Gỡ vướng y tế: Các nghị quyết, nghị định vẫn chưa đủ

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 văn bản: Nghị định 07 về quản lý trang thiết bị y tế và nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT nhằm giải quyết tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện.

Các nghị định, nghị quyết ra đời đã tháo gỡ những khó khăn, cho các bệnh viện ra sao? Những điểm nghẽn còn tồn đọng là gì? Về lâu dài, các bộ ngành cần phải làm gì để giải quyết triệt để những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế?

Các nút thắt thiếu thiết bị y tế được tháo gỡ với nghị định mới ban hành.

Các nút thắt thiếu thiết bị y tế được tháo gỡ với nghị định mới ban hành.

"Thời gian qua, việc cung ứng hàng hóa cho cơ sở y tế rất khó khăn do trượt giá, đứt gãy trong cung ứng hàng hóa, việc ra đời nghị định và nghị quyết này giúp cho các đơn vị tháo gỡ gần như hoàn toàn những vướng mắc trước đây".

"Cả ngành y tế thành phố rất vui khi tiếp nhận Nghị quyết 30 và Nghị định 07 vừa ban hành. Nó đã giải quyết được nhiều vướng mắc mà hầu hết các bệnh viện đều rất lo lắng thời gian qua".

"Sau khi Nghị quyết 30 được ban hành, những người làm trực tiếp như bọn em cảm thấy rất lạc quan hơn, sáng sủa hơn và hy vọng với nghị quyết mở như thế này thì mình có thể làm tốt hơn công tác tư vấn và cảm thấy mình an toàn hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình".

Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép thanh toán BHYT máy đặt máy mượn, đấu thầu trong y tế không cần 3 báo giá như trước và Nghị định 07/NQ-CP cho phép gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, số đăng ký lưu hành đối với sinh phẩm trước đây được gia hạn đến hết năm 2024.

Những điểm mới trong hai văn bản này cơ bản tháo gỡ hơn 80% “nút thắt” trong việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị y tế, ở các bệnh viện hiện nay.

Theo BS CKII, Lương Công Minh – Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Nghị định 07 gia hạn giấy phép nhập khẩu và chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị y tế, giải quyết vấn đề thông quan, ngay lập tức giúp cho bệnh viện có thể tiếp tục những gói thầu đã trúng thầu, kịp thời cung ứng được vật tư, trang thiết bị y tế cho bệnh viện để tiếp tục duy trì hoạt động khám chữa bệnh.

“Lúc chưa có Nghị định 07 thì bệnh viện rất rối, vì những vật tư liên quan đến xét nghiệm, liên quan đến bệnh nhân chạy thận: dịch rửa màn lọc, dịch lọc thận... các công ty không có giấy phép xuất nhập khẩu nên hàng sẽ đứng lại ở hải quan, nhập vào không được. Mặc dù, bệnh viện còn trúng thầu cũng không thể nào nhập hàng. Còn trong trường hợp bệnh viện hết thầu thì phải tổ chức mở thầu, chấm thầu thì công ty lại không đưa được giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Như vậy sẽ rớt thầu và bệnh viện không có hàng để xài dẫn đến khủng hoảng rất nặng nề. Nhưng mà may quá, Nghị định 07 này ra đời đã giải quyết được 2 vấn đề đó", BS CKII, Lương Công Minh cho biết.

Còn tại bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, với hơn 80% máy móc, trang thiết bị về xét nghiệm là theo hình thức mượn, đặt... và khoảng 7% máy móc (máy thở HFNC, giường điện...) được biếu, tặng. Vì vậy, Nghị quyết 30 kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư đã kịp thời giúp cho bệnh viện khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị cục bộ, tạo thuận lợi trong điều trị cho bệnh nhân.

Thay đổi quản lý, kê khai giá trang thiết bị y tế.

Thay đổi quản lý, kê khai giá trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 30 cũng giải quyết được “bài toán” về trang thiết bị y tế được biếu, tặng, tài trợ chưa xác lập sở hữu toàn dân, cho phép thanh toán bảo hiểm y tế, cho phép công hóa tài sản đó ... BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: cơ chế máy đặt, máy mượn và sử dụng TTBYT được cho tặng để KCB đang rất phù hợp với đặc thù y tế hiện nay

“Nó có 3 lợi ích. Một là lợi ích của nhà nước: không phải bỏ tiền ra để mua sắm trang thiết bị y tế trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Thứ 2, các cơ sở y tế nguồn thu cũng khó khăn cũng không có kinh phí để mua sắm các máy móc. Thứ 3, người dân vẫn được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, được hưởng các BHYT không phải chờ đợi lâu như trong thời gian vừa qua”.

