Góc khuất chuyện nhà ông Triệu Tài Vinh bị 'đào bới' đến nỗi bà Chính khóc, kêu 'Tôi mang tiếng'
Những giọt nước mắt và tiếng kêu than 'Tôi mang tiếng' của bị cáo Triệu Thị Chính tại phiên tòa xét xử gian lận thi cử Hà Giang khi nhắc đến người anh Triệu Tài Vinh đã hé lộ những góc khuất chuyện nhà ông Triệu Tài Vinh.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang ngày 18/10, những góc khuất chuyện nhà ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục được phơi lộ khi bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, em gái ông Triệu Tài Vinh) đứng lên bục khai báo để tự bào chữa cho mình.
Nữ bị cáo Triệu Thị Chính không đồng ý với việc VKSND tỉnh Hà Giang truy tố mình về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự. Nói về nghi vấn có nhận lợi ích vật chất và phi vật chất, trong đó có hứa hẹn tạo thuận lợi trong công việc, bị cáo Triệu Thị Chính nói rằng, bản thân đã hết tuổi cơ cấu và chuẩn bị về hưu, vậy thì ai hứa hẹn tôi về lợi ích phi vật chất như chức vụ.
Bị cáo Triệu Thị Chính nói tiếp "Trong 7 thí sinh thầy Sử nhờ tôi thì tôi phải nhận lợi ích phi vật chất từ ông Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh”.
Nhắc đến ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, bà Triệu Thị Chính khóc nức nở và nói rằng: “Tôi đã mang tiếng là em Triệu Tài Vinh bao năm nay, tôi lên chức Hiệu trưởng trường nội trú rồi Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh có biết đâu. Vậy tôi đề nghị VKS chứng minh tôi nhận lợi ích vật chất và phi vật chất là cái gì?”.
Những giọt nước mắt và tiếng kêu than “Tôi mang tiếng” của cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang tại phiên tòa xét xử gian lận thi cử Hà Giang khi nhắc đến người anh Triệu Tài Vinh đã hé lộ những góc khuất chuyện nhà ông Triệu Tài Vinh.
Trước đó vào năm 2016, khi dư luận rộ lên thông tin một số người họ hàng, anh em với ông Triệu Tài Vinh (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) đang đảm nhiệm các một số chức vụ tại các Sở, ban, ngành, huyện tại tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, một số thông tin khi đó đã liệt kê nhiều người thân Bí thư Triệu Tài Vinh như ông Triệu Tài Phong (em trai ông Vinh) hiện đang là Bí thư huyện ủy Quang Bình, bà Phạm Thị Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh) hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, em trai ruột ông Vinh là ông Triệu Sơn An hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, em rể ông Vinh là ông Mạc Văn Cường đang đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Công an Thành phố Hà Giang, ông Triệu Tài Tân (em ruột ông Vinh) hiện là Phó phòng hành chính Viễn thông Hà Giang, bà Triệu Thị Giang - cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang - cũng là em gái Bí thư tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, ông Triệu Là Pham - Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy và bà Triệu Thị Tình - quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang có quan hệ họ hàng với Bí thư Triệu Tài Vinh...
Những người thân, anh em họ hàng ông Triệu Tài Vinh sau đó phải lên tiếng giải thích sự việc trên. Cụ thể trao đổi với PV Kiến Thức khi đó, ông Triệu Tài Phong nói rằng, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo tại huyện Quang Bình của tôi không có bất cứ tác động gì của anh là Bí thư Triệu Tài Vinh.
