Gỡ vướng để nông sản Việt rộng cửa ra thế giới

Cả năm 2023, Việt Nam nhận 67 cảnh báo vi phạm nông sản, thực phẩm từ Liên minh châu Âu (EU), vậy mà chỉ 6 tháng đầu năm nay đã nhận đến 57 cảnh báo

Làm sao khắc phục tình trạng nông sản bị cảnh báo ở nước ngoài và nâng cao uy tín nông sản Việt? Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xung quanh vấn đề này.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về số liệu trên và cho biết nguyên nhân do đâu?

-TS NGÔ XUÂN NAM: Số liệu trên rất đáng lo ngại vì số lượng cảnh báo tăng đến 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân có thể đến từ việc một số doanh nghiệp (DN) chưa tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu về kiểm soát chất lượng sản phẩm từ vùng trồng, vùng nuôi đến quá trình sơ chế, chế biến.

Bên cạnh đó, EU thay đổi quy định khiến một số sản phẩm Việt Nam không đạt yêu cầu khi DN thiếu sự chuẩn bị để thích ứng. Chưa kể, vấn đề kiểm tra, giám sát và chế tài trong nước chưa đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu cũng là nguyên nhân làm gia tăng cảnh báo.

Theo thống kê từ phía EU, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam bị 57/2.708 cảnh báo, chiếm tỉ lệ 2,1%. Đây là tỉ lệ thấp khi nhiều nước có tỉ lệ cảnh báo lên đến 6%, cho thấy tình hình không đến mức xấu.

Dù vậy, tình trạng gia tăng số lô hàng bị cảnh báo có thể làm giảm uy tín của nông sản Việt Nam. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, EU có thể sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu đối với một số nông sản từ nước ta.

.Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

- Trước mắt, từng lô hàng bị cảnh báo cần truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục để tránh lặp lại vi phạm. SPS Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường cập nhật, phổ biến những quy định về SPS (vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật) đến cộng đồng trong chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm.

Về biện pháp lâu dài, mới đây, ngày 19-6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 534/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp SPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do".

Đề án này định hướng mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, DN, hội, hiệp hội với cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý SPS các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hằng năm.

Nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị tác động bởi dự thảo kiểm soát dư lượng hoạt chất mới. Ảnh: NGỌC ÁNH

Nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị tác động bởi dự thảo kiểm soát dư lượng hoạt chất mới. Ảnh: NGỌC ÁNH

. Mỗi năm, Việt Nam nhận cả ngàn thông báo lấy ý kiến thành viên WTO về thay đổi quy định SPS. Song, có vẻ các bộ, ngành, địa phương và DN ít quan tâm góp ý khi quy định SPS còn là dự thảo, đến lúc xuất hàng gặp khó mới lo "tháo gỡ"?

- Hằng năm, khoảng 1.000 thông báo về dự thảo thay đổi quy định SPS gửi lấy ý kiến thành viên WTO, trong đó chủ yếu từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam như: EU, Nhật, Canada, Mỹ... Các thông báo chủ yếu liên quan kỹ thuật, rất phức tạp. Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chuyên môn, địa phương, DN khó tiếp cận.

Về lâu dài, biện pháp khắc phục đã được đưa ra cụ thể trong Quyết định 534, với 9 nhóm giải pháp và 10 hoạt động.Theo đó, ưu tiên một số nhóm giải pháp về tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của SPS Việt Nam; kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam; phát triển các đầu mối SPS ở địa phương.

Bên cạnh đó, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan an toàn thực phẩm xem có phù hợp với thế giới hay không. Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với nhà khoa học, nông dân, DN và hiệp hội ngành hàng...

Nỗ lực từ nhiều phía

Vừa qua, mì gói (có kèm gia vị) của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách phải kiểm soát tại biên giới EU. Theo ông Ngô Xuân Nam, đây là kết quả của một quá trình nỗ lực từ nhiều phía.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã tăng cường cập nhật, phổ biến các quy định SPS của thị trường, nhất là thị trường EU, cho DN, HTX và người sản xuất. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nguyên nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất. Các DN sản xuất mì ăn liền điều chỉnh quy trình sản xuất, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của EU. Trong khi đó, SPS Việt Nam - với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối SPS - đã phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ, Tham tán Thương mại tại EU, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương đàm phán với Phái đoàn EU tại Thụy Sĩ để phối hợp tìm giải pháp.