Đặc biệt, Nghị quyết 30 cũng đã giải quyết vướng mắc về giá trong đấu thầu vật tư, đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu. Tuy nhiên, việc chấp nhận 1 báo giá khiến các bệnh viện “vừa mừng vừa lo”,

BS CKII, Lương Công Minh – Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương bày tỏ: “Nghị quyết 30, lấy 1 báo giá đối với những trường hợp đặc thù thì như vậy bệnh viện rất mừng, rất cởi trói nhưng mà bệnh viện cũng lo và cũng rất mong có cơ chế. Tại vì bệnh viện không biết được bảng báo giá đó nó chênh bao nhiêu so với giá nhập hải quan, giá nhập khẩu. Thành ra, bệnh viện cũng lo, vì mình không biết, mình mù mờ và có thể đây là 1 cái bẫy chẳng hạn”.

Cùng chung quan điểm, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, kiến nghị: về lâu dài, cần có một hành lang pháp lý để đảm an toàn cho các bệnh viện - người trực tiếp chịu trách nhiệm mua sắm, đấu thầu hay một cơ quan chủ trì thẩm định giá trang thiết bị y tế để các bệnh viện đỡ lo lắng trong vấn đề “hậu kiểm”

“Về cách xác định giá, cần có một cơ quan nào đó chủ trì để định mức giá bảo vệ anh em (cán bộ, nhân viên y tế). Vì sau này tất cả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đề xoáy vào giá này. Tại sao lại đắt hơn gấp mấy lần, rồi xác định tình trạng mua bán lòng vòng không thì bệnh viện làm sao biết mấy cái đó”, bác sĩ Châu Văn Đính cho biết.

Ngoài ra, trong việc sửa chữa trang thiết bị lớn, hiện nay các đơn vị cũng lúng túng, sợ bị vướng Luật Đầu tư công, luật Đấu thầu.

TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 bày tỏ lo ngại: “Muốn sửa chữa trang thiết bị y tế lớn, giá trị cao bị hư hỏng phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND TP do phải theo trình tự của luật Đầu tư công và Nghị định 40 hướng dẫn thực hiện đầu tư công. Như vậy trong việc sữa chữa trang thiết bị lớn thì có vướng luật hay không, Nghị quyết 30 chưa đề cập”.

Trước những nỗi lo của các bệnh viện, Ở góc độ cơ quan quản lý, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định: “Chúng ta phải hiểu rằng, nghị quyết là để giải quyết ngay, các nghị quyết này có giá trị ngay khi ban hành. Mục đích của nghị quyết là giải quyết ngay cái vướng mắc trong công tác chăm sóc người bệnh ở các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là công tác mua sắm. Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian dài, Bộ y tế và các bệnh viện cùng đóng góp xây dựng Luật phù hợp với đặc thù của ngành Y tế, không chỉ của TP mà của cả nước”.

Thời gian qua, việc cung ứng hàng hóa cho cơ sở y tế rất khó khăn do trượt giá, đứt gãy trong cung ứng hàng hóa, việc ra đời nghị định và nghị quyết này giúp cho các đơn vị tháo gỡ gần như hoàn toàn những vướng mắc trước đây

Thời gian qua, việc cung ứng hàng hóa cho cơ sở y tế rất khó khăn do trượt giá, đứt gãy trong cung ứng hàng hóa, việc ra đời nghị định và nghị quyết này giúp cho các đơn vị tháo gỡ gần như hoàn toàn những vướng mắc trước đây

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ “nút thắt” trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận các nghị định, nghị quyết vừa ban hành chỉ là “giải pháp tình thế” là cái phao cứu cánh nhất thời.

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc vấn đề này, các bệnh viện cần nghiên cứu thực tiễn những chỉ dấu tham mưu cho Bộ Y tế đưa vào luật đấu thầu hoặc sửa đổi trong luật đấu thầu. Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng các quy định riêng về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Liên quan đến nội dung này, VOV Giao thông có bài bình luận “Hãy để ngành y tập trung cho chuyên môn thay vì phải nỗ lực mua sắm và đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên”.

Sau nhiều khó khăn, vướng mắc nổi cộm khiến nhiều bệnh viện lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị trầm trọng, người bệnh có nguy cơ không có thuốc điều trị. Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành mới đây như một tin vui với tất cả các bệnh viện và ngời làm trong ngành y nói chung.

