Góc khuất trong đời sống của một cựu Bộ trưởng
Ngày 26-11, ông Nicolas Hulot, cựu Bộ trưởng Bộ Sinh thái Pháp kiêm MC nổi tiếng, đang bị bốn người phụ nữ tố xâm hại tình dục ngay trên chương trình truyền hình Special Envoy.
Những lời cáo buộc này được đưa ra 4 năm sau khi cô Pascale Mitterrand, cháu gái cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, khẳng định ông Nicolas từng xâm hại cô khi cô mới 17 tuổi. 2 ngày trước khi chương trình Special Envoy phát sóng, Nicolas Hulot đã đáp trả những cáo buộc bằng cách phê phán hệ thống pháp lý đất nước, chế nhạo rằng TV đã có thể đưa ra phán quyết pháp luật và ông đang bị làm nhục công khai. Ông cũng đưa ra quyết định từ chức lãnh đạo Quỹ “Thiên nhiên và con người” do mình sáng lập để “bảo vệ đứa con tinh thần khỏi bất công”.
Nicolas Hulot là ai?
Nicolas Hulot sinh ngày 30-4-1955 tại Lille, Pháp và là con út trong một gia đình nghèo. Mẹ của ông là bà Mezan de Malartic, hậu duệ của một dòng tộc giàu có nhờ thi công những công trình thủy điện đầu tiên của nước Pháp, tuy nhiên gia đình Malartic đã phá sản khi bà Mezan còn nhỏ tuổi. Ở tuổi trưởng thành, bà đã cãi lời cha mẹ và kết hôn với ông Phillppe Hulot, một thợ làm bánh nghèo khó nhưng tốt bụng. Cho dù hai vợ chồng không lấy gì làm khá giả, bà Mezan vẫn quyết tâm cho cả ba con theo học trường trung học phổ thông danh tiếng Saint - Jean de Passy.
Vào đầu thập nên 1970, ông Philippe mở cửa hàng bán cây cảnh đầu tiên ở thành phố Nice nhưng do liên tục kinh doanh thua lỗ, ông bị gia đình vợ khinh thường ra mặt. Gánh nặng kinh tế cùng sức ép từ gia đình vợ đã chia cắt ông bà, và ông đã bỏ rơi vợ con không một lời từ biệt. 1 năm sau, Nicolas là người con duy nhất chấp nhận tha thứ cho bố và ông Philippe liên tục nhờ con trai chuyển lời xin lỗi của mình tới bà Mezan. Tuy nhiên, ông mắc bệnh ung thư và qua đời trong cô độc chỉ vài tháng sau đó, khi Nicolas mới 15 tuổi.
Mùa hè năm 1974, người anh cả Gonzague quyết định bỏ học để đi du lịch khắp thế giới và bà Mezan, vốn là một người coi trọng chuyện học hành, đã vô cùng giận dữ. Trong nhiều tháng tiếp theo, cả gia đình không thể liên lạc được với Gonzague và bi kịch tiếp theo đã kéo đến vào Giáng sinh năm 1974: Nicolas và em gái Beatrice phát hiện Gonzague đã tự sát trong tầng hầm của gia đình vài ngày trước đó.
Theo đúng nguyện vọng của mẹ, Nicolas thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng tại Paris và quyết tâm trở thành một luật sư, nhưng càng lúc ông càng thấy chán nản với việc học và quyết định chuyển hướng sang làm nhiếp ảnh gia. Sau khi tốt nghiệp, Nicolas được nhận vào hãng tin ảnh Sipa. Mỗi ngày, chàng phóng viên ảnh nhiệt huyết lại đạp xe đạp khắp Paris để săn tin nhưng ông bỏ việc năm 1979 sau khi từ chối chụp ảnh thi thể của tướng cướp Jacques Mesrine - kẻ vừa bỏ mạng sau một cuộc đấu súng với cảnh sát Paris.
Cựu Bộ trưởng Nicolas Hulot.
Năm 1979, Nicolas chuyển sang làm phát thanh viên và đảm nhiệm vị trí sản xuất chương trình cho đài phát thanh France Inter. Cũng trong thời điểm này, ông còn dẫn một số chương trình thiếu nhi và tường thuật các giải đua xe toàn quốc. Nicolas rời đài France Inter năm 1987 để dẫn chương trình Ushuaia – một chương trình truyền hình về các môn thể thao mạo hiểm cũng như những cảnh quan kỳ thú khắp thế giới.
