Góc an nhiên: Trên chuyến xe đầu năm
Sau Tết, tôi về lại phố bằng chuyến xe chật ních bộn bề. Có vài người chưa tỉnh cơn say, có vài người rệu rã, có vài người mải miết lo toan hằn trên khuôn mặt.
Quảng cáo
Tôi nhìn qua cửa kính thấy cánh đồng dần ở lại phía sau, từng thửa ruộng non xanh lướt qua trong chớp mắt. Không khí trong xe ngột ngạt quá nên có ai đó kêu bác tài hạ cửa kính. Gió ùa vào thứ mùi của bùn đất mạ non dìu dịu trong cánh mũi. Nó át đi thứ mùi hỗn độn trên chuyến xe đầu năm, ai đó còn xách theo ít nhót xanh, con gà luộc, lọ măng ớt cay nồng…
Tôi ngó ra đường bắt gặp những đôi mắt thơ ngây ngồi sau xe đạp, được bà đèo đến trường. Người nông dân bắt đầu ra đồng mang theo hạt giống cho một mùa vụ mới. Họ kể cho nhau nghe câu chuyện Tết còn sót lại trong khi con trâu già vẫn cặm cụi với những đường cày. Trên xe có vài cuộc điện thoại. Ai đó gọi hỏi xem người giúp việc đã lên chưa? Ai có càm ràm mới đầu năm đã bị sếp mắng vốn. Ai đó hình như đang khất nợ. Ai đó gọi về nhà dặn mẹ “có ít tiền đưa sợ mẹ không nhận, trước khi đi con nhét vào trong gối. Mẹ nhớ lấy ra tiêu. Thuốc thang mẹ cứ mua, ăn uống cũng đừng nên tiết kiệm”. Tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Đường về nhà bao giờ cũng thấy gần. Đường đi xa bao giờ cũng nôn nao đến lạ…
Tôi bắt đầu thấy lạnh, lục chiếc áo khoác trong ba lô ra mặc. Lúc giũ chiếc áo, chợt thấy mùi của khói bếp bay ra. Áo chưa kịp giặt, những sợi khói còn ủ mình trong từng lớp vải. Ngai ngái mùi củi bạch đàn, mùi của mẻ mứt gừng mẹ ngào thêm sau Tết, của hơi bánh chưng trong nồi sôi sùng sục.
Quê nhà gói gọn trong sợi khói, là thứ còn lưu luyến trong hành trang của một chuyến đi. Cho dù tôi có ngoài ba mươi tuổi, đã quen với việc sống xa quê mười mấy năm nay. Cho dù trên đầu tôi lưa thưa vài sợi bạc thì những cảm xúc này vẫn vẹn nguyên của năm mười tám tuổi, khi lần đầu tiên tôi gói ghém ba lô lên tàu xuống thành phố nuôi ước mộng thanh xuân. Tôi khoác áo vào người, cảm giác khói đang bao bọc lấy mình, ấm áp. Như lúc còn nhỏ tôi hay rúc vào lòng mẹ hít hà mùi khói. Đó là thứ mùi đặc trưng trên áo mẹ, nhất là khi những ngày đầu xuân miền Bắc thường mưa phùn, củi không khô được. Bếp lúc nào cũng nghi ngút khói, mẹ khom lưng thổi, mắt đỏ hoe. Trên mái bếp, khói len lỏi qua từng lớp lá cọ bay lên trời.
Ai đi xa về nhìn cột khói bay lên là biết ở nhà cơm mẹ đang chờ, lòng rưng rưng xúc động. Mẹ bước ra từ trong màn khói, bưng trên tay nồi cơm, nia kẹo lạc, mấy chiếc bánh đa vừa nướng giòn tan hoặc vài củ khoai thơm mùi mật. Quê nhà gần gũi và mờ ảo qua từng làn khói. Bà tóc trắng lẫn trong màu khói, có đôi lúc tôi cứ ngỡ người vừa bước ra từ một miền cổ tích.
Rồi những căn bếp lợp lá cọ lùi vào dĩ vãng, lũ trẻ chúng tôi lớn lên nhìn mọi thứ xung quanh mình thay đổi từng ngày. Ở quê tôi bây giờ người ta đun bếp ga, bếp điện cho tiện nên bếp củi cũng hiếm dần. Không còn những cột khói lên trời quê hương như thiếu đi một phần hồn. Bên ngoài cửa kính xe là phố xá ồn ào. Nơi chỉ thấy khói hiếm hoi hiện hữu ở góc chợ, đầu đường nơi mấy bà mấy chị mang bếp lò ra nhóm lửa để rán bánh, nấu cháo bán cho khách qua đường. Làn khói mỏng manh ấy không thoát khỏi sự đông đúc của phố xá để bay lên trời. Nó lẫn đâu đó trong khói xe, chộn rộn mặt người. Khói bếp lò, khói xe, hay khói trong một đám cháy chung cư, chợ lớn, kho hàng nào đó đều không có mùi của dung dị bình yên như khói ở quê nhà.
Nhớ khói thật ra là nhớ quê, nhớ dưa cà mắm muối, nhớ cha già mẹ héo, nhớ góc bếp nhỏ mảnh vườn xanh, nhớ đến cả đàn gà chó cún. Có một hôm nào đó thành phố khói mù mịt khắp trời. Nhìn xa xa cứ tưởng như mọi thứ được bao bọc bởi một màn sương phủ. Người ta thi nhau phàn nàn về ý thức của những người nông dân ven thành phố. Năm nào cũng vậy, đến mùa đốt đồng là khói theo gió tràn vào trung tâm thành phố “như hun chuột”. Vậy mà tôi có khi rơm rớm nước mắt vì xúc động. Bởi đã lâu lắm rồi mới ngửi thấy mùi ngói của rạ rơm đồng ruộng. Lâu lắm rồi mới thấy khói bay lên trời bảng lảng.
Trên chuyến xe đầu năm may mà có khói. Để khi bước xuống xe những bộn bề ập đến lòng cũng đỡ chênh vênh trống trải. Dù ta có xuôi ngược nơi đâu, quê nhà vẫn kề bên bằng ký ức lấm lem bùn đất, bằng thứ hồn hậu và chất phác đã nuôi nấng nên mình. Hay có khi chỉ là sợi khói lẫn trong chiếc áo khoác còn chưa kịp giặt…
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/goc-an-nhien-tren-chuyen-xe-dau-nam-post55187.html