Gỡ vướng cho nguồn cung vật liệu đất san lấp bằng cách nào?. Bài 2: Hiến kế giải quyết khó khăn về đất san lấp

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư công trung hạn đúng tiến độ, phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong triển khai cơ chế vận hành cũng như các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cấp phép khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nạo vét các lòng hồ thủy lợi cần tiến hành nạo vét đảm bảo tiến độ, góp phần cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các công trình, dự án đang thi công - Ảnh: T.T

Các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nạo vét các lòng hồ thủy lợi cần tiến hành nạo vét đảm bảo tiến độ, góp phần cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các công trình, dự án đang thi công - Ảnh: T.T

Khối lượng đất đắp đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc cho phép thực hiện cân đối đào đắp tại các dự án, công trình để bổ sung nguồn đất san lấp, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án tại các địa phương, ngày 3/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra thực địa và họp bàn về đề xuất xin tận dụng đất dôi dư từ dự án điện gió Hải Anh của Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh - Quảng Trị tại huyện Hướng Hóa làm vật liệu san lấp.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên tham gia, các ngành, địa phương, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh - Quảng Trị được tận dụng, vận chuyển khối lượng đất dôi dư trong quá trình thi công Nhà máy điện gió Hải Anh tại huyện Hướng Hóa để san lấp các công trình trên địa bàn huyện và vùng lân cận.

Trong đó, ưu tiên cho các công trình đầu tư công trên địa bàn huyện Hướng Hóa, đặc biệt công trình cầu vượt lũ trên tuyến ĐT.586 do Sở Giao thông vận tải đề xuất với nhu cầu khoảng 30.000 m3 đất.

Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh - Quảng Trị cho biết: “Công ty sẽ tính toán các phương án thi công để có nguồn đất dôi dư phù hợp, trong đó ưu tiên nguồn cung đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình của nhà nước.

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, công ty sẽ lập hồ sơ đăng ký kèm theo phương án tận dụng, vận chuyển khối lượng đất dôi dư từ dự án trên trình Sở TN&MT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt, chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên môi trường”.

Theo thống kê, nhu cầu khối lượng đất đắp các công trình, dự án trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong các năm 2023 và 2024 là 25.200 m3 . Trong 3 năm tới (từ 2023 - 2025), các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Đakrông cần khoảng 92.000 m3 , huyện Hướng Hóa khoảng 71.000m3 đất đắp. Hiện nay, theo quy hoạch các điểm mỏ đất được phê duyệt, huyện Đakrông có 2 mỏ đất và huyện Hướng Hóa có 3 mỏ đất.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 7 hồ chứa nước có thể nạo vét, tận thu đất san lấp. Việc tận dụng đất dôi dư từ dự án để làm nguồn vật liệu đất đắp là một trong những giải pháp trước mắt giải quyết phần nào tình trạng khó khăn về đất san lấp mặt bằng ở một số địa phương trong đó có huyện Hướng Hóa.

Trong số các mỏ đã cấp phép trên toàn tỉnh, dư địa khai thác vẫn còn rất lớn. Cụ thể, mỏ đất Hải Trường 2 tại huyện Hải Lăng với trữ lượng 927.744 m3 đã khai thác khoảng 10.000 m3 ; mỏ đá Hải Lệ tại thị xã Quảng Trị có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 1.548.069 m3 , đến nay đã khai thác khoảng 100.000 m3 ; mỏ đá ba dan Khe Đá, Vĩnh Hòa tại huyện Vĩnh Linh có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 477.700 m3 , đến nay đã khai thác khoảng 76.000 m3 . Tổng trữ lượng đất làm vật liệu san lấp tại 3 mỏ trên khoảng 2,95 triệu m3 , hiện nay mới chỉ khai thác khoảng gần 200.000 m3.

Chủ đầu tư được phép tận dụng vận chuyển nguồn đất dư thừa để san lấp công trình Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt trên địa bàn thị xã Quảng Trị - Ảnh: T.T

Chủ đầu tư được phép tận dụng vận chuyển nguồn đất dư thừa để san lấp công trình Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt trên địa bàn thị xã Quảng Trị - Ảnh: T.T

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã cấp 14 giấy phép nạo vét lòng hồ tại 27 hồ thủy lợi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và tận thu đất làm vật liệu san lấp với khối lượng tương đương 14,44 triệu m3 đất. Ước tính năm 2023, nguồn đất tận thu từ nạo vét lòng hồ có thể đáp ứng hơn 5 triệu m3 để làm vật liệu san lấp.

Khối lượng đất do cân đối đào đắp tại một số công trình là 684.095 m3 . Công suất huy động trong 1 năm là khoảng 5,7 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp. Qua rà soát của Sở TN&MT, tổng hợp của Sở Xây dựng cho thấy nhu cầu đất đắp năm 2023 toàn tỉnh là chỉ khoảng 4,2 triệu m3.

Để bổ sung nguồn đất làm vật liệu san lấp, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT, Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ ngày 18/8/2022 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chỉ thị số 01-CT/UBND ngày 18/1/2023 của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã đồng ý cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh sử dụng khoảng 330.337 m3 đất dư thừa của 3 dự án tại thành phố Đông Hà để đổ san mặt bằng dự án Khu đô thị Bắc Sông Hiếu giai đoạn 2.

Cho phép 2 dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel công nghệ cao Hạ Long, Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Vĩnh Tú sử dụng 201.200 m3 đất dư thừa để bổ sung nguồn vật liệu san lấp cho địa bàn huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh. Thành phố Đông Hà xin sử dụng đất dư thừa dự án Trung tâm Hành chính là 19.909 m3.

