Gỡ vướng cho nguồn cung vật liệu đất san lấp bằng cách nào?. Bài 1: Nghịch lý mỏ đất san lấp 'đủ mà thiếu'

Theo tổng hợp của Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2023, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh là khoảng 4,2 triệu m3 . Sở đã tính toán, khối lượng đất từ các mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp là có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ của các công trình, dự án.

Hủy trúng đấu giá do không thương lượng được với chủ đất

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài 65,48 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình với tổng mức đầu tư 6.834 tỉ đồng. Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 32,53 km. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh có Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 13/7/2023 giao 5 mỏ đất thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 gồm Vĩnh Hà 1, Vĩnh Sơn 5, Linh Trường 1, Linh Trường 3 và Hải Thái cho 2 nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 với trữ lượng khoáng sản huy động vào khai thác là 1,1 triệu m3 . Vậy nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có mỏ đất nào được đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu đất đắp cho dự án.

Hiện tại đơn vị thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đang tận dụng, điều phối vật liệu san lấp trong tuyến để đảm bảo tiến độ dự án - Ảnh: L.A

Hiện tại đơn vị thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đang tận dụng, điều phối vật liệu san lấp trong tuyến để đảm bảo tiến độ dự án - Ảnh: L.A

Ông Thái Anh Giang, Chỉ huy trưởng Ban điều hành công trường Gói thầu XL2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đơn vị tư vấn thiết kế đã tiến hành khoan khảo sát và thí nghiệm các mỏ đất cho thấy cả 5 mỏ này đều cơ bản đáp ứng nhu cầu của dự án về cự ly, đơn giá, chất lượng và trữ lượng. Đơn vị cũng đang hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để khai thác các mỏ đất. Ông Giang dẫn chứng, đối với mỏ đất Vĩnh Sơn 5 theo dự toán chỉ hỗ trợ bồi thường cây cối, hoa màu trên đất với mức giá khoảng 2.000 - 3.000 đồng/m3 . Tuy nhiên, mức giá bồi thường mà chủ sử dụng đất yêu cầu cao gấp hàng chục lần so với dự toán nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp phép. “Theo thiết kế, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ cần khoảng 2,4 triệu m3 vật liệu san lấp nhưng hiện tại đơn vị thi công đã tận dụng, điều phối trong tuyến được khoảng 1,4 triệu m3 và vẫn còn thiếu khoảng 1 triệu m3 . Dự báo trong thời gian tới, khi triển khai thi công toàn bộ dự án, nếu không có các mỏ đất này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ”, ông Giang cho hay.

Không thương lượng được với chủ sử dụng đất cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc UBND tỉnh hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 đối với 6 mỏ đất làm vật liệu san lấp.

Giám đốc Công ty Cổ phần Trường Danh Nguyễn Xuân Hải, có địa chỉ tại xã Gio Châu, huyện Gio Linh cho biết, để đảm bảo nhu cầu đất đắp cho các công trình, dự án mà công ty đang thực hiện, năm 2022, đơn vị đã tham gia và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ Phong Bình 1. Tuy nhiên, do không thương lượng giải phóng mặt bằng được với chủ sử dụng đất nên công ty không thể hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thăm dò khoáng sản theo quyết định trúng đấu giá, do đó UBND tỉnh đã có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản của công ty.

Theo ông Hải, nghịch lý ở chỗ vật liệu san lấp tại địa phương không thiếu nhưng lại vướng thủ tục cấp phép. Nếu không thương lượng được với chủ sử dụng đất là không thể nộp hồ sơ xin cấp phép thăm dò. Hiện tại, để đảm bảo tiến độ của các công trình đang thi công, công ty phải mua đất ở các mỏ đã được cấp phép khai thác tại các địa phương khác, đất nạo vét lòng hồ, kéo theo đó là quãng đường vận chuyển dài, chi phí tăng lên khá nhiều.

Được biết, giai đoạn 2023 - 2025, nhu cầu đất san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Gio Linh dự kiến hơn 1,3 triệu m3 , trong đó năm 2023 là hơn 634.000 m3 . Hiện trên địa bàn huyện đã quy hoạch 18 mỏ đất san lấp. Tuy nhiên ngoài 3 mỏ đất phục vụ cho xây dựng đường cao tốc thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội hiện đang hoàn thiện hồ sơ, 15 mỏ đất còn lại chưa có mỏ đất nào được khai thác để phục vụ cho các công trình khác, do các mỏ đất chưa đảm bảo thủ tục theo quy định. Trong 15 mỏ đất trên, trong năm 2022 đã tổ chức đấu giá được 2 mỏ. Tuy nhiên do đơn vị trúng đấu giá không hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định nên 2 mỏ này cũng đã bị hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp.

Khó khăn, bất cập trong khai thác đất nạo vét lòng hồ

Đối với thu hồi đất làm vật liệu san lấp từ nạo vét lòng hồ, UBND tỉnh đã cấp 14 giấy phép nạo vét lòng hồ tại 27 hồ thủy lợi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và tận thu đất làm vật liệu san lấp với khối lượng tương đương 14,44 triệu m3 đất. Theo đánh giá, nguồn đất làm vật liệu san lấp từ nạo vét lòng hồ có chất lượng cao, đa phần đảm bảo chất lượng cho việc đắp nền đường và công trình, tổng trữ lượng lớn.

Tuy nhiên, bất cập nảy sinh là thời gian cấp phép khai thác ngắn, chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm, thời gian khai thác trong năm phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ tưới tiêu (khoảng 2 - 3 tháng/năm). Quá trình nạo vét lòng hồ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của khách hàng, nên thực tế khối lượng nạo vét được rất ít so với khối lượng nạo vét bình quân hằng năm được cấp phép.

Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, đến nay, nhiều đơn vị nạo vét lòng hồ đã gần hết thời hạn theo giấy phép được cấp nhưng khối lượng đất nạo vét của 17 đơn vị được cấp phép chỉ chiếm tỉ lệ 6,4% so với trữ lượng được cấp (1.080.428m3 /16.789.379m3 ). Vì vậy, cần thiết phải có bãi tạm trên bờ để tập kết đất nạo vét khi có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, các bãi tập kết tạm chưa có trong phương án nạo vét đề xuất được phê duyệt. Mặt khác, thủ tục bãi tập kết theo quy định mất rất nhiều thời gian, phát sinh chi phí lớn.

Đến thời điểm này vẫn chưa có mỏ đất nào được đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu đất đắp cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ -Ảnh: L.A

Đến thời điểm này vẫn chưa có mỏ đất nào được đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu đất đắp cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ -Ảnh: L.A

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã cấp phép cho 1 mỏ đất tại huyện Hải Lăng với trữ lượng 927.744 m3 ; 1 mỏ đá tại thị xã Quảng Trị có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 1.548.069 m3 và 1 mỏ đá ba dan tại huyện Vĩnh Linh có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 477.700 m3 .

Quá trình tìm hiểu về những bất cập trong quy hoạch mỏ đất, chúng tôi đã đến vị trí mỏ đất Hải Trường 2, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng của Công ty TNHH Goldensand. Mỏ đất này được cấp phép với trữ lượng 927.744m3 , hiện đang được khai thác và bán ra thị trường với giá đăng ký thông báo là 57.000 đồng/m3 đối với đất san lấp và 68.000 đồng/m3 đối với đất đắp K95, K98 (giá chưa bao gồm thuế VAT, đã múc lên xe). Vị trí mỏ nằm xa Quốc lộ 1, công ty phải đầu tư hạ tầng ban đầu tương đối lớn, chi phí liên quan đến bồi thường đất rừng cao dẫn đến xây dựng giá bán cao. Vì vậy, một số nhà thầu xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước có quan tâm nhưng không thể mua vì giá bán cao hơn và cự ly vận chuyển xa hơn giá được phê duyệt.

Cơ quan chuyên môn thừa nhận còn nhiều vướng mắc

Khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDAĐTXD) tỉnh làm chủ đầu tư chậm tiến độ. Giám đốc BQLDAĐTXD tỉnh Nguyễn Thanh Bình lý giải, nếu như trước đây khi đấu thầu dự án, các nhà thầu phải tính toán sử dụng mỏ đất gần công trình để tiết kiệm chi phí vận chuyển thì hiện nay, mỏ đất phải qua đấu thầu, các thủ tục để được cấp phép khai thác khá phức tạp, thời gian dài. Có những công trình nằm khá xa các mỏ đất hợp pháp dẫn đến chi phí cao. Nhà thầu buộc phải thi công cầm chừng chờ có nguồn đất đắp thuận lợi, cự ly vận chuyển phù hợp mới thi công đại trà.

Trong 16 mỏ đất trúng đấu giá năm 2022, chỉ có chủ 10 mỏ đất làm vật liệu san lấp với trữ lượng dự báo khoảng 11,845 triệu m3 nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò đến Sở TN&MT. Hiện tại, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ đất Hải Lệ 1 với trữ lượng huy động vào khai thác khoảng 2,7 triệu m3 . Các mỏ đất Vĩnh Hà 3, Vĩnh Long, Hải Lệ 4, Triệu Thượng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư và đang phối hợp với các sở, địa phương để rà soát lại diện tích, kế hoạch sử dụng đất; làm thiết kế mỏ, hồ sơ đánh giá tác động môi trường và trồng rừng thay thế. Các điểm mỏ Vĩnh Sơn 6, Vĩnh Thủy 1 đang hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư; mỏ Đông Lương, Km6 Hùng Vương nối dài đang thực hiện thăm dò, mỏ đất Hải Lâm đang lấy ý kiến chuyên gia về đề án thăm dò.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa thừa nhận, vẫn còn nhiều vướng mắc trong cách thức triển khai, cơ chế vận hành khiến nhiều năm nay, tình trạng khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp chưa được giải quyết hiệu quả.

Theo ông Khoa, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai rất nhiều công trình trọng điểm, quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh, trong khi việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp thực hiện cần phải có thời gian dài.

Cụ thể, theo quy định hiện hành thì sau trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất, các chủ đầu tư phải thực hiện việc lập các hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt theo thủ tục hành chính về thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng và trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, cấp phép khai thác, giao/thuê đất thực hiện dự án với tổng thời gian khoảng hơn 15 tháng. Nếu rút ngắn tối đa thì vẫn còn khoảng 7,5 tháng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp có giá trúng quá cao so với giá khởi điểm (có trường hợp khoảng 31 lần); vướng mắc trong việc lấy ý kiến của các chủ sử dụng đất nên trong 6 tháng từ ngày có quyết định trúng đấu giá mỏ đất, có nhiều chủ đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ thăm dò, cấp phép. Khó khăn vướng mắc chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình cấp phép mỏ sau khi trúng đấu giá nằm ở khâu đồng thuận của chủ sử dụng đất (giải phóng mặt bằng, thu hồi, sử dụng đất).

Phần lớn các điểm mỏ đã được UBND tỉnh quy hoạch chủ yếu là đất sản xuất đã cấp cho người dân, trên đất đang có tài sản, cây cối, hoa màu. Theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì đối với dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thỏa thuận (tài sản trên đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân) nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn.

Lê An - Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/go-vuong-cho-nguon-cung-vat-lieu-dat-san-lap-bang-cach-nao-bai-1-nghich-ly-mo-dat-san-lap-du-ma-thieu/179221.htm