Góc khuất hôn nhân và những sự đổ vỡ gắn liền với 'nhà tắm': Đôi khi chuyện tưởng như nhỏ xíu lại là điều mấu chốt phá tan tổ ấm

Trong một cuộc hôn nhân tồi tệ, người vợ luôn trốn trong phòng tắm để khóc thầm. Nếu hôn nhân hạnh phúc, ngay cả phòng tắm cũng tràn ngập những tiếng nói cười và hình ảnh ấm áp.

Nhiều người cho rằng, các cuộc ly hôn phải bắt nguồn từ mâu thuẫn lớn hay chí ít cũng đến từ việc vợ hoặc chồng ngoại tình, họ hết yêu nhau, tình cảm đã cạn.

Thực tế có hàng tá những vụ gia đình tan vỡ mà khi đọc qua chẳng thể tin nổi. Nhiều người còn ồ lên kinh ngạc rằng: ‘Có thế thôi sao?”, “Không còn gì nữa hả?”, “Ly hôn dễ dàng như vậy ư?”.

Trong cuộc sống, đó đâu phải là điều gì quá khó tin khi bất cứ một vấn đề nào cũng dễ dàng mang đến bức xúc dồn nén.

Có những xung đột xảy ra chỉ vì căn phòng tắm

Hôm nay, cô đồng nghiệp ở công ty gọi điện đến cho tôi nói rằng chồng cô ấy bỏ nhà đi 3 ngày rồi. Nguyên nhân đến từ việc cô ấy luôn quên cất chiếc khăn tắm đã lau vào giỏ đựng đồ giặt. Bởi vậy, chồng cô sau khi tắm xong, lấy khăn để dùng thì mới phát hiện khăn đã ướt, chẳng thể dùng được nữa.

Cô ấy than thở thêm rằng, chồng lúc nào cũng để ý đến chi tiết nhỏ nhoi đó và dằn vặt vợ với đủ loại từ ngữ. Cô cãi lại và rồi, hai vợ chồng bùng nổ lên một cuộc cãi vã to lớn. Chồng cô kết thúc bằng cách đập cửa, bỏ đi 3 ngày.

Đúng là nghiêm trọng thực sự! Chẳng nhẽ chỉ vì lý do trong chuyện tắm giặt đó thôi mà hai vợ chồng dẫn đến một sự bất đồng được sao.

Trên Internet vẫn luôn lan truyền một câu thế này: “Sân bay chứng kiến nhiều nụ hôn chân thành hơn hội trường đám cưới. Các bức tường bệnh viện chứng kiến nhiều lời cầu nguyện hơn cả nhà thờ”.

Cảm xúc con người là vậy, nó thật sự được bộc lộ trong nhiều chi tiết nhỏ chứ chẳng câu nệ về mặt hình thức. Bởi thế, sau nhiều năm hôn nhân, tôi ngẫm ra rằng, để xem một cặp vợ chồng có hạnh phúc hay không , gia đình có hòa thuận hay không thì thay nhìn vào phòng khách, phòng ngủ hay nhà bếp thì tốt nhất hãy xem nhà tắm trước.

Phòng tắm là một phần không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà nhưng kỳ lạ thay, nó thật dễ bị bỏ qua. Ở nơi khiêm tốn ấy, sự thật của bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng không thể che giấu nổi.

Chuyện trong phòng tắm chưa bao giờ là nhỏ

Tôi đã từng đọc một mẩu tin tức trên mạng rằng, đôi vợ chồng trẻ đã ly hôn sau khi kết hôn chưa được 1 năm. Lý do bởi người vợ chẳng bao giờ nhớ đậy nắp bồn cầu sau khi đi vệ sinh cả.