Tổng khối lượng đất tận dụng làm vật liệu san lấp của 6 dự án trên là 551.446 m3. Huyện Đakrông xin sử dụng khoảng 137.200 m3 , Ban Quản lý Dự án Phát triển Quỹ đất Cụm công nghiệp và dịch vụ công ích thị xã Quảng Trị xin sử dụng khoảng 102.500 m3 đất dư thừa do cân đối đào đắp, như vậy là có thể đảm bảo nhu cầu đất san lấp cho các chủ đầu tư.

Theo tính toán, tổng khối lượng đất từ 3 mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp so với tổng nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp theo rà soát của các ngành, địa phương là hoàn toàn có thể đáp ứng trong giai đoạn hiện nay.

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế vận hành

Ngày 28/3/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, có 5 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản giai đoạn đến năm 2030 với diện tích 89,92 ha, tài nguyên dự báo 4,15 triệu m3. Trong đó, hai mỏ đất Hợp Thịnh và Khe Cáy (thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh) nhằm đảm bảo phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.

Đây là các mỏ đất đã xác định doanh nghiệp là chủ sử dụng đất, có sự đồng thuận, thống nhất cao của chính quyền địa phương, chủ sử dụng đất trong việc bổ sung quy hoạch. “Với dự báo tổng nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 55 triệu m3 thì quy hoạch các mỏ đất này cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng. Vướng mắc hiện nay không phải là vấn đề đất san lấp thiếu mà chính là cơ chế vận hành để giải quyết hiệu quả nhu cầu vật liệu đất đắp của các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa khẳng định.

Trên cơ sở Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với 65 mỏ, diện tích khoanh định là 927,69 ha, tài nguyên dự báo là 49,47 triệu m3 . Lộ trình thăm dò, đánh giá cấp phép mỏ đất san lấp giai đoạn đến năm 2025 diện tích khoảng 417,5 ha, trữ lượng dự kiến 22,26 triệu m3 ; giai đoạn 2026 - 2030 diện tích khoảng 510,2 ha, trữ lượng dự kiến 27,21 triệu m3 .

Đối với huy động các mỏ đất phục vụ xây dựng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Sở TN&MT đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nhà thầu thi công, chủ sử dụng đất kiểm tra thực địa tại các khu vực mỏ. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu thi công chủ động làm việc với chủ sử dụng đất, thực hiện việc khảo sát, chuẩn bị sẵn sàng các hồ sơ liên quan để kịp thời trình cấp phép khi có hướng dẫn cụ thể của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.

Để giải quyết căn cơ nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai trong năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động, tích cực phối hợp, rút ngắn thời gian thẩm định và các nội dung liên quan đến hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Văn Thắng đề xuất UBND tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị nạo vét có bãi tập kết để tập trung khai thác và dự trữ đất trong mùa khô; đồng thời, cho phép tiếp tục gia hạn, kéo dài thời gian nạo vét để tạo nguồn cung đất san lấp cho thị trường. Tập trung đốc thúc các đơn vị đã trúng đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp chủ động, tích cực lập, hoàn chỉnh các loại hồ sơ để được cấp phép khai thác theo quy định.

Về phía các ngành chức năng phối hợp rà soát, thẩm định các hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư nhằm sớm đưa các mỏ đất đi vào khai thác, cung cấp đất đắp cho thị trường với giá cạnh tranh.

Tăng cường kiểm tra tình hình sử dụng đất san lấp, có phương án khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư nhằm hình thành các khu vực khai thác, nạo vét đất lòng hồ trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hướng Hóa để tạo nguồn cung vật liệu đất san lấp cho các địa phương này.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa kiến nghị, đối với các dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh, UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ trong quy hoạch tại Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh theo đề xuất của chủ đầu tư hoặc địa phương nơi được giao sử dụng đất.

Thời gian cấp mỏ, khối lượng đất làm vật liệu xây dựng thông thường được giao trên cơ sở nhu cầu thực tế của dự án được phê duyệt, không sử dụng đất làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án khác.

Đối với các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, khắc phục thiên tai, xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh phê duyệt các khu vực mỏ khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đối với trường hợp phục vụ các dự án như tại khoản 1, Điều 22, Nghị định số 158/2016/ NĐ-CP ngày 29/11/2016.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các cá nhân, hộ gia đình là chủ sử dụng đất tại các điểm mỏ, nếu có nhu cầu thăm dò, khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường với quy mô lớn hơn 1 ha và công suất khai thác trên 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm thì cần phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để tham gia đấu giá mỏ do tỉnh tổ chức.

Yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lập, thẩm định và triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến sử dụng nguồn đất làm vật liệu san lấp. Các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nạo vét các lòng hồ thủy lợi cần tiến hành nạo vét đảm bảo tiến độ, góp phần cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các công trình, dự án đã, đang và sẽ triển khai thi công.

Liên quan đến vướng mắc về thủ tục, các sở, ngành cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức khi làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường, rút ngắn tối đa thời gian khi thẩm định cấp phép các thủ tục về: chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trồng rừng thay thế, cho thuê/giao đất.

Các địa phương hỗ trợ để tạo sự đồng thuận của chính quyền và người dân tại khu vực có mỏ. UBND cấp huyện căn cứ hiện trạng sử dụng đất, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để rà soát, đề xuất bổ sung các mỏ vật liệu san lấp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phối hợp, kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp trái phép, làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, các chủ mỏ đất làm vật liệu san lấp trong quá trình cung cấp, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Thanh Trúc - Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/go-vuong-cho-nguon-cung-vat-lieu-dat-san-lap-bang-cach-nao-bai-2-hien-ke-giai-quyet-kho-khan-ve-dat-san-lap/179249.htm