Góc khuất vụ án Bác sĩ Lê Thanh Liêm: Bài 3 - Mâu thuẫn quan điểm ngay trong cơ quan chức năng Long An
Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án BS Lê Thanh Liêm (SN 1957, nguyên GĐ Sở Y tế Long An), bị cáo kêu oan nhiều năm nay; mới thấy còn có một số điểm mâu thuẫn khó hiểu giữa một số lãnh đạo, cơ quan chức năng tỉnh Long An.
* Góc khuất vụ án Bác sĩ Lê Thanh Liêm: Bài 1 - Vị Giám đốc Sở chuyên “tuýt còi” các vụ thông thầu
* Góc khuất vụ án Bác sĩ Lê Thanh Liêm: Bài 2 - “Đắc tội” vì không tuyển dụng người thân cán bộ tỉnh?
Chủ tịch tỉnh cho đi, công an tỉnh “ách” lại
Câu chuyện Chủ tịch tỉnh Trần Văn Cần ký quyết định cho BS Liêm đi nước ngoài du lịch, nhưng Công an tỉnh lại cấm xuất cảnh, là một ví dụ điển hình.
Đó là ngày 8/4/2017, thời điểm BS Liêm đã nhận quyết định thôi giữ chức vụ, phải “ngồi chơi xơi nước” tại Sở Y tế. BS Liêm lúc này không bị xét kỷ luật, không phải là bị can, bị cáo trong bất cứ một nghi án nào. Sau hàng chục năm làm việc, ông muốn nghỉ phép, đi du lịch Nhật Bản vài ngày, hoàn toàn bằng tiền túi cá nhân.
Dù không còn giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế, nhưng BS Liêm vẫn thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy Long An, muốn xuất cảnh phải xin phép. Chủ tịch tỉnh Trần Văn Cần ký quyết định chấp nhận đề nghị của ông.
Đêm 8/4/2017, BS Liêm ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục, bất ngờ Công an Cửa khẩu sân bay lập biên bản, không cho xuất cảnh. BS Liêm kể lại: “Tôi không ngờ lại xảy ra chuyện vô lý như vậy. Chủ tịch tỉnh đã ký quyết định chấp thuận cho tôi đi, sao CQĐT địa phương lại có ý kiến khác? Và nếu có quyết định cấm xuất cảnh, theo luật thì CQĐT phải gửi cho tôi, sao họ dám vi phạm như vậy?”.
Theo biên bản lập hồi 22h ngày 8/4/2017, Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho biết BS Liêm “thuộc diện chưa được xuất cảnh theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an Long An”. Biên bản không ghi rõ Công an Long An có ra Quyết định cấm xuất cảnh hay không, số văn bản bao nhiêu. Trước những thắc mắc của BS Liêm, cơ quan chức năng đề nghị BS Liêm “liên hệ Cơ quan CSĐT Công an Long An để giải quyết”.
Số tiền 50 triệu dành dụm và con cái gom góp cho cha để thực hiện chuyến du lịch “tan tành mây khói”. Nhưng đó chưa phải là bức xúc lớn nhất. Ngay ngày hôm sau, BS Liêm đề nghị được gặp Chủ tịch tỉnh để hỏi vì sao lại có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này.
Trong clip ghi lại cuộc làm việc dài hơn 20 phút, Chủ tịch tỉnh Trần Văn Cần khẳng định BS khi muốn đi du lịch nước ngoài đã làm các thủ tục bài bản, đúng quy định, làm đơn xin phép Ban Giám đốc Sở Y tế, Chi ủy. Sau đó Sở Y tế có công văn sang Sở Ngoại vụ. Sở Ngoại vụ tiếp tục làm tờ trình sang UBND tỉnh. “Chúng tôi nhận thấy anh đang trong thời gian rảnh rỗi, cần đi nghỉ ngơi “xả hơi” nên tôi ký quyết định”, ông Cần nói.
Chủ tịch tỉnh cũng khẳng định Công an tỉnh không hề báo cáo UBND tỉnh về chuyện có văn bản gửi Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị cấm xuất cảnh với BS Liêm. “Sự việc này xảy ra, anh (BS Liêm – NV) mất uy tín. Cá nhân tôi là người ký Quyết định cũng mất uy tín. UBND tỉnh cũng mất uy tín”, ông Cần nói trong clip.
Sự việc “hi hữu” bị nhiều tờ báo phát hiện, đăng tải rộng rãi. Công an Long An sau đó bị tỉnh phê bình. Về phía BS Liêm, cho hay “đã không được ai đền khoản 50 triệu chi phí đã mất cho tour du lịch và vé máy bay, lại còn thêm lần nữa bị một số cán bộ chức năng “ghi sổ””.
Nhớ lại sự việc này, BS Liêm nói: “Tôi cho rằng còn có một ý kiến chỉ đạo khác trực tiếp đến Công an tỉnh, nên cơ quan này mới dám thực hiện khác so với Quyết định của Chủ tịch tỉnh”.
