Gỡ vướng mắc về mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản
Ngày 14/3, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội đánh giá công tác đầu tư, xây dựng năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện năm 2023.
“Nút thắt” lớn nhất là mặt bằng
Năm 2023, vốn đầu tư công dành cho xây dựng cơ bản (XDCB) toàn tỉnh khoảng 10 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Quá trình triển khai nhiều dự án chậm tiến độ. Giá vật liệu biến động mạnh. Đây là những thách thức đối với công tác XDCB. Nếu không đưa ra giải pháp cụ thể, nhận định, dự báo sớm tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó thì công tác XDCB sẽ không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trước những vấn đề đặt ra, các đại biểu đã nêu những khó khăn, kiến nghị nhiều nội dung. Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh thông tin, hiện nay “nút thắt” lớn nhất trong thực hiện các dự án là giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nhiều dự án có mặt bằng “xôi đỗ”. Do đó, đề nghị tỉnh vận dụng quy định có thể tách GPMB thành một dự án độc lập với dự án thi công, xây dựng. Thực tế, một số địa phương đã áp dụng và triển khai thành công phương án này. Hiện quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải xin ý kiến nhiều ngành, mất nhiều công đoạn. Để giảm thời gian, đề nghị tỉnh quan tâm ủy quyền, phân cấp cho địa phương về việc này.
Theo ông Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, năm nay TP triển khai 186 dự án với tổng vốn đầu tư công gần 1 nghìn tỷ đồng. TP coi GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung cao thực hiện song vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do khó quy chủ đất thuộc phạm vi xây dựng nghĩa trang và di chuyển mộ. Có thửa đất chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có hồ sơ; nhiều ruộng bờ thửa không còn khiến việc cưỡng chế, bảo vệ thi công gặp trở ngại.
Về phía doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật và Kiến trúc công trình giao thông (A-ETC) đề nghị, hiện nay, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển kiến trúc, trong đó có Bắc Giang nên đã lựa chọn được công trình có kiến trúc đẹp, hiện đại.
Thời gian tới, Bắc Giang có thể tổ chức cuộc thi mang tính tìm tòi sáng tạo khác như: Giải pháp kỹ thuật tối ưu, thi phương án có tổng mức đầu tư tốt nhất... Những cuộc thi như vậy sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư, nhất là trong giai đoạn khó khăn về vốn đầu tư công như hiện nay.
Ngoài ra, một số DN kiến nghị cần công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, sát hơn với tình hình thị trường.
Ưu tiên dự án trọng điểm
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa nêu, vừa qua, huyện Hiệp Hòa hoàn thành tốt công tác GPMB dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 295, đoạn thị trấn Thắng-cầu Mai Đình. Huyện chia ra từng bước, giải quyết dứt điểm từng khâu, chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu làm đường là phục vụ chính người dân. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận từ huyện đến cơ sở. Nhờ vậy, các hộ đồng lòng hiến đất làm đường, bàn giao mặt bằng thi công công trình.
Trao đổi về một số kiến nghị, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, hiện nay chất lượng tư vấn dự án còn hạn chế. Vì vậy, có dự án lập báo cáo khả thi kéo dài 6 tháng, báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 tháng, điều này ảnh hưởng chung đến quá trình thực hiện. Về công bố giá vật liệu xây dựng, Sở đề nghị các DN có kiến nghị, đề xuất cần gửi về Sở trước ngày 25 hằng tháng để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh. Sở sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để huyện Hiệp Hòa sớm hoàn thành quy hoạch chung sớm nhất, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH.
Trên cơ sở các ý kiến, đồng chí Lê Ô Pích nhấn mạnh, hội nghị nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế về công tác đầu tư XDCB của năm trước, rút kinh nghiệm thực hiện cho năm nay. Năm 2022, Bắc Giang cũng như cả nước đối mặt với nhiều khó khăn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH song nhờ sự tập trung các giải pháp nên tiến độ, chất lượng, giải ngân dự án đầu tư XDCB đều đạt cao. Các công trình đưa vào sử dụng, khai thác, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thúc đẩy nhiều dịch vụ, ngành nghề phát triển.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực XDCB trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do tác động của nhiều yếu tố. Thông qua hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều kiến nghị, yêu cầu cán bộ Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp tất cả các kiến nghị, phân loại nhóm vấn đề để tham mưu giải quyết với phương châm rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị.
Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương quan tâm rà soát nguồn vốn để lựa chọn đầu tư dự án trọng điểm, không để xảy ra nợ đọng XDCB.
Về công bố giá vật liệu xây dựng, đồng chí giao Sở Xây dựng nắm bắt thực tế, có thể tổ chức hội nghị mời các nhà thầu, DN, đánh giá lại tình hình.
Đối với vướng mắc khi thực hiện dự án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng chí cho biết trong tháng 3 này, tỉnh sẽ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm. Các chủ đầu tư cần phối hợp khi thực hiện quy trình chuyển mục đích sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với công tác GPMB, đồng chí Lê Ô Pích yêu cầu, thời gian tới, các ngành cần tổng hợp toàn bộ dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, huyện, TP thực hiện trong năm 2023 vướng mắc về mặt bằng, có biểu tổng hợp cụ thể. Trên cơ sở đó giao việc cụ thể, trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân trong thực hiện GPMB. Đồng chí biểu dương công tác GPMB ở Hiệp Hòa, các huyện, TP cần coi đây là bài học quý để vận dụng làm theo.
Tin, ảnh: Trường Sơn