“Khi đi học ở nước ngoài về vào năm 2007, tôi nhận được quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động từ Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình. Khi đó, anh Vinh đang là Chủ tịch UBND huyệnHoàng Su Phì nên không thể tác động vào việc đó. Ngay cả, năm 2011, khi tôi lên Chủ tịch UBND huyện là do quyết định, quy trình của tỉnh, vì tôi thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Anh Vinh khi đó còn chưa là Bí thư tỉnh Hà Giang. Năm 2012, Bí thư huyện ủy Nguyễn Văn Tuệ được điều động về làm Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hà Giang có ý kiến đề nghị cơ cấu bầu tôi làm Bí thư huyện ủy. Nhưng khi đó anh Vinh không đồng ý. Đến năm 2014, tổ chức mới cân nhắc đến tôi và có lẽ, sau khi thấy quá trình tôi công tác ở huyện đã nhiều năm, có kinh nghiệm nên anh Vinh mới xem xét, nhất trí đến ý kiến của tổ chức, để cho bầu tôi làm Bí thư huyện ủy”, ông Phong khi đó cho biết.
Chị Triệu Thị Tình khi đó cũng giải thích rằng, việc được bổ nhiệm không liên quan gì đến anh Vinh. “Tôi còn về lãnh đạo trước anh Vinh nhiều. Năm 2008, tôi đã về Phó Chủ tịch phụ nữ tỉnh rồi”, chị Tình cho biết.
Phản ứng trước thông tin lùm xùm cả nhà làm quan khi đó, ông Triệu Tài Vinh thừa nhận một số người được nêu đúng là có quan hệ họ hàng với ông và nói rằng, ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo" và khẳng định, quy trình bổ nhiệm đều tuân thủ quy định của Đảng, Nhà nước.
“Với tất cả những người thân, họ hàng dù không muốn nhưng "tình cảm thua nguyên tắc" nên khi họ được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo như vậy, ông luôn nhắc nhở, quán triệt "phải làm việc hết sức nghiêm túc, không được làm việc sai trái, mang tiếng xấu cho gia đình và cho tôi", ông Vinh khi đó cho biết.
Đồng thời, ông Triệu Tài Vinh khi đó cũng nói rằng: “Nếu mọi người lên Hà Giang sẽ biết năng lực của các cán bộ được bổ nhiệm như thế nào. Những người được bổ nhiệm đều có năng lực và được thực tế chứng minh. Những người được đề bạt đều đúng quy trình, có năng lực nên vấn đề dân chủ vẫn đảm bảo, đúng quy chế ”.
Những thông tin về “cả nhà ông Triệu Tài Vinh” làm quan khi đó đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của những người thân ông Triệu Tài Vinh, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ tỉnh Hà Giang nói chung.
Mới đây, liên quan việc con ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được can thiệp nâng điểm thi trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, kết quả xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm mà Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố cho thấy, bà Triệu Thị Giang, em gái ruột ông Vinh đã phải nhận kỷ luật.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, bà Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư bị kỷ luật khiển trách vì nhờ người khác tác động,cháu ruột được nâng điểm thi, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Do vậy bà Triệu Thị Giang nằm trong danh sách 46 cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, đến mức phải xử lý kỷ luật.
Đáng chú ý, bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, là vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh do chưa đến mức áp dụng hình thức kỷ luật nhưng cũng bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm do đã để "em chồng tác động cho con được nâng điểm thi".
Những thông tin trên đã hé lộ nhiều góc khuất chuyện nhà ông Triệu Tài Vinh. Khi những người thân ông Vinh bị "đào bới" từ sự nghiệp đến đời tư, thậm chí bị kỷ luật.
Mới đây, ông Triệu Tài Vinh nhắc lại chuyện mạng xã hội nói về việc cả gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử và nói rằng: “Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó”.
Ông Triệu Tài Vinh có kinh nghiệm, "biết lựa chọn để xây dựng đề kháng của hệ thống chính trị" nên có thể vượt qua, tuy nhiên người nhà của ông mà cụ thể, nước mắt bà Triệu Thị Chính và tiếng kêu “Tôi mang tiếng” đã phần nào bộc lộ suy nghĩ, tâm tư của những người làm người thân, anh em họ hàng với ông Triệu Tài Vinh trong suốt thời gian qua. Tưởng rằng, một người làm quan cả họ được nhờ, nào ngờ, một người làm quan, cả họ thêm phiền não.