Góc khuất Bali

Hàng triệu du khách đổ xô đến 'hòn đảo thiên đường' của Indonesia mỗi năm, nhưng họ không thực sự biết điều gì đang diễn ra bên ngoài các bức tường khách sạn.

 Khách du lịch thường xuyên đến bãi biển Kuta, nhưng nhiều người không biết có bao nhiêu cư dân địa phương đang phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực. Ảnh: News.com.au.

Khách du lịch thường xuyên đến bãi biển Kuta, nhưng nhiều người không biết có bao nhiêu cư dân địa phương đang phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực. Ảnh: News.com.au.

Những bãi biển tuyệt đẹp, đồ ăn ngon và trải nghiệm mua sắm thú vị.

Bali là hòn đảo thiên đường với hàng triệu du khách đổ về mỗi năm, nhưng cách xa các điểm nóng du lịch, có một cảnh tượng đau lòng mà nhiều người chưa từng thấy.

Nhà từ thiện người Australia Dean Keddell tiết lộ về những gì thực sự diễn ra ở Bali, bởi đằng sau nụ cười là thực tại khủng khiếp đối với nhiều người.

Dean là đầu bếp và chủ sở hữu của 2 nhà hàng ở Bali. Gần đây, anh viết cuốn sách dạy nấu ăn trong đại dịch để quyên góp tiền cho cư dân địa phương.

Dean nói với News.com.au: “Bali nên được biết đến là hòn đảo thiên đường cho tất cả, không chỉ một số ít người có đặc quyền. Có hàng triệu khách du lịch đến Bali mỗi năm và nhiều người không biết điều gì đang diễn ra bên ngoài khách sạn của họ”.

“Ở Bali còn nhiều điều hơn là các câu lạc bộ bãi biển, hồ bơi và cocktail”, nam đầu bếp cho biết.

 Nhiều người dân địa phương ở Bali cần giúp đỡ để thoát nghèo. Ảnh: Dean Keddell.

Nhiều người dân địa phương ở Bali cần giúp đỡ để thoát nghèo. Ảnh: Dean Keddell.

Những ngôi làng nghèo đói

Thực tế, 202.000 người ở Bali đang sống với mức dưới 2 USD/ngày, theo Coconuts Bali. Nhìn rộng hơn, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ người nghèo tập trung lớn thứ 5 trên thế giới, với ít nhất 100 triệu người sống với mức lương từ 2 USD trở xuống mỗi ngày.

Đó là vấn đề lớn. Và khi Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch bị đóng băng, điều này đã tàn phá Bali vì nhiều người dân địa phương mất nguồn thu nhập chính, thậm chí rơi vào cảnh nghèo đói.

Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa nhà hàng của mình, Dean viết cuốn sách dạy nấu ăn, qua đó quyên góp được 540.000 USD cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, anh nói rằng đó chỉ là nỗ lực nhỏ nhoi để giúp đỡ người đang gặp khó khăn.

Với số tiền thu được, Dean hỗ trợ 5 tổ chức phi chính phủ và tới thăm người dân ở xa các trung tâm du lịch, từ khu ổ chuột ở Denpasar đến những vùng xa xôi hơn của Bali - nơi nhiều người thậm chí không có nước sạch để uống, thiếu thốn thức ăn, nơi ở, chăm sóc y tế hoặc nhà vệ sinh.

Dean cũng nói về sự tương phản ở Bali. Anh đề cập đến bức tượng Garuda Wisnu Kencana, cao 122 m và tốn 100 triệu USD để xây dựng, trong khi cư dân xung quanh đều sống trong cảnh nghèo đói.

 Bức tượng đắt đỏ có thể được nhìn thấy phía sau nhà của người dân địa phương. Ảnh: Dean Keddell.

Bức tượng đắt đỏ có thể được nhìn thấy phía sau nhà của người dân địa phương. Ảnh: Dean Keddell.

“Đằng sau một trong số bức tượng lớn nhất thế giới là những người nghèo nhất thế giới”, Dean nói.

Bức tượng được đặt tại Công viên Văn hóa Garuda Wisnu Kencana, phía nam Denpasar.

Dean cũng đang sản xuất loạt phim tài liệu phơi bày thực tế khắc nghiệt mà rất nhiều người ở vùng Desa Ban nghèo đói của Bali phải đối mặt do sự cô lập cùng cực.

Ở đây, không có những điều cơ bản của cuộc sống. Một số người phải đi bộ hàng giờ mỗi ngày chỉ để lấy nước uống, nấu ăn và nếu còn thì tắm rửa. Đây là khu vực mà thời gian dường như đã đứng yên.

“Đây là những câu chuyện chân thực phá vỡ định nghĩa của chúng ta về một hòn đảo thiên đường”, Dean nói.

Cần nhiều nỗ lực hơn

Khi đến thăm ngôi làng hẻo lánh Ban, bác sĩ Gde Ngurag Indraguna bị sốc với những gì ông nhìn thấy.

“Tôi rất kinh ngạc vì ngôi làng đó quá nghèo, bị cô lập và cằn cỗi. Người dân cũng sinh hoạt thiếu vệ sinh, trẻ em thì mắc bệnh ngoài da. Ở đó có rất nhiều trường hợp còi cọc, gầy và thấp bé”.

Trong khi đó, Ni Wayan, cư dân làng Ban, nói về việc lớn lên ở đó như thế nào.

“Tôi từng sống giữa rừng. Tuổi thơ của tôi rất khắc nghiệt vì thiếu nước sạch”.

Để đến hồ lấy nước, Wayan phải đi bộ 4 lần/ngày qua con đường gập ghềnh và mất khoảng một giờ mỗi lần.

 Khung cảnh xập xệ ở những ngôi làng xa trung tâm du lịch ở Bali. Ảnh: Dean Keddell.

Khung cảnh xập xệ ở những ngôi làng xa trung tâm du lịch ở Bali. Ảnh: Dean Keddell.

Dean hợp tác với David Booth, người sáng lập Dự án Giảm nghèo ở Đông Bali, để giúp đỡ người dân địa phương. Booth lưu ý rằng tỷ lệ tử vong cao của khu vực đã bắt đầu có một số dấu hiệu cải thiện kể từ khi tổ chức từ thiện bắt đầu hỗ trợ.

“Khi chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát vào năm 1999-2000, tỷ lệ tử vong trung bình của trẻ em trước một tuổi là 30%. Trong khoảng 10 năm, không đứa trẻ nào trong số khoảng 300 em bé được sinh ra hàng năm chết, ngoại trừ năm ngoái và 3 năm trước”.

Tuy nhiên, theo Dean, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm.

“Để đảm bảo Bali là thiên đường cho tất cả người dân sống ở đây, chúng ta cần giúp cung cấp nước sạch, thực phẩm, quần áo, chỗ ở, sức khỏe, trao quyền và giáo dục cho hàng nghìn người chưa được tiếp cận”, ông nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-bali-post1359455.html