Góc khuất của hoàng đế

Theo sách 'Đại Việt sử ký toàn thư', vua Trần Minh Tông tên thật là Trần Mạnh và các tên khác là Trần Chiếu, Trần Anh, Trần Thánh Sinh. Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), Trần Minh Tông lên ngôi hoàng đế, xưng là Nhân hoàng, quần thần dâng tôn hiệu là 'Thể thiên sùng hóa khâm minh duệ hiếu hoàng đế'. Ông là vị hoàng đế thứ 5 của triều Trần. Ông giữ ngôi đến ngày 15-3-1329, sau đó làm thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.

>> Thái hậu nhân từ
>> Vua Minh Tông dạy con
>> Quân pháp bất vị thân
>> Chuyện về Mạc Ngọc Liễn
>> “Thiên tử hòa giải”

Trần Mạnh là con thứ tư của Trần Anh Tông, được vua cha lập làm thái tử năm 1305. Năm 1314, vua Trần Anh Tông nhường ngôi lên làm thượng hoàng, Trần Mạnh đăng cơ năm 14 tuổi, tức hoàng đế Minh Tông. Đánh giá về ông, trong sách “Việt giám thông khảo tổng luận” của sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung có viết: “Minh Tông tính trời khiêm hòa, nhận ngôi của Anh Tông nhượng cho, để tâm vào thú hàn mặc, sính bút ở tập Thủy vân, có thơ khuyên người hiền, có bài răn uống rượu, dường như cũng đáng khen”. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi lại một số lời bình của các sử gia triều Hậu Lê như sau: Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả.

Minh họa: S.H

Sử thần Ngô Thì Sĩ trong sách “Việt sử tiêu án” đã viết rằng: Vua biết sửa sang chính trị, tiến đến văn minh, làm sáng tỏ công nghiệp của tiền nhân; có lòng trung hậu, mở đường lối cho con cháu theo; duy chỉ tiếc rằng không xét rõ sự gian của Khắc Chung đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đó là kém sáng suốt”. Còn sách “Đại Việt sử ký tiền biên” thì bình rằng: Vua lấy văn minh sửa sang chính trị, làm rạng rỡ công lao người trước, giữ lòng trung hậu, để điều yêu kính cho con cháu noi theo, giữ yên bên trong, vỗ về bên ngoài, kỷ cương đủ đầy...

Tuy nhiên, sử cũ cũng lưu lại những đánh giá về mặt hạn chế của ông. Trong sách “Việt giám thông khảo tổng luận” của sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung có viết: “Minh Tông tính trời khiêm hòa... Song quan chế có phần nhũng tạp, hình phạt nhiều việc oan uổng; nhẹ dạ tin Khắc Chung là kẻ gian, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, há chẳng phải là vết xấu của người thông minh ư?”.

Không những có lòng nhân hậu, Trần Minh Tông còn là vị vua biết tôn trọng và trọng dụng nhân tài nên có nhiều hiền thần kiệt xuất dưới trướng, đó là Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An... tất cả đều là những người có tài kinh bang tế thế. Đến đời Trần Minh Tông, sử quan đã kịp ghi lại một đoạn đối thoại khá thú vị, qua đó hậu thế khả dĩ nắm được phần nào con người tinh thần của ông vua mà Phan Phu Tiên từng cho rằng “có tư chất nhân hậu”.

Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến tuổi già mà vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Nghe vậy thì nhà vua trả lời rằng: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa?”. Và đây quả là một cách nghĩ không thể “hiện đại” hơn được nữa! Sau đó, nhà vua lại nói tiếp: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay”.

Lời bàn:

Như vậy, với những lời nhận xét của các sử gia đương thời cũng như hậu thế, chúng ta hiểu rõ hơn về con người của Trần Minh Tông với cương vị là một hoàng đế. Song chính nội dung của đoạn đối thoại ở giai thoại này thì hậu thế mới hiểu được trong sự hình dung của vua Trần Minh Tông, “cảnh đời thái bình” - một xã hội không chiến tranh, có trật tự, kỷ cương - không phải là một xã hội mà mọi thứ đều trong khuôn phép, đều được “mã hóa” nhất nhất theo một nguyên tắc có sẵn. “Cảnh đời thái bình” chỉ thực sự là cảnh đời thái bình khi trong đó tồn tại những mảnh vụn bị văng ra và không chịu lực hút của quỹ đạo hướng tâm và tất nhiên, với điều kiện là những mảnh vụn ấy không trở thành những thế lực phản đối.

Và những kẻ du thủ du thực nói trên, trong cách nghĩ của Trần Minh Tông, chính là những “vật trang sức” cho chế độ, vì: Nó cho thấy sự bao dung của nhà cầm quyền trong việc chấp nhận sự tồn tại của cái ngoài khuôn khổ, nó chứng minh khả năng chung sống của cái chính thống với cái dị kỷ. Theo quan điểm và cách nghĩ của vua Trần Minh Tông, thì đây mới thực là điều quan trọng: “Cảnh đời thái bình” phải được bị điều kiện hóa bởi những “lỗ thông hơi” cho phép con người sống trong đó có thể đôi lúc hô hấp bằng những luồng không khí khác. Như vậy, xem ra quan điểm và cách nghĩ của Trần Minh Tông hoàng đế cũng không khác mấy với cách nghĩ của con người sống trong các xã hội dân chủ hiện đại, dù ông là người của hơn 600 năm trước!

N.D

>> Lời trăng trối
>> Danh vọng lừng lẫy
>> Ông vua tàn bạo
>> Chuyện về Lê Uy Mục
>> Lấy đức dẹp loạn

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/goc-khuat-cua-hoang-de-191510