Vào thời điểm ấy, có hàng nghìn bình luận cho rằng đó là nguyên nhân quá sức “lông gà vỏ tỏi”. Có lẽ, người chồng có mối quan hệ bên ngoài rồi nên mới đưa ra lý do vô lý thế để ly hôn. Nhưng nếu đặt ra trong cuộc sống của mỗi người, bạn sẽ thấy rằng những thứ nhỏ xíu như vừng, hạt đậu xanh hay vài muỗng bột giặt cũng có sức mạnh công phá một cuộc hôn nhân.

Tuần trước, một đàn em khác trong công ty khi ngồi cà phê chiều đã chán nản than vãn. Cô ấy nói rằng không rõ cuộc hôn nhân của mình sẽ kéo dài bao lâu.

Tôi rất ngạc nhiên vì cô ấy yêu 5 năm và vừa kết hôn được 8 tháng. Cả hai vợ chồng đều công việc ổn, lương cao, người thành phố và có đến mấy căn nhà cho thuê. Tại sao cô ấy lại bi quan đến thế?

Hóa ra, khi yêu họ vẫn tốt đẹp nhưng sau khi kết hôn, cô ấy hoảng hốt về thói quen vệ sinh phát khiếp của chồng. Đúng là cưới về, sống chung mới biết được những gì ẩn đằng sau đó.

Khi tắm, chồng cô luôn cởi đồ, vứt toẹt lên sàn nhà rồi tắm, chẳng hề cho vào giỏ đồ bẩn chờ giặt. Anh ta cũng không dọn dẹp bao giờ, sau khi tắm xong, nhà tắm bừa bộn y như vừa trải qua cuộc chiến bởi quần áo nửa khô nửa ướt, lọ sữa tắm dầu gội bày la liệt.

Đồ lót bị chất trong bồn rửa mặt, góc nhà tắm là bồn cầu vệ sinh cũng có áo của anh ta. Thậm chí, anh chồng này từng vứt tất bẩn lên kệ đựng mĩ phẩm trong phòng tắm của cô vợ.

Chưa bao giờ anh chàng này đậy nắp lọ kem đánh răng hay sữa rửa mặt, dầu gội khi dùng xong. Thật tệ hại!

Cô gái từng nói chuyện với chồng nhưng đáp lại là lời thờ ơ, gắt gỏng: “Đó đâu phải vấn đề lớn mà em bận tâm đến thế”.

Lâu ngày, cô thấy anh chàng là người vừa ở bẩn vừa cố chấp, không biết thương vợ vì mỗi lần bừa bộn cô đều phải dọn dẹp. Kết lại, cô cảm thấy rằng, cuộc hôn nhân này thật sự có vấn đề và tự vấn lương tâm tại sao ban đầu đồng ý cưới một người có khiếm khuyết ngay từ những chuyện cơ bản như thế.

Cuộc chiến trong nhà tắm mang đến các tổn thương

Có một câu chuyện thế này, một cô gái sinh ra trong gia đình có bố và mẹ ly hôn nhau. Nguyên nhân chia tay của bố mẹ cô xuất phát từ căn phòng tắm có cả bồn vệ sinh trong đó.

Vào mùa đông, bệ vệ sinh được mẹ cô bọc một lớp áo nhung để ngồi xuống ấm áp hơn. Mỗi lần đi vệ sinh xong xuôi, cô sẽ dựng bệ lên để bố cô sử dụng sau đó đỡ phiền phức. Nhưng mẹ cô luôn quên điều ấy. Bà không nhớ chuyện đó đến cả chục lần, bố cô cau mày nhắc nhở.

Đến một hôm, bố cô vào nhà vệ sinh và thấy bệ bồn cầu chưa được dựng lên. Ông đi tiểu tiện luôn, ướt sũng cái bệ với lớp áo nhung đó và khiến nó bốc mùi vô cùng.

Xong xuôi, bố cô ra ngoài nói thẳng vào mặt mẹ: “Tôi cố tình như thế để mẹ con bà 'sáng mắt ra'. Cả cái nhà này mỗi chuyện cỏn con như vậy mà không nhớ”.

