Góc dân gian trong trường mầm non
Để làm mới các góc học tập, vui chơi, nhiều điểm trường mầm non, mẫu giáo tích cực đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa, giờ lên lớp để giáo dục truyền thống văn hóa cho các em. Ðây cũng là phương pháp học tập mới, giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Cô Nguyễn Hồng Thắm, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng (Phường 8, TP Cà Mau) thông tin: “Góc dân gian, trò chơi dân gian được nhà trường lồng ghép tổ chức thường xuyên thông qua hoạt động góc, hoạt động ngoài trời và các tiết học. Bên cạnh đó, mỗi năm còn tổ chức lễ hội dân gian với quy mô lớn như: trải nghiệm làm bánh, đặc sản địa phương, trải nghiệm không khí Tết..., lúc này sẽ mời phụ huynh đến tham dự, trẻ cùng ba mẹ sẽ tương tác rất nhiều thông qua những trò chơi dân gian tập thể”.
Năm học này, nhà trường đón nhận 340 trẻ, bao gồm các lớp: Nhóm, Mầm, Chồi và Lá. Các góc trò chơi luôn được giáo viên đứng lớp liên tục làm mới sao cho vừa phù hợp với không gian của trường vừa kích thích trẻ vui chơi học tập lành mạnh, tiếp thu thêm nhiều kỹ năng thông qua hoạt động. Theo đó, mỗi tháng sẽ có một chủ đề để tổ chức vui chơi. Tháng 11 là chủ đề động, thực vật, tháng 12 sẽ là chủ đề giao thông... Các cô sẽ tìm hoặc sáng tạo nhiều hoạt động vui chơi phù hợp với độ tuổi, sở thích của trẻ.
Cô Trương Trúc Huệ, giáo viên Trường Mầm non Búp Sen Hồng, chia sẻ: “Các hoạt động dân gian, trò chơi dân gian giúp trẻ hứng thú hơn trong giờ học. Tương ứng với chủ đề của tháng này, các trò chơi như: chi chi chành chành, trồng nụ trồng hoa, rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê... sẽ được luân phiên tổ chức. Việc đưa vào chương trình các góc dân gian, tôi thấy phù hợp và thiết thực, củng cố cho trẻ nhiều kỹ năng và ứng biến trong mọi hoàn cảnh, giúp trẻ mạnh dạn hơn hoặc kìm được tính hiếu động của trẻ”.
"Với xã hội hiện đại, việc đưa các trò chơi dân gian vào các trường mầm non rất bổ ích và thiết thực, hạn chế tối đa tình trạng trẻ tiếp xúc với công nghệ, điện thoại. Khi hòa mình vào các trò chơi dân gian thì không khí học tập sẽ sôi nổi hơn. Các cô sẽ dạy trẻ đọc và học các bài thơ, ca dao, tục ngữ, đồng dao; giáo dục trẻ tận dụng những vật liệu xung quanh để tạo ra đồ chơi, biết yêu thiên nhiên, giữ vệ sinh sau khi chơi, tự giác dọn dẹp khu vực chơi...”, cô Mã Thị Thùy Linh, giáo viên Trường Mầm non Búp Sen Hồng, cho biết.
Còn tại Trường Mầm non Trúc Xanh (Phường 6, TP Cà Mau), để tạo không gian mở cho các hoạt động học tập vui chơi, nhà trường dành hẳn khuôn viên để tổ chức trò chơi ngoài trời, trò chơi dân gian giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ.
Cô Trầm Mỹ Anh, Tổ trưởng chuyên môn của trường, chia sẻ: “Công trình được đưa vào phục vụ từ năm 2021 đến nay, với góc phân chia cụ thể như: góc chăm sóc cây xanh, khu vui chơi cổ tích và khu trò chơi dân gian. Ðặc biệt, mỗi chi tiết ngóc ngách của khuôn viên được cô và trò tự tay tô điểm, mang dấu ấn tập thể và thông qua những hoạt động cùng chơi, cùng làm sẽ giúp trẻ khéo tay, hứng thú hơn với các hoạt động tại trường”.
Trong không gian tương đối rộng và thoát mát với nhiều cây xanh, trẻ chơi đùa thoải mái. Cô Trần Quyền Trang, giáo viên Trường Mầm non Trúc Xanh, cho biết: “Trò chơi dân gian không xa lạ gì với các em nhỏ, đặc biệt những buổi được chơi ngoài trời, trẻ sẽ tích cực phối hợp hơn. Chủ đề nội dung không gò bó, việc sắp xếp các trò chơi sẽ được linh hoạt theo chủ đề mở, làm sao cho trẻ hào hứng, tương tác tích cực, quan trọng nhất là phù hợp với cơ sở vật chất tại trường, tận dụng những vật dụng sẵn có để làm nên không gian vui chơi kết hợp rèn luyện thân thể. Ðây cũng là môi trường lý tưởng để trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, bồi đắp thêm tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước”.
Việc tạo những hoạt động mới lạ, đưa vào những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ cảm thấy vui, yêu thích đến trường hơn mà qua từng trò chơi, hành động nhỏ còn giáo dục ý thức cho trẻ, đồng thời từ những câu vè, đồng dao tạo nên những giai điệu nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thêm trong sáng và hồn nhiên, tạo sự liên kết, gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong lớp./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/goc-dan-gian-trong-truong-mam-non-a30237.html