Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Dò đáy thị trường và chiến lược đầu tư giai đoạn nhiều rủi ro
Tác động của tỷ giá liên tục tăng mạnh, đâu là đáy của thị trường và nếu còn tiền thì nên giải ngân vào cổ phiếu, nhóm ngành nào... đang là những câu hỏi được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Thị trường khả năng sẽ còn giằng co xen lẫn các pha phục hồi nhưng không xấu như tuần trước. Tuy nhiên, do cận sát kỳ nghỉ lễ dài nên cũng khó kỳ vọng có sự đột phá.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Thị trường ghi nhận một tuần giao dịch rất khốc liệt khi VN-Index giảm tới 8% - đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt khủng hoảng vào cuối năm 2022. Nhịp giảm hiện tại có quán tính nhanh và mạnh rất hiếm gặp của một thị trường tăng giá và thông thường sau những tuần giảm sốc như vậy thì thị trường cũng rất nhanh tạo đáy.
Chúng tôi vẫn tin tưởng vào chu kỳ tăng giá dài hạn của VN-Index với bối cảnh về dài hạn là không thay đổi quá nhiều khi: Ngân hàng Nhà nước nhìn chung vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ dù lãi suất tiền gửi nhiều khả năng sẽ tạo đáy; tăng trưởng kinh tế & lợi nhuận doanh nghiệp có xu hướng hồi phục mạnh mẽ; điểm yếu lớn nhất là tình hình vĩ mô có sự bất ổn nhất định bởi tỷ giá USD/VND tăng rất nóng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng một khi Fed có động thái cắt giảm lãi suất thì áp lực tỷ giá sẽ không phải là câu chuyện kéo dài dai dẳng.
Từ đầu tháng 4 tới nay, nhịp giảm này của VN-Index cũng đồng pha với nhịp giảm chung của TTCK toàn cầu với SP500 giảm hơn 4%, Nikkei 225 giảm hơn 7%, Kospi giảm hơn 3%. Cụ thể ở Mỹ, chỉ số SP500 vẫn đang trong thị trường tăng giá, cú giảm 4% so với mức đỉnh là diễn biến bình thường sau nhịp tăng hơn 20% trong 1 năm qua và đặt trong bối cảnh năm 2024 là năm của bầu cử Tổng thống và Fed khả năng cao vẫn cắt giảm lãi suất thì rất khó để Sp500 rơi vào thị trường con gấu (Bear-market).
Dù VN-Index có nhịp rơi rất nhanh nhưng chúng tôi vẫn đánh giá mức độ giảm sẽ bớt tiêu cực hơn so với giai đoạn tháng 9-10/2023, bởi cấu trúc vận động của dòng tiền là khá tích cực khi phần lớn nhà đầu tư vẫn ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hơn thay vì chỉ tập trung vào nhóm đầu cơ cao ở vốn hóa vừa và nhỏ như năm ngoái. Khi dòng tiền vẫn chủ đạo “găm” vào các cổ phiếu trụ thì mức độ giảm sẽ được kỳ vọng không quá lớn. Chúng tôi nhận thấy các nhịp rơi thông thường của VNindex trong bối cảnh như vậy tối đa là 15% so với đỉnh.
Do đó chúng tôi có hai quan điểm đối với thị trường. Đầu tiên trước mắt trong tuần tới, thị trường hoàn toàn có đủ điều kiện cho một nhịp hồi phục kỹ thuật trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên dành phần lớn tỷ trọng để chuẩn bị cho kịch bản thị trường có thể điều chỉnh thêm, do vẫn còn dư địa tới vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Diễn biến giao dịch tuần qua kém tích cực khi áp lực bán liên tục áp đảo khiến thị trường giảm điểm cả 4/4 phiên giao dịch, VN-Index mất hơn 100 điểm, tương đương giảm 8% từ đầu tuần. Lần gần nhất chứng kiến mức giảm tương tự trong một tuần là từ tháng 10/2022, còn đối với tuần giảm khoảng 8% trong xu hướng tăng trung hạn đã là từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại có sự khác biệt khi các kỳ vọng về sự tăng trưởng của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất trong nước, các vấn đề đối với thị trường trái phiếu/bất động sản cũng như thời điểm của các kỳ vọng dài hạn khác (nâng hạng thị trường, FED cắt giảm lãi suất...) đã phần nào có diễn biến tích cực hơn so với giai đoạn 2021-2022.
