Gỡ vướng trong triển khai dự án Làng đại học Đà Nẵng
Đã có rất nhiều cuộc làm việc, kiểm tra và cam kết giữa các đơn vị, địa phương liên quan nhưng đến thời điểm hiện tại, Dự án Làng đại học Đà Nẵng vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc thúc đẩy triển khai dự án trọng điểm này cần sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ Trung ương, địa phương và nhất là vai trò chủ quản là Đại học Đà Nẵng.
Dự án Làng đại học Đà Nẵng, nay là Dự án Khu đô thị đại học Đà Nẵng (Dự án) được Chính phủ phê duyệt năm 1997 với quy mô 300 ha, vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng, đến nay đã gần 25 năm vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc về mặt bằng và nguồn vốn.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án này. Tại các buổi làm việc, nhiều vấn đề được làm sáng tỏ.
Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó phần nằm trên địa bàn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rộng 190 ha và phần thuộc địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) rộng 110 ha.
Đến nay, dự án được bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai ba dự án thành phần. Đó là: Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) 40 ha khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2018-2020) với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng; Dự án bồi thường, GPMB khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn với tổng mức đầu tư 181,1 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc, xây dựng nhà học tập, thực hành, thí nghiệm cho Khoa Y dược và nhà làm việc 5 tầng của Trường cao đẳng Công nghệ thông tin.
Hiện một số đơn vị đã sinh hoạt trong dự án, gồm Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Khoa Y dược, với khoảng 4.000 sinh viên và hai tòa nhà làm việc của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật đang được hoàn thiện. Bằng nhiều nỗ lực và cố gắng, hiện tại, dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/5.000, nhưng vẫn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ để triển khai. Trong đó, phần đất cần GPMB phía tỉnh Quảng Nam đến hiện tại hầu như chưa được triển khai. Đây là một áp lực khá lớn vì diện tích này gần 200 ha.
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích GPMB của dự án Làng đại học Đà Nẵng có 110 ha thuộc địa phận Đà Nẵng. Phần diện tích đã được GPMB bàn giao cho Đại học Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Diện tích còn lại gồm 71,4 ha thì đã GPMB được khoảng 40 ha, còn lại 31,4 ha sẽ tiếp tục GPMB.
Thành phố Đà Nẵng đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí nêu trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Theo đó, ngày 20/9/2021, thành phố ban hành Quyết định số 3014/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học với quy mô 12,7 ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng.
Hiện tại, khu tái định cư đang được thực hiện đầu tư xây dựng để phục vụ giải tỏa cho dự án. Mặt khác, do tiến độ khẩn trương của công tác tái định cư và yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với dự án vay vốn ưu đãi của Đại học Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư nêu trên, đồng thời bổ sung thêm quỹ đất từ sáu khu tái định cư đã hoàn thiện khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án.
Ông Lê Trung Chinh nêu rõ: “Đây là dự án treo lâu nhất của thành phố. Càng để lâu, chi phí giải tỏa đền bù càng lớn. Diện tích đất sạch đã bàn giao cần khẩn trương thi công, nếu không sẽ bị tái lấn chiếm, tiếp tục gây bức xúc cho người dân khi sớm thực hiện giải tỏa nhưng đất lại không được xây dựng. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, xúc tiến GPMB ở Quảng Nam để sớm triển khai dự án”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan Dự án cũng là vấn đề chung của thành phố. Chỉ trong hai năm, Đà Nẵng đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan Dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Thành phố thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí nêu trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Đây là việc làm chưa từng có và cũng không có trong các luật liên quan. Nhưng nhờ vậy, đã đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao đất sạch cho dự án.
Đẩy nhanh tiến độ dự án
Nêu các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, hỗ trợ và thành phố Đà Nẵng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, GPMB đối với phần diện tích còn lại. Đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm công tác GPMB, bố trí tái định cư để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Tại buổi làm việc sáng 19/3 với Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không thể chậm trễ hơn nữa với Dự án Làng đại học Đà Nẵng. Dự án có tầm quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Thành phố Đà Nẵng đã tạo thuận lợi hết sức, đề nghị Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng quán triệt, quan tâm và quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, nhất là Dự án bồi thường GPMB khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
Đại học Đà Nẵng cần nâng cao năng lực tư vấn, quản lý, tổ chức thực hiện dự án, giải ngân các gói đầu tư hiệu quả, đúng quy định; chủ động tìm thêm các nguồn đầu tư, kịp thời đề xuất tháo gỡ, xử lý những điểm nghẽn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Việc triển khai dự án là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân, nêu cao vai trò người đứng đầu mà cụ thể là Giám đốc Đại học Đà Nẵng, trong đôn đốc thực hiện triển khai dự án; phải quản lý chặt, tiết kiệm nguồn vốn, tránh thất thoát. Nếu cần hỗ trợ nhân lực, Bộ sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ Đại học Đà Nẵng trong triển khai dự án này”.