cả lợi ích của nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp... với mục tiêu chọn được sản phẩm sau đấu thầu tốt nhất (về chất lượng và giá cả) và ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, tham nhũng... để thiết chế các điều luật. Luật Đấu thầu cần sửa đổi theo hướng phạm vi, đối tượng áp dụng phải bao quát, giải quyết triệt để những vướng mắc về tất cả hoạt động đấu thầu - ông Trí nhấn mạnh.
Các hoạt động đấu thầu trên các lĩnh vực, ngành cần được quy định thống nhất tại Luật Đấu thầu (xem như luật gốc về hoạt động đấu thầu) nhằm khắc phục tình trạng xung đột pháp luật về hoạt động đấu thầu như hiện nay ở các luật và văn bản dưới luật làm cho việc thực hiện khó khăn.
Bên cạnh đó, hạn chế việc quy định các trường hợp đấu thầu; hạn chế hoặc chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt, có yếu tố cấp bách nhằm ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiêu cực, tham nhũng; đồng thời mở rộng môi trường công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu hoặc tránh chia nhỏ các gói thầu để được chỉ định thầu.
Một yếu tố then chốt cũng cần quan tâm là phải đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, sự thống nhất, đồng bộ các tiêu chí, tiêu chuẩn, biểu mẫu, quy trình...ở tất cả các khâu trong quá trình tổ chức đấu thầu để việc tổ chức đấu thầu dễ thực hiện, nhanh gọn, không mất nhiều thời gian, chi phí, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tham gia để có sản phẩm đấu thầu tốt nhất cả về chất lượng, giá cả, đáp ứng được nhu cầu phục vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai địch họa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, cần có cơ chế để tăng cường giám sát hoạt động đấu thầu ngay từ đầu để ngăn chặn hoặc sửa sai kịp thời các hoạt động đấu thầu như giao một cơ quan nhà nước kiểm soát giám sát hoạt động đấu thầu ngày từ đầu, quy định bắt buộc phải đấu thầu công khai trên môi trường mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đấu thầu...như một số quốc gia đang làm rất hiệu quả.
Riêng về vấn đề đấu giá hay đấu thầu đối với dự án có sử dụng đất, theo ông Lê Hữu Trí, mỗi hình thức đều có tính ưu việt và đều có nhược điểm; chọn hình thức nào cần đặt trong bối cảnh phù hợp để phát huy ưu điểm của hình thức đó và đạt được mục tiêu chung nhất có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải chỉ có lợi cho Nhà nước hoặc chỉ có lợi cho doanh nghiệp... Vì vậy, sự cần thiết phải quy định rõ trong Luật Đấu thầu trường hợp nào là áp dụng hình thức đấu thầu, trường hợp nào áp dụng hình thức đấu giá để bảo đảm tính rõ ràng, dễ áp dụng.