Gỡ vướng trong đấu thầu
Những bất cập trong đấu thầu hiện nay có thể được 'gỡ vướng' tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Hiện dự án luật trên đang được Quốc hội cho ý kiến. Riêng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu thì dự thảo luật bổ sung quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, quy định này có thể rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp (DN). Điều này cũng dẫn đến DN vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công. Vì vậy, Ủy ban này đã đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách, báo cáo rõ về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định.

Những bất cập trong công tác đấu thầu khiến nhiều dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Ảnh: Nhã Chi
Mới đây tham dự và phát biểu tại tổ về dự án luật trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay vốn nước ngoài, nhưng nhiều năm có tiền mà không tiêu được hết. Riêng quy trình đấu thầu đã mất cả năm; mấy tháng chọn thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu... Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nêu 4 “tội” của đấu thầu như: chậm tiến độ phát triển; chậm công trình, chất lượng kém; hư hỏng, mất cán bộ; và không tiết kiệm. “Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được. Vậy làm sao chữa được bệnh này?” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Từ vấn đề được Tổng Bí thư đặt ra, việc gỡ những bất cập trong đấu thầu là vấn đề cấp thiết, làm sao để đạt hiệu quả cao nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và thực hiện các công trình, dự án tốt nhất nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin trong thời gian vừa qua những vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, nguyên nhân nào là do quy định của luật, nguyên nhân nào là do khâu tổ chức thực hiện?. Nếu là nguyên nhân do luật cần phải đề nghị xử lý ngay, nếu do nguyên nhân ở khâu tổ chức triển khai thực hiện thì Chính phủ phải có biện pháp để chấn chỉnh.
Còn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, cần quy định rõ ràng hơn về giới hạn giữa quyền tự chủ mua sắm và trường hợp bắt buộc đấu thầu, đặc biệt là các tiêu chí định lượng rõ ràng để xác định gói thầu nào là bắt buộc áp dụng luật này.
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, tuy dự thảo Luật lần này đã bổ sung thêm các hình thức là chỉ định thầu, lựa chọn trường hợp đặc biệt trong khi vẫn giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, theo ông Thông điều này khiến hệ thống lựa chọn nhà thầu trở nên quá phức tạp và dễ bị lạm dụng. Việc xác định giới hạn thế nào là đặc biệt, thế nào là chỉ định hợp lý chưa rõ ràng, có thể tạo ra một khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa việc chỉ định thầu. “Do đó, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải cân nhắc, rà soát kỹ lại toàn bộ hệ thống các hình thức lựa chọn nhà thầu, giảm bớt các hình thức giao thoa không cần thiết, đồng thời quy định tiêu chí định lượng, định tính cụ thể, rõ ràng và minh bạch” - ông Thông nêu vấn đề.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư và ý kiến của các ĐBQH, tại dự thảo luật sẽ quy định trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu dự án.
Đồng thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương pháp định giá hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí kỹ thuật hoặc là kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với các gói thầu trong lĩnh vực viễn thông, y tế, công nghệ chiến lược nhằm lựa chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất, phương pháp kỹ thuật tối ưu và đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện gói thầu, bổ sung các quy định để đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu dự án.
Về vấn đề đấu thầu thuốc hiện nay, ông Thắng cho hay, trong dự thảo luật tiếp tục sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế theo hướng trao quyền để cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính thuộc nhóm 1, nhóm 2 được tự quyết định hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi để các cơ sở y tế được đàm phán trực tiếp, giảm giá mua sắm với các nhà cung ứng, áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp với kỹ thuật và giá, phương pháp đánh giá theo các tiêu chí kỹ thuật đối với các gói thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nâng tỷ trọng điểm về kỹ thuật để lựa chọn được nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả.
Để bảo đảm công tác đấu thầu thực chất, minh bạch, hiệu quả, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và xác định được trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi tổ chức đấu thầu để xảy ra sai phạm, ông Thắng cũng cho biết, cần đẩy mạnh đấu thầu điện tử nhằm tăng cạnh tranh, giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục; Ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận, hạn chế can thiệp chủ quan trong đấu thầu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-vuong-trong-dau-thau-10306630.html