Nhờ vào vốn kiến thức rộng lớn, phong thái tự tin của bản thân và nội dung hấp dẫn của chương trình, Nicolas nhanh chóng nổi tiếng khắp nước Pháp. Sau khi chương trình kết thúc năm 1995, Nicolas tiếp tục dẫn hai phần tiếp theo của Ushuaia là Operation Okavango từ năm 1996 đến năm 1997 và Ushuaia Nature từ năm 1998 đến 2012. Ông cũng là một nhà văn có tiếng, đã xuất bản nhiều quyển sách về thiên nhiên và hệ sinh thái.
Ngoài ra, ông cũng là nhà sáng lập quỹ “Thiên nhiên và con người” – một tổ chức đấu tranh vì hệ sinh thái toàn quốc. Tuy nhiên, ông Nicolas và quỹ của ông thường xuyên bị chỉ trích do ông sẵn sàng nhận tài trợ từ những tập đoàn lớn, liên tục vướng vào những bê bối gây ô nhiễm môi trường như EDF, L'Oreál...
Năm 2007, ông tuyên bố sẽ tham gia tranh cử tổng thống Pháp để có thể thay đổi các chính sách về môi trường ở Pháp, nhưng ông đã rút lui sau khi hàng loạt ứng cử viên từ các đảng chính trị khác nhau trên cả nước, bao gồm cả ông Nicolas Sarkozy, ký kết Hiệp định Hệ sinh thái. Nicolas Hulot chính thức tranh cử tổng thống vào tháng 4-2011, nhưng ông bị ứng cử viên đồng đảng là bà Eva Joly đánh bại từ ngay vòng đầu.
Được biết, 3 tổng thống Pháp bao gồm ông Jacques Chirac, ông Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande đã nhiều lần đề cử ông Nicolas vào vị trí Bộ trưởng Bộ Sinh thái nhưng người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng liên tục từ chối. Phải đến năm 2017, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, ông Nicolas mới đồng ý đảm nhận chức vụ này.
Nicolas Hulot và nhà sản xuất chương trình Ushuaia là bà Dominique Cantien đã công khai yêu đương từ năm 1986 đến năm 1992 nhưng cuối cùng ông lại kết hôn với nhà vô địch leo núi thế giới Isabelle Patissier năm 1993. Ngay sau khi ly hôn với bà Isabelle năm 1996, ông gặp gỡ người vợ hiện tại là vận động viên trượt tuyết Florence Lassere. Hai người kết hôn năm 2002 và lần lượt sinh 3 người con.
Phụ nữ Pháp đổ ra đường biểu tình sau sự việc.
Lời tố cáo của 4 người phụ nữ
Người đầu tiên lên tiếng tố cáo ông Nicolas là cô Sylvia. Cô gái gặp gỡ ông Nicolas lần đầu tiên vào năm 1989, khi Sylvia mới 16 tuổi còn Nicolas đã 34. Vốn là một người hâm mộ cuồng nhiệt của chương trình Ushuaia, Sylvia đã giành chiến thắng trong cuộc thi viết thư gửi tới người dẫn chương trình Nicolas và được mời đến Paris để nhận giải vào ngày 27-5-1989. Sau khi lễ trao giải kết thúc, Nicolas đã mời cô bé 16 tuổi đi uống cà phê và ngay tại bãi đỗ xe, ông ta đã làm nhục Sylvia.
Người phụ nữ cho biết cô kể lại vụ việc trên chương trình Special Envoy để giải thoát bản thân khỏi những ký ức tăm tối chứ không phải để tố cáo ông Nicolas do vụ việc đã quá thời hạn truy tố và cũng không có bằng chứng rõ ràng.
Người phụ nữ tiếp theo tố cáo ông Nicolas là cô Cecile. Tháng 9-1998, cô Cecile mới 23 tuổi, công tác tại Đại sứ quán Pháp ở Moscow và cô được Tổng thống Pháp Jacques Chirac cử đi “giải cứu” Nicolas – lúc đó đang mắc kẹt ở sân bay do thất lạc giấy tờ. Để cảm ơn cô gái trẻ, Nicolas đã mời cô đi ăn tối tại khách sạn với cả đoàn.