Nói điều này để thấy, cơ chế hành chính, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đang là nút thắt rất lớn, cản trở trực tiếp đến việc điều trị và chăm lo cho sức khỏe nhân dân bấy lâu nay. Cơ quan quản lý nhà nước, ngành y, người dân, doanh nghiệp đều nhận thấy.

Nhưng việc sửa đổi là rất khó bởi tính phức tạp, chồng chéo trong các quy định, quy chế về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; nhất là cơ chế cho mượn, đặt máy móc, sinh phẩm từ bên ngoài vào theo hình thức xã hội hóa không rõ ràng; luôn khiến lãnh đạo lãnh đạo bệnh viện đau đầu mà không có cách giải quyết.

Chính sự không rõ ràng này cũng là điều kiện nảy nở lòng tham ở một bộ phận cán bộ bệnh viện;từ đó tổ chức thông đồng, cấu kết với bên ngoài nâng khống giá trị trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm y tế để trục lợi. Nhiều cán bộ y chuyên khoa hàng đầu, thuộc hàng hiếm của cả nước đã lâm cảnh lao lý. Đó là chưa kể, hành lang pháp lý không đủ độ chắc chắn để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Khiến cho ngành y có những lúc chao đảo vì căn bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không ai dám làm.

Hậu quả là bệnh nhân phải gánh; thường xuyên phải ra ngoài chụp, chiếu, xét nghiệm; có ca đến lịch mổ đành nằm chờ vì thiếu vật tư, sinh phẩm. Có bệnh viện đứng trước nguy cơ đóng cửa. Đây là những bài học đắt giá, khiến lãnh đạo các cấp và ngay cả người trong ngành y đều đau xót, tìm cách tháo gỡ.

Hiện nay, ngành y tế các địa phương, lãnh đạo các bệnh viện trong cả nước đang áp dụng triệt để Nghị định 07 và Nghị quyết 30 để giải quyết ngay các ách tắc trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; thực hiện từng bước việc kêu gọi sự hỗ trợ, chi viện từ bên ngoài. Tuy nhiên do 2 văn bản này cũng chỉ mang tính cấp thiết, giải quyết phần ngọn; đó là chưa kể việc hiểu và áp dụng theo các cách khác nhau, khiến nhiều Sở y tế, bệnh viện vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục kiến nghị, sửa đổi.

Đơn cử như việc cho đặt máy chuyên sâu từ bên ngoài vào để bệnh viện khai thác; thời gian qua, do không có cơ chế hợp tác rõ ràng nên nhiều đơn vị bên ngoài đã rút các máy móc khỏi nhiều bệnh viện. Bây giờ muốn đem vào đặt lại,theo yêu cầu phải là máy mới 100% sẽ rất khó khăn.

Đó là chưa kể, việc chỉ định thầu, mặc dù không cần 3 báo giá, có thể chỉ định thầu.Nhưng quy trình này cũng phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thời gian, minh bạch, rõ ràng. Bệnh viện với công việc chuyên môn của mình rất khó đảm bảo tuyệt đối chính xác chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng mà giả cả lại hợp lý vì mỗi thời điểm giá cả thiết bị là khác nhau. Rồi vấn đề hậu kiểm; nếu không tuân thủ dễ dẫn đến sai phạm, bị truy cứu trách nhiệm.

Rõ ràng, ngành y là ngành chuyên môn thuần túy. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư sinh phẩm; kể cả xã hội hóa y tế hoàn toàn là những phạm trù khác ngành nghề mà các y, bác sĩ được học. Nhiều bác sĩ rất giỏi trong cầm dao mổ, đọc bệnh án nhưng để xây dựng phương án tự chủ, đề án xã hội hóa bệnh viện của mình để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh lại duy trì có nguồn thu ổn định để nuôi sống hàng ngàn cán bộ công nhân viên là cực kỳ khó khăn và nan giải.

Do vậy, đã đến lúc, các rào cản về cơ chế, chính sách trong mua sắm trang thiết bị y tế phải được thống nhất, mang tính lâu dài. Khái niệm, vấn đề xã hội hóa y tế, nhất là cho mượn, đặt máy móc từ bên ngoài vào cũng cần được định lượng rõ ràng, cụ thể để khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách hỗ trợ các bệnh viện. Đồng thời không tạo kẽ hở để ai đó trục lợi.

Ngành y về lâu dài chỉ lo tập trung cho chuyên môn nghiệp vụ; quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hàng ngày; các vấn đề về kinh tế y tế; sẽ do các bộ, ngành và cơ quan quản lý xắn tay xây dựng, để ngành phát triển ổn định./.

Nhóm PV/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/go-vuong-y-te-cac-nghi-quyet-nghi-dinh-van-chua-du-post1007878.vov