Góc khuất trong hoạt động cho nhận con nuôi ở Hàn Quốc thập niên 80
Nhiều người trong số hơn 170.000 trẻ em Hàn Quốc được các gia đình phương Tây nhận nuôi sau chiến tranh Triều Tiên dưới danh nghĩa trẻ mồ côi đang trong hành trình tìm kiếm cha mẹ ruột của mình
Uma Feed vừa đưa con trai đến trường mẫu giáo ở Oslo, Na Uy, thì điện thoại của cô bất ngờ reo lên, mang đến tin tức mà cô luôn tìm kiếm: danh tính thực sự về cha mẹ ruột của cô.
Được nhận làm con nuôi từ Hàn Quốc vào năm 1983, Feed lớn lên ở Na Uy. Cô được thông báo rằng mình đã bị cha mẹ bỏ rơi, một câu chuyện mà cô từ chối tin vào. Feed chỉ thấy nhận định của mình đã đúng vào tháng 5/2023, khi ở tuổi 40, cô đã tìm lại được mẹ ruột nhờ xét nghiệm ADN.
Qua trao đổi, Feed, người sinh ra với tên thực Um Sul-yung, mới biết cô đã bị ông bà cho đi làm con nuôi khi chưa được mẹ đẻ chấp thuận. Thời điểm đó, mẹ đẻ của cô đang nằm viện.
Hóa ra, gần như tất cả thông tin cô nhận được từ tổ chức nhận con nuôi Na Uy đều không chính xác. Trả lời các câu hỏi, tổ chức này viện dẫn luật riêng tư và cho biết họ không thể bình luận về trường hợp của cô.
Feed, người đã đổi tên hợp pháp thành Uma ở tuổi 20 sau khi từ chối cái tên Na Uy mà cha mẹ nuôi đặt cho cô, chỉ là một trong số hơn 170.000 trẻ em Hàn Quốc được các gia đình phương Tây nhận nuôi từ khi còn nhỏ, trong những thập kỷ sau chiến tranh Triều Tiên.
Và các chuyên gia lo ngại câu chuyện của Uma không phải là duy nhất.
Helen Noh, Giáo sư về Phúc lợi Xã hội tại Đại học Soongsil (Hàn Quốc), cũng là một cựu nhân viên cơ quan nhận con nuôi, cho biết: “Các cơ quan nhận con nuôi làm giả giấy tờ và chính quyền địa phương chỉ đóng dấu vào đó.”
Một cuộc điều tra về việc danh tính thật sự của những đứa trẻ được nhận làm con nuôi bị che giấu hoặc làm sai lệch đã được Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Hàn Quốc đưa ra vào cuối năm ngoái. Trường hợp của Feed là một trong hơn 300 vụ việc đang được xem xét.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu đứa trẻ bị ảnh hưởng, nhưng vào thời điểm đỉnh cao của làn sóng nhận con nuôi ở Hàn Quốc vào những năm 1980, gần 9.000 trẻ em đã được đưa ra nước ngoài làm con nuôi mỗi năm.
Được cho đi vài giờ sau khi sinh
Xã hội Hàn Quốc hiện chỉ mới bắt đầu xem xét tác động của các chính sách nhận con nuôi khi đó đối với các bà mẹ và con ruột của họ.
Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cải cách Luật Gia đình cùng với hệ thống đăng ký hộ khẩu - thường được mô tả là “phụ hệ”, vì các bà mẹ đơn thân gần như không thể tự mình đăng ký khai sinh cho con mình. Việc nhận con nuôi nước ngoài hiện cũng cần có sự chấp thuận của tòa án gia đình trong nước, theo sau sự thay đổi luật hồi năm 2011.
Nhưng không có sự bảo vệ nào như vậy xuất hiện trong năm 1990, khi Jeon Hyun-suk bị mẹ đẻ gây áp lực phải để đứa con trai cô vừa sinh - kết quả của một mối quan hệ ngoài giá thú - cho người khác nuôi.
Jeon, hiện 54 tuổi, chia sẻ với trang tin This Week in Asia: “Ngay sáng hôm sau, con trai tôi bị chuyển thẳng đến cơ sở nhận con nuôi. Còn tôi được đưa đến nhà dành cho những bà mẹ chưa chồng để nghỉ ngơi.”
Jeon đã trải qua ba thập kỷ tiếp theo sống trong sự ân hận và tiếc nuối, cho đến khi bà được đoàn tụ với con trai mình, hiện là công dân Mỹ, vào năm 2021.
Nhiều đứa trẻ được cho đi làm con nuôi cũng được xếp vào nhóm “mồ côi”, dù trên thực tế vẫn có cha hoặc mẹ ruột còn sống.
Ngoài ra, việc có quá nhiều trẻ em được cho đi làm con nuôi ở nước ngoài đã dẫn đến việc nhiều người dân phương Tây tin rằng Hàn Quốc vào những năm 1980 là đất nước nghèo đói - nơi những bà mẹ nghèo khổ buộc phải bỏ rơi con mình. Trong khi thực tế, Hàn Quốc khi đó là một nền kinh tế đang bùng nổ với mức tăng trưởng nhanh chóng hằng năm, có lúc vượt quá 10%.
"Tôi muốn trường hợp nhận làm con nuôi của mình bị rút lại"
Giống như nhiều trẻ em Hàn Quốc được nhận làm con nuôi ở các nước phương Tây, Uma Feed lớn lên trong môi trường an toàn và được cha mẹ nuôi yêu thương.
Tuy nhiên, cô nói rằng mình đã trải qua cảm giác bị phân biệt chủng tộc. Cô cũng có lúc bị trầm cảm và luôn sống với mong muốn tìm ra sự thật về cha mẹ ruột của mình.
Sau khi tìm thấy những bằng chứng cho thấy giấy tờ nhận con nuôi của mình bị làm giả, Feed đã nộp báo cáo cho cảnh sát, tối cáo cơ quan nhận con nuôi và chính quyền Na Uy về tội buôn người.
Tuy nhiên các công tố viên Na Uy đã bác bỏ vụ kiện của Feed với lý do thiếu chứng cứ. Dù vậy, cô vẫn đang kháng cáo quyết định này.
Cô chia sẻ: “Tôi muốn trường hợp nhận làm con nuôi của mình bị rút lại. Bây giờ tôi có thể chứng minh rằng các giấy tờ này đã bị làm giả và tôi không phải là một trường hợp nhận con nuôi hợp lệ”./.