Chúng tôi vẫn cho rằng nhịp giảm là cần thiết trong quá trình đi lên của chỉ số, nhất là khi VN-Index tăng gần 15% từ đầu năm mà chưa có một nhịp điều chỉnh thật sự. Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có tín hiệu cân bằng được áp lực bán khi lùi về vùng MA200 quanh 1.175-1.180 điểm. Kỳ vọng lực cầu sẽ gia tăng tích cực tại vùng này giúp VN-Index duy trì được xu hướng tăng điểm trong trung hạn.
Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá đã tăng đáng kể do đồng USD liên tiếp mạnh lên và chênh lệch lãi suất USD-VND dự kiến chưa thể sớm thu hẹp khi hầu hết trước dự báo FED sẽ lùi lộ trình hạ lãi suất tới tháng 9/2024 thay vì tháng 6/2024 như những dự báo trước đó do lạm phát tại Mỹ vẫn chưa đạt mục tiêu. Tỷ giá đang tác động như thế nào đến TTCK, theo ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Tỷ giá trong nước có tác động nhưng không nhiều, phần nhiều là từ thị trường quốc tế như chứng khoán Mỹ liên tục giảm, USDX tăng mạnh tác động mạnh đến các đồng tiền khác (nhưng như những năm gần đây khi USDX tăng thì tỷ giá trong nước vẫn ổn định). Năm nay, dù có biến động nhưng VND có biến động thấp hơn các đồng tiền khác như JPY, EUR...
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Tỷ giá chủ yếu có tác động gián tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại mặt bằng lãi suất điều hành có thể gia tăng trở lại trong năm 2024. Lo ngại là có cơ sở, nhưng khi thị trường (và đặc biệt là nhóm bluechips) như Ngân hàng lùi về mức chiết khấu đủ sâu, thì hoàn toàn có thể bù cho rủi ro chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Chúng tôi đã cảnh báo rủi ro từ lâu, và khi thị trường đã có nhịp điều chỉnh thì đây không còn là thời điểm để lo ngại và sợ hãi rủi ro, mà cần bình tĩnh tận dụng tìm kiếm cơ hội giải ngân.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Kể từ đầu năm 2024, VND đã giảm khoảng 5% so với đồng USD và tỷ giá USD/VND đã tăng lên quanh vùng 25.500 đồng. Về việc tỷ giá tăng nhanh giai đoạn đầu năm, một số nguyên nhân kể đến như việc FED có thể chưa sớm hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường; Tình trạng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục duy trì; Giá vàng và Bitcoin tăng cao; Nhu cầu nhập khẩu phục hồi cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Việc tỷ giá tăng nhanh có thể gây sức ép lên lạm phát và chính sách tiền tệ. Thời gian qua, để giải quyết vấn đề tỷ giá, NHNN cũng đã liên tục phát hành tín phiếu nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Trong bối cảnh tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang, NHNN đã phải thực hiện bán USD trong tuần vừa qua và đây được đánh giá là hành động can thiệp quyết liệt. Tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ dự trữ ngoại hối đạt từ 12-14 tuần nhập khẩu (theo mức khuyến nghị của IMF), NHNN khó có thể kéo dài việc bán USD trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng cao như hiện tại. Và nếu tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, lãi suất có thể sẽ phải tăng lên nhằm kiểm soát tỷ giá, qua đó sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường và dòng tiền vào kênh chứng khoán.
