Góc khuất đời sống thể thao. Bài cuối: Những giấc mơ dang dở
Với nhiều vận động viên, ước mơ có ngày được bước lên đỉnh vinh quang sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực vì chấn thương và những rủi ro gặp phải khi tập luyện, thi đấu.
>> Góc khuất đời sống thể thao. Bài 3: Gánh nặng mưu sinh
>>> Góc khuất đời sống thể thao. Bài 2: Hy sinh tuổi thanh xuân
>>> Góc khuất đời sống thể thao. Bài 1: Thèm khát hơi ấm gia đình
Là vận động viên (VĐV) thể thao chuyên nghiệp, ai cũng nỗ lực tập luyện, thi đấu và ước mơ có ngày được bước lên đỉnh vinh quang. Nhưng với không ít VĐV, giấc mơ của họ sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
"Cháu tôi nó xấu số"
Đã 2 năm rưỡi, tôi mới có dịp trở lại gia đình em Phạm Gia Phái (sinh năm 2002) ở thôn Dôi Hống, xã Lê Lợi (Gia Lộc). Phái là VĐV môn đua thuyền canoeing thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh. Năm 2017, trong quá trình tập luyện, em không may bị đuối nước.
Cụ Đoàn Thị Vòng (78 tuổi, bà nội của Phái) rơm rớm nước mắt khi kể về đứa cháu nội xấu số, thiệt phận. Cụ bảo Phái ra đi khi tuổi còn quá trẻ và mang theo nhiều hoài bão, ước mơ. Em ngoan ngoãn, lễ phép và sống gần gũi, tình cảm, được mọi người quý mến. Ngày Phái có thông báo được tuyển lên Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh, bố mẹ ngăn cản nhưng riêng bà nội lại ủng hộ vì muốn cháu được ra ngoài mở mang tầm mắt và có cơ hội phát triển năng khiếu. "Em nó thích thể thao lắm. Cuối tuần nào về thăm tôi, nó cũng chỉ kể chuyện tập luyện trên trung tâm như thế nào. Nó mơ ước trở thành VĐV đua thuyền quốc gia, lại còn hứa sau này có thu nhập sẽ mua nhiều quần áo và quà cho bà. Vậy mà cháu tôi nó xấu số, thiệt phận", cụ Vòng xúc động kể.
Nhắc đến con trai, anh Phạm Gia Phong (bố của Phái) cho biết từng muốn con theo đường học hành như chúng bạn, sau này tìm kiếm công việc thích hợp. Nhưng khi thấy Phái quá đam mê thể thao nên đành chấp nhận. "Cũng mong cháu phát triển và thành công với con đường đã chọn. Có thể ước mơ trở thành VĐV đội tuyển quốc gia không thành hiện thực nhưng chí ít cháu cũng được đi theo cái nghề phù hợp với năng khiếu. Nhưng bây giờ mọi thứ chỉ còn là niềm tiếc thương", anh Phong trải lòng.
Từ giã sự nghiệp vì chấn thương
Đối với các VĐV thể thao chuyên nghiệp, chấn thương được ví như kẻ thù của họ. Với những chấn thương có thể phục hồi, VĐV vẫn còn cơ hội để phát triển sự nghiệp. Song, cũng có những VĐV tài năng, triển vọng đã phải chia tay sự nghiệp, từ bỏ ước mơ vì chấn thương quá nặng.
Anh Nguyễn Hữu Tân (sinh năm 1998, ở xã Hưng Thái, Ninh Giang) có năng khiếu đá bóng và từ nhỏ đã ước mơ sau này lớn lên sẽ được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Năm 2008, Tân cùng với lứa cầu thủ Hoàng Đức, Đức Chiến (hiện đang chơi cho Câu lạc bộ Bóng đá Viettel tại V-League) được tuyển vào đội bóng đá nhi đồng của tỉnh và cùng đội U11, U13 Hải Dương gặt hái được rất nhiều thành công ở giải vô địch quốc gia. Sở hữu lối đá kỹ thuật, tư duy chơi bóng thông minh, anh Tân được Trung tâm Thể thao Viettel tuyển dụng. Trong môi trường chuyên nghiệp, cầu thủ này càng phát huy tố chất và được đánh giá là một tiền vệ cánh trái có nhiều triển vọng. Tiếc rằng, vào năm 2014, anh bị đứt dây chằng đầu gối trái và phải từ bỏ giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. "Lúc đó tôi thực sự sốc. Mọi người trong gia đình tôi ai cũng buồn, thất vọng. Sự thật như vậy, tôi đành phải chấp nhận".
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá U11 Gia Bảo Hải Dương Trần Hữu Hùng cho biết ngoài trường hợp của Tân, còn có Vũ Văn Công (sinh năm 2001) cũng là một tài năng bóng đá của Hải Dương song đã phải từ bỏ sự nghiệp vì chấn thương. "Thật tiếc cho tài năng của các em. Nếu không bị chấn thương có thể bây giờ các em đang khoác áo đội tuyển quốc gia", anh Hùng nói.
Vào năm 2015, tay chèo Nguyễn Công Minh (đội tuyển đua thuyền rowing tỉnh) đã phải chia tay sự nghiệp sau 4 năm gắn bó. Anh phát hiện bị bệnh nhịp tim không đều và buộc phải giải nghệ. Các huấn luyện viên tỏ ra rất tiếc nuối khi không nhiều VĐV có thể hình đẹp và phù hợp với môn đua thuyền như anh Minh (cao 1m 80, nặng 75 kg). Bản thân anh cũng tiếc nuối khi không thể tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành VĐV đua thuyền quốc gia để được đi khắp nơi thi đấu.
Có những VĐV đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ nhưng cũng bị chấn thương cướp mất sự nghiệp. Anh Phạm Văn Cường (sinh năm 1991, quê ở huyện Thanh Hà) đã được gọi vào đội tuyển cử tạ quốc gia sau khi một mình giành 3 huy chương vàng tại Giải vô địch cử tạ trẻ quốc gia năm 2007. 3 năm sau, anh Cường giành 3 huy chương vàng cho đội tuyển cử tạ tỉnh tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VI. Sự nghiệp đang lên thì anh không may mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Mặc dù đã sang cả nước ngoài chữa nhưng bệnh không khỏi. "Tôi buộc phải giải nghệ vào năm 2013. Thật buồn khi giấc mơ chinh phục những thành tích thuộc các giải đấu tầm cỡ châu lục của tôi không thể thành hiện thực", anh Cường buồn rầu nói.