Góa phụ tuổi mười sáu
Trên bản Mông Khuổi Khâu, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, câu chuyện về những đứa trẻ ở tuổi 15-16 đã phải làm cha, làm mẹ đã tồn tại bao đời nay.
Tình yêu của chúng cứ hồn nhiên như cỏ cây bên bìa rừng và cứ thế “Tảo hôn-đói nghèo” vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn cay đắng và vô vọng trong cuộc sống của không ít người Mông nơi đây.
Sầm Thị Sải năm nay 16 tuổi.
Bế hai đứa con sinh đôi mới 8 tháng tuổi, Sải nấc nghẹn: “15 tuổi đang đi học, em lấy chồng, khi ấy cũng chẳng biết là nó bao nhiêu tuổi. Nó lên tận nhà tán em, gặp nhau được 2 ngày là đưa về nhà cưới thôi”.
Ở xóm Khuổi Khâu, những đứa trẻ thích nhau rồi dắt nhau về nhà làm vợ, làm chồng cứ hồn nhiên như vậy đấy. Gặp nhau có 2 ngày, gia đình họ Thào đã đưa Sải về làm dâu cách nhà 3 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng. Con gái lấy chồng vốn là chuyện vui của gia đình, nhưng với bố mẹ Sải, gả chồng cho con ở cái tuổi 15 chỉ là sự chấp nhận trong bất lực, thương xót và lo lắng.
"Tôi tên là Sầm Mí Lình. Năm nay 44 tuổi và có 5 đứa con. Quan điểm của tôi là không cho lấy chồng sớm, vì chưa đủ tuổi. Nhưng bên kia nhất quyết lấy thì cũng đồng ý, nhưng mà không yên tâm. Tôi rất lo lắng vì chúng còn trẻ con. Chưa biết làm ăn hay chăm sóc bản thân. Tôi không ủng hộ chuyện lấy chồng sớm như thế".
Cưới nhau được 2 tháng, cô dâu 15 tuổi người Mông Sần Thị Sải không hề biết mình đã mang thai đôi và ở cái tuổi này, Sải càng không thể biết những kiến thức, kỹ năng tối thiểu để làm mẹ. Sải chỉ nghĩ đơn giản “cứ đẻ thôi, con chắc sẽ lớn bằng mèn mén, nước suối và rau rừng”.
Chưa hết những đau đớn và bỡ ngỡ khi phải làm mẹ ở cái tuổi 16, chồng Sải lại đột ngột qua đời. Chồng vừa mất, bố mẹ chồng chẳng cần con dâu nữa, họ giữ lại 2 đứa cháu vẫn còn đỏ hỏn, còn Sải phải trở về Lũng Phịa ở cùng bố mẹ đẻ trong nỗi đau tột cùng và tuyệt vọng.
“Bố mẹ chồng không cho đưa con về, em rất là nhớ hai đứa con. Bây giờ không còn cách nào để nuôi dưỡng nữa. Trong tương lai không biết dự định sẽ làm gì nữa. Bây giờ đang bế tắc. Chỉ ở với bố mẹ. Hiện tại là như thế. Không còn tính trong tương lai gì”- Sải nói.
15 tuổi đã phải về làm dâu nhà chồng, 16 tuổi đã phải thành góa phụ và rời xa con mình. Nỗi đau mà bé gái người Mông ở Khẩu Khuôi đang phải gánh chịu, khiến ai cũng phải thắt lòng xót xa. Chỉ cần ưng cái bụng, chỉ cần thích nhau là các em đang ở tuổi cắp sách tới trường cũng đòi bố mẹ cho lấy vợ, gả chồng về chung một nhà.
“Về vấn đề nạn tảo hôn của những trẻ đang độ tuổi vị thành niên mà làm mẹ quá sớm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ, của con, kinh tế khi mà bản thân trẻ chưa thể làm chủ cuộc sống. Chúng vẫn phụ thuộc vào gia đình. Cách chăm sóc con của trẻ cũng chưa có kinh nghiệm. Tâm lý trẻ thời gian đầu hay giấu gia đình. Vì vậy trẻ chưa được sự quan tâm, hướng dẫn của các bậc phụ huynh nên sức khỏe, tâm lý của trẻ có ảnh hưởng”- Y sĩ Mông Thị Thảo chia sẻ.
Ở cái chốn thâm sơn cùng cốc này, tình cảm hồn nhiên của những đứa trẻ, cộng thêm ý thức, quan điểm lạc hậu và cổ hủ đã khiến biết bao mảnh đời trẻ thơ trở nên cơ cực và cùng quẫn. Ông Thào A Giàng, ở xóm Chè Lỳ chia sẻ, bọn trẻ Mông lạ lắm, chỉ cần cãi nhau, chỉ vì bị cấm cản hay vợ chồng thách đố nhau, chúng tìm đến lá ngón! Năm nay đã 60 tuổi đời, nỗi ám ảnh và day dứt lớn nhất đối với Thào A Giàng là con nuôi của mình mới 15 tuổi đem lòng yêu bạn cùng trường nội trú mới 14 tuổi. Chỉ vì muốn con có cuộc sống tốt hơn, ông Giàng khuyên nhủ bọn trẻ hãy kết hôn khi đủ tuổi, khi già hơn một tý nữa, nhưng cả 2 chẳng nghe lời mà lại tìm đến cái chết.
“Khuyên bảo thì nó lại không nghe, bảo ông này nói suông để mình không lấy được vợ. Mình bảo không phải đâu. Không phải nói suông để chúng mày không được xây dựng gia đình hạnh phúc đâu, mà khi nào có tuổi tác, sinh con mình biết lo cho nó, biết kiếm tiền này...”- Thào A Giàng cho biết.
Vòng luẩn quẩn “Tảo hôn” cứ mãi quẩn quanh ở các vùng sơn cước không chỉ riêng ở tỉnh Cao Bằng. Khi nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản, làng xa xôi, hẻo lánh còn hạn chế, cách sống, cách nghĩ còn lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn thì không biết đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng tảo hôn.
“Trong xóm, chúng tôi cũng chỉ có tuyên truyền cho phụ huynh để có sự giám sát và trên trường cũng nhờ các thầy cô tuyên truyền, giáo dục về vấn đề tảo hôn này, nói rõ tác hại và hệ lụy của tảo hôn gây ra để các em hiểu và không mắc phải, dần dần mọi người sẽ hiểu hệ lụy của vấn nạn tảo hôn này thì nó sẽ giảm”- anh Vừa Mí Lúa, trưởng xóm Chè Lỳ A, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ.
Dẫu biết giải quyết vấn nạn tảo hôn trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, không thể làm ngay trong một sớm, một chiều. Nhưng hôm nay và những ngày tháng tiếp theo, nếu chúng ta không tiếp tục hành động, nếu các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là ở các địa phương không quyết liệt vào cuộc với các biện pháp cụ thể, thiết thực; phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng dân cư; kết hợp giữa tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức gắn với cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào thì chắc chắn sẽ vẫn còn những đứa trẻ phải làm mẹ, làm cha ở cái tuổi học trò, vốn hồn nhiên và vô tư như thế, chắc chắn sẽ còn những gia đình mà cha mẹ rơi vào cảnh khóc nghẹn tiễn đưa con./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/goa-phu-tuoi-muoi-sau-post940236.vov