Sau khi bữa tối kết thúc, ông mời Cecile uống rượu và cô không dám từ chối một người nổi tiếng, lại có quan hệ thân thiết với những chính trị gia quyền lực bậc nhất nước Pháp lúc đó. Cecile quyết định gọi xe taxi về nhà nhưng Nicolas đi theo cô gái và quấy rối cô ngay trên xe. Cecile đã xô ngã và đấm vào mặt Nicolas, sau đó đuổi ông khỏi taxi.
Nhà hoạt động xã hội Clair Nouvian và là người thứ ba công khai việc bị ông Nicolas quấy rối tin rằng ông ta là một kẻ bệnh hoạn. Khi bà đồng ý tham gia chương trình Ushuia tại Costa Rica vào năm 2008, đoàn làm phim đã cảnh báo bà Clair không nên ở một mình với người dẫn chương trình danh tiếng, đồng ý đi ăn tối với ông ta hay mở cửa phòng khi Nicolas muốn vào. Tuy không có sự việc gì xảy ra ở Costa Rica, nhưng vài năm sau đó Nicolas từng có ý định quấy rối bà bất thành.
Cecile tố cáo bị quấy rối trên xe taxi.
Người phụ nữ cuối cùng là một đồng nghiệp của Nicolas ở Đài Truyền hình TF1. Khi bị Nicolas quấy rối, người mẹ đơn thân này đã không dám chống cự do sợ bị trù dập tại chỗ làm và mất việc. Một thời gian sau, Nicolas tiếp cận cô, nhưng không phải để xin lỗi mà là để đe dọa và chế nhạo nạn nhân.
Tuy không xuất hiện trong chương trình Special Envoy, cái tên Pascale Mitterrand liên tục được nhắc đến cô chính là người đầu tiên kiện Nicolas ra tòa vì tội hiếp dâm vào năm 2008. Cháu gái cựu Tổng thống Francois Mitterrand gặp Nicolas lần đầu tại một hội thảo về nhiếp ảnh được hãng tin Sipa tổ chức vào năm 1998. Sau đó, Nicolas đã yêu cầu chủ hãng tin Sipa mời cô gái 17 tuổi này đến biệt thự của Nicolas ở Corsica một mình để học thêm về nhiếp ảnh. Một buổi chiều nọ, cô Pascale bị Nicolas chuốc thuốc mê và xâm hại.
Khi tạp chí Ebdo đào xới lại vụ việc, Nicolas đã liên tục lên tiếng phản bác rằng cô Pascale lúc đó 19 tuổi chứ không phải 17 và vụ việc đã quá thời hạn truy tố cũng như thiếu bằng chứng. Cũng trong năm 2018, tạp chí Ebdo đã đưa tin một cấp dưới của Nicolas từng tố cáo ông cưỡng bức cô, nhưng bài báo sớm bị xóa và có nhiều lời đồn rằng cựu Bộ trưởng đã bỏ tiền mua chuộc cả tòa soạn lẫn nạn nhân. Tuy không bị kết án, Nicolas đã từ chức Bộ trưởng một thời gian ngắn sau đó với lý do là ông ta tự nhận thấy mình cùng các cấp dưới làm việc không hề hiệu quả.
Vài giờ đồng hồ trước khi bốn người phụ nữ công khai lên tiếng, ông Nicolas một lần nữa đã phủ nhận mọi cáo buộc, chỉ trích những người tố cáo ông và thông báo mình sẽ rút lui khỏi chính trường. Ông Alain Jakubowicz, luật sư của cựu Bộ trưởng, cho biết ông đã yêu cầu nhà sản xuất chương trình Special Envoy cho ông và thân chủ xem trước những lời cáo buộc cực kì nghiêm trọng này để ông có thể biết cách trả lời cơ quan chức năng và báo giới, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.
Theo luật sư Jakubowicz, nhà sản xuất còn “thách thức” thân chủ của ông bằng cách trả lời rằng ông Nicolas hãy bào chữa cho bản thân sau khi xem xong chương trình. Bà Laure Beccuau, công tố viên Paris, tuyên bố cơ quan chức năng sẽ điều tra vụ việc nhưng ông Nicolas sẽ không bị cáo buộc bất cứ tội danh nào do bốn vụ án đều đã quá thời hạn truy tố theo luật hình sự Pháp.