Mẹ cô uất ức và cho rằng chồng không tôn trọng công sức mình tìm mua, mặc cả tấm đệm nhung để được giá rẻ rồi mang về tô điểm cho căn phòng tắm. Chồng tệ đến mức thà dùng cách thức cực đoan "dằn mặt" vợ con. Lâu ngày, họ chẳng chịu nổi nhau và quyết định ly hôn.

Sau này cô có bạn trai và đến nhà anh ta chơi. Lúc nào cũng vậy, kể cả vào nhà tắm trang điểm lại hay làm gì đó, cô đều liếc nhìn và lao đến bồn cầu, nâng nắp bồn cầu lên.

Bạn trai thấy vậy và hỏi lý do. Cô kể lại câu chuyện gia đình.

Người bạn trai bảo: “Em không cần như vậy đâu, ở nhà anh, bố và anh dùng xong đều đặt nắp bồn cầu có đệm xuống để mẹ dùng cho thoải mái.

Cô lắng nghe rồi bật khóc. Nếu lúc trước bố mẹ cô hiểu được như vậy thì gia đình đâu đến mức ly tán.

Có thể trong chúng ta đều có những thói quen của riêng mình nhưng nếu chấp nhận bước vào hôn nhân thì nên biết cách nghĩ cho nhau. Hai người cần hài hòa hơn, thấu hiểu nhau hơn và đừng vội vàng, ích kỷ quá mức sẽ dễ khiến mái ấm tan vỡ.

Đôi khi, chỉ là hành động đậy nắp bồn cầu, nâng nắp bồn cầu thôi cũng đủ chứng tỏ sự chăm sóc của những người trong gia đình dành cho nhau.

Phòng tắm, bồn cầu và những chi tiết nhỏ "đánh giá" hạnh phúc hôn nhân

Để đánh giá nhiệt độ của một cuộc hôn nhân, người ta nói rằng đừng nhìn vào những thứ phô diễn bên ngoài. Đừng cho rằng người vợ xinh đẹp, người chồng lắm tiền thì hôn nhân sẽ hạnh phúc.

Hãy xem họ có vui vẻ không, có thoải mái không ngay trong những điều cơ bản nhất của thường nhật để đánh giá chất lượng sống của họ.

Tôi nhớ câu chuyện gia đình mình cách đây hàng chục năm, mẹ bị bỏng khi nấu ăn và cả bàn tay bị sưng lên. Bố đã làm hết việc nhà bao gồm cả chuyện gội đầu hay tắm cho mẹ ngay khi nhận thấy vấn đề vợ gặp phải.

Suốt 1 tháng ròng đó, tôi thấy hai ngày một lần, bố cầm một cái chậu nhỏ trong phòng tắm, cẩn thận đổ đầy nước ấm và đặt lên chiếc ghế đẩu. Ông nhẹ nhàng gội đầu cho mẹ. Thi thoảng mẹ mỉm cười trách bố vụng về. Bố lại cười to. Khung cảnh gia đình ấm áp diễn ra trong phòng tắm đó, chẳng bao giờ tôi quên được.

Trong một cuộc hôn nhân tồi tệ , người vợ luôn trốn trong phòng tắm để khóc thầm. Nếu hôn nhân hạnh phúc, ngay cả phòng tắm cũng tràn ngập nhưng tiếng nói cười và hình ảnh ấm áp.

Bởi vậy, đừng coi thường căn phòng tắm trong nhà. Đôi khi, nó góp công rất lớn trong việc xác minh xem một gia đình có hạnh phúc hay không đấy!

Theo Afamily/Helino

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/goc-khuat-hon-nhan-va-nhung-su-do-vo-gan-lien-voi-nha-tam-doi-khi-chuyen-tuong-nhu-nho-xiu-lai-la-dieu-mau-chot-pha-tan-to-am-20191208105713915.htm