Gỡ vướng, tăng sức cạnh tranh cho HTX xuất khẩu chuối

Thời gian gần đây, xuất khẩu chuối đang mang lại cơ hội cho nhiều HTX, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần khắc phục những điểm yếu trong sản xuất kinh doanh, nhất là trong khâu bảo quản mặt hàng này thì các HTX, doanh nghiệp mới có thể đi được 'đường dài'.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 310,6 triệu USD chuối, tăng 34,5% so với năm trước. Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, khối lượng chuối xuất khẩu chuối được kiểm dịch thực vật là trên 430.000 tấn vào năm 2020, 574.000 tấn năm 2021 và 591.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022.

Thuận lợi đầu ra

Hiện, Việt Nam có khoảng 155.000ha chuối lấy quả quy mô trang trại, nông trại do các HTX, doanh nghiệp đầu tư. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ, diện tích chuối đạt trên 200.000ha, nên tiềm năng xuất khẩu rất lớn.

Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho trái chuối Việt Nam, tạo thuận lợi về đầu ra cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất loại cây này. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết từ sau Tết âm lịch đến khoảng tháng 5, chuối Việt Nam xuất khẩu rất thuận lợi sang Trung Quốc, bởi thời gian này, Trung Quốc vẫn có thời tiết lạnh, cây chuối khó phát triển nên tích cực nhập khẩu.

Nếu như trước đây, chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chưa được đánh giá cao về chất lượng, số lượng nhỏ do sản xuất manh mún thì những năm gần đây, các HTX, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư theo chuỗi giá trị. Chuối của Việt Nam nhờ vậy cũng đã cạnh tranh được với một số nước, đẩy mạnh thị phần tại thị trường Trung Quốc…

Xuất khẩu chuối có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức cần vượt qua.

Xuất khẩu chuối có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức cần vượt qua.

Ông Lý Minh Hùng cũng cho biết vì đầu ra khá thuận lợi nên giá chuối đang ở mức cao nhất trong 3 năm qua, khoảng 12.000 – 14.000 đồng/kg khi xuất vào Trung Quốc và dự báo thời gian sắp tới có thể sẽ tiếp tục tăng. Hiện, ngoài sầu riêng thì chuối cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn và thuận lợi.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu sang Trung Quốc, các HTX và doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi vì cung đường vận chuyển ngắn. Còn xuất khẩu sang một số thị trường khác như Úc, EU... thì các thị trường này nghịch vụ với vụ thu hoạch của Việt Nam nên không xảy ra tình trạng dồn ứ, trùng vụ. Sản lượng chuối ở các nước này cũng nhỏ nên nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn nếu bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, cách thức mua bán của các nước EU rất hiện đại, sòng phẳng và thanh toán qua L/C nên đảm bảo tài chính cho các mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX.

Để cây chuối mang về tỷ đô

Thuận lợi nhiều nhưng các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu chuối cũng không khỏi lo lắng bởi nếu thị trường các nước EU, Úc... buôn bán sòng phẳng, giá được chốt quanh năm thì thị trường Trung Quốc giá cả có phần bấp bênh.

Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản chuối hiện chưa đạt chuẩn quốc tế nên dễ ảnh hưởng đến chất lượng, làm tổn hại sau thu hoạch từ 20-30%. Trong khi thình thức vận chuyển của các HTX, doanh nghiệp chủ yếu là đường biển, thời gian kéo dài.

Dù chuối của Việt Nam được các nước đánh giá cao về chất lượng nhưng hình thức còn chưa được đánh giá cao so với chuối của một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Gần đây, một công ty nhập khẩu trái cây ở Trung Quốc đã nêu ví dụ trái chuối của Việt Nam vỏ chưa được láng mịn, đồng đều mà hay bị các đốm, chấm màu đen nên khi nhập về rất khó bán. Còn chuối của Philippines và Campuchia hiện có mẫu mã rất đẹp, cách thức vận chuyển cũng chuyên nghiệp hơn một phần là vì thương nhân Trung Quốc sang tận nơi để phát triển trồng chuối công nghệ cao. Thậm chí, khâu vận chuyển cũng được thực hiện bằng máy bay nên chất lượng trội hơn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (Hà Nội) cho biết việc chỉ xuất tươi, chưa đầu tư nhiều cho chế biến cũng là điểm chưa đạt của các đơn vị xuất khẩu chuối hiện nay.

Các nước khác như Philippines, Thái Lan rất mạnh điều này nên thị phần xuất khẩu chuối của họ vào các nước đều lớn hơn Việt Nam. Điển hình như, Việt Nam chỉ chiếm 0,8% tổng lượng chuối mà Nhật Bản nhập khẩu hiện nay, trong khi Philippines là nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm gần 80% tổng lượng chuối nhập khẩu của nước này.

Xác định được những khó khăn và dù đã chủ động trong sản xuất, liên kết nhưng các HTX sản xuất và xuất khẩu chuối đều cho rằng, để nâng cao được công nghệ bảo quản hay đầu tư cho chế biến sâu đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần các HTX, doanh nghiệp trong ngành hàng này vẫn còn quy mô khiên tốn. Các HTX cũng không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.

Trong khi thời điểm hiện nay, chi phí đầu vào sản xuất chuối vẫn còn đang ở mức cao khiến các HTX gặp khó khăn trong đàm phán giá bán với các đối tác.

Ông Lý Minh Hùng đề nghị cần có những chính sách hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo cung cầu ổn định. Đặc biệt, các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện để HTX tiếp cận các nguồn vốn phục vụ đầu tư công nghệ cũng như đáp ứng các đơn hàng lớn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/go-vuong-tang-suc-canh-tranh-cho-htx-xuat-khau-chuoi-1090844.html