Góc khuất sau ngành giao hàng bùng nổ ở Trung Quốc

Khi bộ phim Upstream gây 'bão', người ta một lần nữa chú ý đến cuộc sống mưu sinh vất vả của các shipper trong ngành giao hàng ở quốc gia tỷ dân.

 Bộ phim Upstream thu hút sự quan tâm thời gian gần đây, đặc biệt với câu chuyện chân thực về nghề shipper tại Trung Quốc. Ảnh: NSX.

Bộ phim Upstream thu hút sự quan tâm thời gian gần đây, đặc biệt với câu chuyện chân thực về nghề shipper tại Trung Quốc. Ảnh: NSX.

Upstream (Ngược dòng cuộc đời) kể về một kỹ sư IT bị sa thải ở tuổi trung niên, phải làm shipper để nuôi gia đình. Lồng ghép trong đó là những khó khăn của tầng lớp lao động yếu thế ở Trung Quốc, đặc biệt là cuộc sống mưu sinh vất vả của các shipper.

Thực tế, chỉ cần một chiếc xe và điện thoại thông minh, hầu như ai cũng có thể trở thành shipper. Tại Trung Quốc, họ được gọi thân mật là "kuaidi xiaoge".

Là mắt xích quan trọng trong cuộc sống hiện đại, nhưng để nuôi sống bản thân và gia đình, các "kuaidi" phải chạy xe 12-16 tiếng mỗi ngày bất chấp điều kiện thời tiết, và đôi khi đối mặt với nguy hiểm để giao hàng đúng giờ.

Xuôi ngược mưu sinh

"Với mỗi bưu kiện giao được, tôi chỉ kiếm được 5 NDT (hơn 17.000 đồng - PV). Để đạt thu nhập đủ sống, tôi phải giao hơn 120 kiện mỗi ngày từ 7h30 đến 21h. Công việc này không cho phép tôi nghỉ ngơi, ngoại trừ Tết Nguyên đán", Li Xaoliang, một shipper 30 tuổi ở Thượng Hải, từng tiết lộ với Nikkei Asia vào năm 2021.

Qua các năm, thu nhập của các "kuaidi xiaoge" cũng không khấm khá hơn. Xu Jianguo, một shipper kỳ cựu, ngán ngẩm nói: "Tôi làm cả ngày nhưng chỉ kiếm được khoảng 7.000 NDT/tháng (24 triệu đồng - PV), thậm chí ít hơn. Nghề này không như mọi người nghĩ, nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ cân nhắc bỏ nghề".

Theo PGS Jenny Chan, Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc), các shipper phải làm việc liên tục nhiều giờ và đang bị chèn ép. "Họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với áp lực bởi các nền tảng giao hàng trực tuyến đang giữ cước phí thấp để giữ chân khách hàng", bà cho biết.

Thậm chí, áp lực công việc còn khiến sức khỏe của nhiều người giao hàng suy giảm và dẫn đến các vụ việc đau lòng. Vào tháng 8/2024, một shipper ngất xỉu trên đường và được chẩn đoán nhồi máu não do làm việc quá sức.

 Shipper đột quỵ khi đang ngủ gục trên xe. Ảnh: SCMP.

Shipper đột quỵ khi đang ngủ gục trên xe. Ảnh: SCMP.

Theo thống kê từ iiMedia Research, thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 2,3 lần so với năm 2020, và được kỳ vọng chạm mốc 280 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, tăng trưởng không đồng nghĩa với lợi ích cho tất cả. Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn chững lại, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu. Điều này vô tình khiến shipper - những người trực tiếp vận hành hệ thống - chịu nhiều tổn thất.

PGS Jenny Chan cho rằng các shipper đang làm việc nhiều giờ dưới áp lực nặng nề vì các nền tảng giao hàng duy trì chi phí thấp, chuyển gánh nặng lên vai tài xế.

Việc khách hàng hạn chế chi tiêu khiến tiền tip cũng trở nên hiếm hoi hơn. Vì vậy, các shipper phải tăng giờ làm để duy trì mức thu nhập.

Theo Trung tâm Nghiên cứu việc làm mới Trung Quốc, mỗi shipper trung bình kiếm được hơn 6.800 NDT (khoảng 23,5 triệu đồng) mỗi tháng trong năm 2023, giảm hơn 1.000 NDT so với các năm trước, dù khối lượng công việc và thời gian lao động ngày càng tăng.

Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề đều xuất phát từ nền kinh tế hay sức mua của người tiêu dùng.

Theo China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ tại Hong Kong, nhiều ứng dụng giao hàng từng đưa ra mức lương hấp dẫn để nhanh chóng thu hút lao động và mở rộng thị phần. Nhưng khi đạt đến sự thống trị, các nền tảng này sẽ giảm lương thưởng, chuyển gánh nặng chi phí sang chính các tài xế giao hàng.

"Các nền tảng giao hàng từng chi mạnh tay để loại bỏ đối thủ, nhưng giờ đây họ đang cắt giảm quyền lợi của tài xế để tối ưu hóa lợi nhuận", PGS Jenny Chan đánh giá.

Một shipper họ Yang, 35 tuổi, chia sẻ: "Nghề này không còn tốt như trước, nhưng tôi vẫn bám trụ vì tính linh hoạt. Nếu muốn kiếm nhiều tiền, bạn phải làm việc nhiều giờ hơn. Ngược lại, nếu muốn nghỉ ngơi thì phải chấp nhận thu nhập giảm".

Thêm áp lực mới

Tháng 4/2024, chính phủ Trung Quốc đưa ra loạt quy định mới nhằm tiêu chuẩn hóa ngành giao hàng. Các shipper buộc phải giao hàng đúng giờ, cung cấp thông tin định danh khách hàng, đồng thời tuân theo mức giá trần do nhà nước quy định.

Luật mới cũng nêu rõ người mua được phép yêu cầu bồi thường nếu hàng hóa bị mất mát, chậm trễ hoặc bị bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nếu vi phạm, shipper phải chịu mức phạt 3-15 lần giá trị đơn hàng.

Thay vì giúp ngành phát triển bền vững, luật mới đang tạo áp lực khổng lồ lên những người lao động. Họ phải từ bỏ thói quen giao nhiều đơn cùng lúc để hạn chế nguy cơ đóng phạt.

Những thay đổi này khiến thu nhập của shipper giảm mạnh, có người chỉ kiếm được 4 NDT (14.000 đồng) cho một đơn hàng phải di chuyển 7 km.

 Các shipper ở Trung Quốc đang đối diện với áp lực từ quy định mới. Ảnh: VCG.

Các shipper ở Trung Quốc đang đối diện với áp lực từ quy định mới. Ảnh: VCG.

Nhiều đơn vị giao vận cũng gặp khó vì không tìm được nhân viên chấp nhận các quy định mới.

Trong bối cảnh việc đạt chỉ tiêu để lấy thưởng ngày càng khó khăn, tiền phạt ngày càng lớn, nhu cầu mua sắm TMĐT nhiều lên khiến áp lực tăng cao, rất nhiều shipper đã quyết định tắt ứng dụng, bỏ nghề để chuyển sang hướng khác. Bình quân cứ 5 shipper thì 2 người đã quyết định nghỉ việc, theo SCMP.

Nhiều shipper thừa nhận mỗi ngày làm việc của họ chẳng khác nào một "cuộc đua vượt chướng ngại vật". Để giao hàng đúng giờ với nụ cười trên môi, họ phải đánh đổi cả sức khỏe, thời gian và cả cơ hội nghỉ ngơi.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/goc-khuat-sau-nganh-giao-hang-bung-no-o-trung-quoc-post1524378.html