Vụ án “gọt chân đóng giày”
Từng nổi tiếng với quan điểm “không làm sai thì không phải e ngại”, mãi sau này BS Liêm mới biết từ thời điểm đó, đã có một cuộc điều tra ráo riết nhắm vào cá nhân ông, liên quan một gói thầu tại Sở Y tế.
Đây là gói thầu đã thực hiện 3 năm trước khi Công an Long An khởi tố vụ án. Năm 2014, sau khi Nhà nước cho xây một số công trình cho Sở, còn dư một số tiền, nên Văn phòng Sở đề xuất cho lắp đặt hệ thống camera an ninh tại một tòa nhà thuộc Sở. BS Liêm đồng ý chủ trương, giao toàn bộ cho một Phó Giám đốc xử lý.
Trước tiên phải khẳng định trong gói thầu này, BS Liêm không hề có dấu hiệu tơ hào một xu, thậm chí còn không biết nhà thầu là ai. Trong KLĐT và cáo trạng sau này, đều khẳng định “quá trình điều tra không có chứng cứ chứng minh có sự thông đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu để chiếm đoạt tiền Ngân sách Nhà nước”.
Đầu năm 2014, Sở thực hiện gói thầu. Đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á (ĐNA) trụ sở tại Tân An. Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. Trong gói thầu có 15 camera, 2 đầu ghi kỹ thuật số nhãn hiệu Sony, hợp đồng ghi “xuất xứ Nhật Bản”.
Khi nhà thầu mang thiết bị đến thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, “vênh” xuất xứ từ Nhật Bản sang Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Sau khi được báo cáo, BS Liêm chỉ đạo cho dừng thi công.
Nhà thầu lý giải các thiết bị này, hãng Sony không còn sản xuất tại Nhật, xin thay đổi xuất xứ. Cơ quan chức năng Long An sau này cũng khẳng định qua xác minh với Cty Sony Electronics Việt Nam, thời điểm tháng 4/2014, một số loại camera quan sát, đầu ghi hình nêu trong hợp đồng “không sản xuất tại Nhật”. Sony Việt Nam đồng thời có thư xác nhận những mặt hàng trên “được nhập khẩu và phân phối bởi Sony Việt Nam và được bán rộng rãi trên toàn thế giới… Đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành theo đúng tiêu chuẩn…”. Như vậy, có thể nói việc một số thiết bị không khớp về xuất xứ so với trong hợp đồng là tình huống bất khả kháng.
Từ thực tế trên, ngày 12/7/2014, BS Liêm ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, điều chỉnh xuất xứ một số thiết bị. Hơn hai tháng sau, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa dự án vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, giá trị 1,92 tỷ đồng.
Hơn 1 năm sau khi nghiệm thu, cùng thời gian BS Liêm “bắt lỗi” sai phạm một số gói thầu trong ngành y, ngày 12/11/2015, tỉnh có quyết định thanh tra gói thầu trên. Hơn 9 tháng sau, tỉnh ra KLTT 3217/KL-UBND ngày 22/8/2016, nhận xét “chủ đầu tư đồng ý cho lập thủ tục thay đổi xuất xứ, ký phụ lục hợp đồng không điều chỉnh giá, đã không thực hiện hết vai trò trách nhiệm, dẫn đến thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế chênh lệch 699,3 triệu”; đồng thời khẳng định “đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra, gói thầu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán”, nghĩa là chưa thể kết luận đúng sai về mặt tài chính. Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế lập hồ sơ quyết toán giảm trừ phần giá trị chênh lệch trên.
Sau thời gian này, BS Liêm tiếp tục chứng minh sự cương trực trong công việc, nhất là lĩnh vực giám sát các cuộc đấu thầu trong ngành y. Và hơn bốn tháng sau khi ra KLTT, ngày 22/12/2016, UBND tỉnh bất ngờ có Công văn 244/UBND-NC “chuyển hồ sơ thanh tra sang Công an tỉnh xử lý (…) với vụ việc sai phạm trong thực hiện gói thầu hệ thống camera giám sát an ninh”.
Tiếp tục gần 1 năm sau, ngày 11/12/2017, khi Nghị quyết 41/2017/QH14 quy định chỉ còn 20 ngày nữa tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bị bãi bỏ, Công an Long An ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với BS Liêm; ban hành cùng ngày, cùng đánh số 01/QĐ.
BS Liêm nói: “Một lần nữa, tôi cho rằng còn có một ý kiến chỉ đạo khác, nên UBND tỉnh mới có những động thái không nhất quán với gói thầu camera như trên”.
Trong vụ án này, lẽ ra phải có giám định xác định thiệt hại trước, mới có căn cứ khởi tố. Vi phạm này đã khiến cơ quan tố tụng Long An phải kéo dài vụ án nhiều năm trời.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.