"Có thể nói, đây là kết quả từ sự đồng hành, vào cuộc kịp thời của các bên liên quan đến gói mì" - ông Ngô Xuân Nam nhìn nhận.

Vượt qua cánh cửa hẹp

Là thị trường tiên phong nâng cấp các tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm, mới đây, EU đưa ra dự thảo theo hướng siết chặt 4 hoạt chất Zoxamide, Acetamiprid, Fenbuconazole và Penconazole đang sử dụng tại Việt Nam trên nhiều nông sản, dự kiến áp dụng từ tháng 2-2025. Ngành rau quả có nhóm mặt hàng giảm ngưỡng dư lượng tối đa (MRL) đến 3.000 lần. Với động thái này, cánh cửa để rau quả Việt Nam vào EU phần nào hẹp thêm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cho biết giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang EU đạt khoảng 10%/năm, năm 2023 đạt 285 triệu USD. Số liệu này cho thấy rau quả nước ta có khả năng đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường khắt khe như EU, dù doanh số đóng góp trong tổng xuất khẩu rau quả chỉ mới đạt 5%.

"Cần nhìn nhận việc EU nâng cao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu là áp dụng chung với tất cả các nước, kể cả trong khối này. Hàng Việt Nam muốn giữ thị trường này thì phải cải tiến quy trình sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu" - ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo Tổng Thư ký VINAFRUIT, các DN xuất khẩu rau quả sang EU cần kiểm soát được quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). "Việc sản xuất theo quy trình an toàn và ngày càng nghiêm ngặt hơn là xu thế tất yếu vì thông thường, các tiêu chuẩn mà EU áp dụng được một thời gian thì các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng sẽ áp dụng" - ông Nguyên lưu ý.

Đối với mặt hàng hạt điều, dự thảo mới của EU cũng nhắc đến 2 hoạt chất vừa được thiết lập MRL là Fenbuconazole và Penconazole ở mức 0,01ppm (1 phần triệu), còn hoạt chất Zoxamide giảm từ ngưỡng 0,02 ppm xuống 0,01 ppm. Zoxamide và Penconazole là 2 hoạt chất dùng để trị nấm, còn Fenbuconazole chủ yếu trị bệnh trên lá và xử lý hạt giống.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết qua xem xét sơ bộ, đây là nhóm thuốc bảo vệ thực vật dùng ở giai đoạn trồng trọt, ít có nguy cơ tồn dư trong sản phẩm. Người trồng điều vốn rất ít dùng thuốc bảo vệ thực vật; nếu dùng trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì sau thời gian dài - từ thu hoạch đến xử lý nhiệt độ cao trong nhà máy - sẽ bị phân hủy toàn bộ.

Tuy nhiên, từ thực tế có lô hàng hạt điều bị cảnh báo vi phạm - nhiễm thuốc trừ sâu, các DN tìm hiểu nguyên nhân thì phát hiện bị nhiễm chéo ở nhà máy bởi tác động từ khu dân cư, vùng trồng lân cận có sử dụng hóa chất. "Bài học rút ra là các nhà máy chế biến hạt điều phải chú ý khu vực xung quanh để biết về thời gian họ xử lý hóa chất và có biện pháp cách ly phù hợp" - ông Nhựt đúc kết.

Theo ông Nhựt, EU là thị trường quan trọng, lớn thứ 3 của hạt điều Việt Nam, chiếm khoảng 20% thị phần nên những thay đổi mới có tác động lớn đến các DN. "Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều nhân số 1 thế giới. Các nhà nhập khẩu cần hàng từ Việt Nam nên bản thân họ cũng cập nhật quy định tại nước sở tại khá sớm và thông báo đến đối tác ở Việt Nam. Thông thường, nếu quy định siết chặt thì họ sẽ báo ngay, còn quy định nới lỏng thì họ sẽ bỏ qua nhằm giữ chất lượng cao hơn quy định chung" - Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS cho hay.

An Na

NGỌC ÁNH thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/go-vuong-de-nong-san-viet-rong-cua-ra-the-gioi-196240811214004159.htm