Gỡ vướng trong triển khai các đề án khuyến công

Nhờ triển khai kịp thời những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đến nay, nhiều đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật trong lĩnh vực khuyến công trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn. Để nâng cao khả năng tiếp cận các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị và ứng dụng KHKT vào sản xuất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác triển khai các đề án khuyến công.

Nhờ triển khai tốt các cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, nhiều đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật đã phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh

Nhờ triển khai tốt các cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, nhiều đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật đã phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến SKXD của hầu hết DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua đã chủ động bám sát diễn biến tình hình, kịp thời rà soát, điều chỉnh các chương trình khuyến công nhằm tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT giải quyết khó khăn, phục hồi SXKD trong điều kiện mới.

Năm 2021, Trung tâm phát triển Công thương Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với tổng giá trị gần 4,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, thu hút trên 13 tỷ đồng vốn đối ứng từ các DN, cơ sở CNNT.

Nhờ vậy, nhiều DN, cơ sở CNNT trong tỉnh mạnh dạn đầu tư mua sắm dây chuyền, đổi mới máy móc thiết bị, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, mặc dù đội ngũ cán bộ phụ trách công tác khuyến công cấp xã đã được bố trí tương đối đầy đủ trên địa bàn tỉnh, song trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn yếu, phần đa hoạt động kiêm nhiệm; một số nơi, cán bộ khuyến công cơ sở chưa nắm rõ định mức hỗ trợ của các đề án khuyến công... nên hiệu quả trong việc rà soát nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch khuyến công hàng năm chưa đạt yêu cầu.

Hầu hết các cơ sở CNNT là hộ kinh doanh và DN sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, rất khó tập trung vốn để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc tiếp cận hoạt động khuyến công.

Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các đề án khuyến công quốc gia và địa phương còn rất hạn hẹp. Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể đối với các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới (gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật) tối đa 30% tổng chi phí nhưng không quá 700 triệu đồng/mô hình.

Mức chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT vào sản xuất tối đa 50% chi phí nhưng không quá 270 triệu đồng/cơ sở.

Theo quy định, Chương trình Khuyến công của tỉnh được phê duyệt theo giai đoạn (5 năm/lần) nên việc chuyển đổi nội dung, phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công hằng năm khó thực hiện.

Đơn cử như nội dung đào tạo, truyền nghề hiện nay gặp nhiều vướng mắc do trùng lặp trong công tác triển khai với nhiều sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. Tuy nhiên, việc đề xuất, chi chuyển nguồn kinh phí này sang nội dung hỗ trợ triển khai bổ sung đề án khuyến công phù hợp với tình hình thực tế tại một số địa phương chưa được phê duyệt.

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong 2 năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của nhiều DN, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Không ít DN, cơ sở sản xuất do thiếu nguồn lực tài chính, sức chống chịu hạn chế phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa...

Những năm gần đây, các mô hình, đề án khuyến công được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh chủ yếu chỉ tập trung ở lĩnh vực cơ khí, sản xuất đồ mộc dân dụng do quy mô kinh phí đầu tư của các đề án không quá cao (trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/đề án), các lĩnh vực khác rất khó nhân rộng do yêu cầu nguồn kinh phí đối ứng lớn từ các DN, cơ sở CNNT.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình, đề án khuyến công, cần có thêm sự quan tâm, hỗ trợ, bổ sung kinh phí từ Trung ương, của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, SXKD.

Các ngành chức năng, địa phương tăng cường đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; nâng cao chất lượng khảo sát nhằm xây dựng đề án khuyến công có tính khả thi cao.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cơ sở CNNT đăng ký, thực hiện các đề án. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, DN, cơ sở CNNT chủ động nắm bắt, tiếp cận và tham gia tích cực các nội dung hoạt động khuyến công.

Ưu tiên hỗ trợ các đề án theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78533/go-vuong-trong-trien-khai-cac-de-an-khuyen-cong.html