Góc khuất nghề tiếp viên hàng không Mỹ
Tiếp viên hàng không vốn là công việc mơ ước của nhiều người, song khi môi trường làm việc ngày càng áp lực, không ít người cho biết họ kiệt sức, mệt mỏi đến mức muốn nghỉ việc.
Ngành hàng không bị đảo lộn
Ảnh minh họa hành khách gây rối trên máy bay. Nguồn: CNN.
Khi Essence Griffin bắt đầu công việc làm tiếp viên hàng không vào năm 2022, cô không giấu được niềm vui và hạnh phúc. Ở độ tuổi đầu 20, Essence Griffin khao khát được đi khắp nơi, khám phá thế giới.
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm làm công việc này, Griffin quyết định phải chuyển việc vì quá áp lực. "Tôi quá mệt mỏi và kiệt sức", cô chia sẻ.
Griffin không phải là trường hợp duy nhất. Tiếp viên hàng không là công việc đáng mơ ước. Chỉ có điều, trong bối cảnh hậu đại dịch, bức tranh hàng không Mỹ và nhiều nước phương Tây xám xịt vì hàng loạt cú sốc do các hãng bay không bắt kịp tốc độ hồi phục với nhu cầu đi lại.
Khối lượng công việc nhiều lên gấp bội, trong khi việc giải quyết không phải là chuyện đơn giản.
Tình trạng chậm chuyến, mất mát hành lý, đôi khi còn xảy ra sự cố khách ở một địa điểm, hành lý lại được chuyển nhầm tới địa điểm khác; thiếu nhân viên, hành khách nổi giận, khiến công việc của nhân viên hãng bay trở thành nỗi ám ảnh.
Rich Henderson, một tiếp viên hàng không Mỹ kinh nghiệm 10 năm cho biết, đại dịch làm đảo lộn mọi thứ. Đến nay tình hình vẫn chưa hồi phục trong khi những sự cố liên quan tới hành khách vẫn tiếp diễn một cách đáng ngại.
Henderson nhớ lại một ngày sau khi cô xử lý xong vấn đề với một hành khách gây rối thì cũng là lúc giờ làm việc ngày hôm đó kéo dài tới 17 giờ 1 phút. "Tôi đã bị một hành khách ném cốc vào người, mắng tôi vô dụng và làm việc không ra gì", Henderson kể.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), tần suất và mức độ nghiêm trọng trong các trường hợp hành khách cư xử thô lỗ đang ngày càng tăng. Vấn đề thường gặp nhất với những hành khách gây rối là bất tuân quy định khi đi máy bay.
Mong được hành khách chia sẻ
Tiếp viên hàng không không chỉ phục vụ mà còn có trách nhiệm vì sự an toàn của hành khách.
Khi đại dịch qua đi, khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc, nhiều hành khách bắt đầu hút thuốc, không tuân thủ quy định thắt đai an toàn, uống rượu mang theo…
"Hậu quả thực sự của những áp lực khiến tiếp viên mất tinh thần", tiếp viên hàng không người Mỹ Nastassja Lewis chia sẻ.
Từ khó khăn của mình, Lewis đã sáng lập tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tinh thần của tiếp viên hàng không, nhằm hỗ trợ và tư vấn cho các tiếp viên gặp vấn đề. "Bản thân tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm xử lý tình trạng kiệt sức đến mức suy sụp và chỉ biết khóc", cô nói.
Lewis và nhóm của cô nhận thấy trong các thông điệp chia sẻ từ tiếp viên hàng không, rất nhiều chủ đề phàn nàn lặp đi lặp lại như: "thời gian nghỉ ngơi ngắn hơn, bất ổn, ngành hàng không dễ bị tác động trước các yếu tố bên ngoài". Bên đó, cụm từ "hành khách gây rối" cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Để cải thiện sức khỏe và tinh thần cho tiếp viên hàng không, gần đây, Liên đoàn Tiếp viên hàng không American Airlines đã bỏ phiếu đồng ý đình công, đề nghị giới chủ ngành hàng không phải có cải thiện.
Lewis chia sẻ, cô mong muốn hành khách đồng cảm và điều chỉnh hành vi của mình khi đi máy bay: "Với nhiều người, tất cả những gì họ nghĩ chúng tôi chỉ có việc phục vụ họ một lon Coke, giúp họ xách hành lý nhưng họ không biết chúng tôi phải chịu trách nhiệm đến mức nào. Nhưng thực sự chúng tôi làm việc rất, rất nhiều giờ trong những môi trường không thể đoán trước".
Juliana Oliveira, nữ tiếp viên hàng không Hà Lan cho biết, những vấn đề kể trên không chỉ xảy ra riêng với Mỹ: "Có nhiều ngày, chúng tôi phải làm việc từ 12-15 tiếng, đối mặt với nhiều thứ, từ chậm chuyến, hành khách gây rối và đủ vấn đề khác. Chúng tôi rất mệt mỏi".
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) quy định, tiếp viên hàng không không được phép làm quá 14 giờ nhưng thực tế, nhiều tiếp viên bất đắc dĩ phải làm việc quá giờ.
Oliveira cho biết tiếp viên hàng không tại châu Âu cũng có giới hạn giờ làm việc tương tự Mỹ, song nhiều người có thể phải bay nhiều hơn 14 giờ trong điều kiện đặc biệt. Trong khi, họ không được trả thêm tiền cho thời gian quá giờ đó.
"Chậm chuyến, hủy chuyến không phải do lỗi tiếp viên, song dường như tất cả mọi thứ hành khách đều trút lên đầu chúng tôi", cô ngán ngẩm.
Susannah Carr (31 tuổi) gia nhập ngành tiếp viên hàng không từ năm 2015. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, cô nghỉ việc và trở lại bầu trời vào năm 2021. Song, cô thừa nhận cảm thấy lo lắng khi đi làm bởi chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị hành khách đối xử tệ hại.
Chẳng hạn, đầu năm 2021, một hành khách trên chuyến bay của hãng Southwest Airlines đã hành hung một tiếp viên hàng không, làm gãy 2 chiếc răng của cô gái. Tháng 10 cùng năm, một người đàn ông đấm gãy xương mặt của tiếp viên hàng không trên chuyến bay hãng American Airlines.
Không chỉ nguy hiểm, tiếp viên hàng không cũng không hề có mức lương đáng mơ ước như nhiều người thường nghĩ.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức lương trung bình của tiếp viên hàng không vào giữa năm 2021 là 61.640 USD/năm. Trong khi nhóm 10% người có lương thấp nhất kiếm được ít hơn 37.020 USD/năm, nhóm 10% người có lương cao nhất thu về hơn 81.400 USD/năm.