Nhịp giảm điểm đã đánh bay thành quả của thị trường trong gần 3 tháng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng tạo đáy của thị trường?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Trước mắt khả năng đáy ngắn hạn, tuy nhiên khi giá mất mốc 1.200 cũng khá đáng lo ngại về xu hướng trung hạn. Việc phục hồi trở lại là có nhưng chưa hẳn là một xu hướng tăng trở lại. Do đó cần phải quan sát thêm những phiên tiếp theo.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào sóng tăng dài hạn của thị trường, các nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội lý tưởng để thiết lập trạng thái mua vào đón sóng tăng mới. Vùng đáy tiềm năng của thị trường được hình thành với 2 kiểu truyền thống:
Thứ nhất: VN-Index về hỗ trợ rất mạnh, là vùng mà định giá thị trường cực kì hấp dẫn và khó giảm sâu hơn được nữa sau khi đã trải qua 1-2 đợt bán giải chấp trên diện rộng. VN-Index có vùng hỗ trợ tiềm năng ở khu vực 1.120-1.150 điểm.
Thứ hai: VN-Index cân bằng và tích lũy trở lại với biên độ biến động thấp, đi kèm với thanh khoản sụt giảm mạnh mỗi phiên chỉ khớp khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng trên sàn HSX.
Chúng tôi vẫn đang để ngỏ 2 kịch bản này vì chưa đủ thời gian và các dữ kiện hiện tại chưa đủ tin cậy để dự đoán được thị trường sẽ vận động theo kịch bản nào. Nhưng tinh thần chung thì vẫn xem nhịp điều chỉnh này là cơ hội đầu tư tốt nhất trong năm 2024.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Quan sát diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần, lực cầu hồi phục tích cực khi VN-Index lùi về vùng MA200 ngày, tương đương 1.170-1.175 điểm. Điều này cho thấy vẫn có kỳ vọng về khả năng tạo đáy quanh vùng hỗ trợ kể trên. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian quan sát về khả năng cân bằng được áp lực bán trong một vài phiên sắp tới, nhà đầu tư cũng nên duy trì tỷ trọng an toàn và chọn lọc cổ phiếu một cách hợp lý để phục vụ cho kịch bản VN-Index lùi về vùng 1.120-1.130 khi lực cầu không có sự gia tăng đáng kể trong các phiên tới.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều bị điều chỉnh giảm từ 10-20%, nhiều cổ phiếu còn ghi nhận mức giảm hơn 20%. Khi xu thế hồi phục chưa được xác nhận, rủi ro của các hoạt động bắt đáy vẫn còn. Vậy đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn này? Và nếu vẫn còn tiền để mua thì nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội hồi phục nhanh hơn, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Với những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao, margin lớn thì vẫn nên cơ cấu lại mỗi khi thị trường phục hồi, các nhà đầu tư ngắn hạn cũng nên làm như vậy.
Còn với các nhà đầu tư trung dài hạn, còn tỷ trọng tiền, không có đòn bẩy có thể trung bình giá trong những pha giảm điểm của thị trường đặc biệt chú trọng vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng, nền tảng như công nghệ, công nghệ mới (như AI), năng lượng xanh, vận tải, hàng tiêu dùng, bất động sản...
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Nhóm cổ phiếu tài chính vốn hóa lớn sẽ là điểm đến an toàn của dòng tiền đầu tư giá trị. Ngoài ra, trong 1 tuần giảm mạnh, bên tranh thủ mua vào quyết liệt nhất chính là tự doanh CTCK và nhà đầu tư tổ chức trong nước với giá trị mua ròng lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong tuần qua là: TCB, HPG, MWG, ACB, KDH – đây hoàn toàn có thể là những cổ phiếu mua tiềm năng khi thị trường xác nhận tạo đáy.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Trong bối cảnh VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, tương ứng với mức giảm 8%, và nhiều cổ phiếu đã giảm từ 15-20% chỉ trong 1 tuần, xu thế tạo đáy và phục hồi vẫn chưa được xác nhận.
Với tình trạng “Căng Margin” như hiện nay, nhịp điều chỉnh của thị trường có thể trở nên khốc liệt hơn với hiệu ứng Call margin từ các CTCK. Nếu thị trường vẫn tiếp tục đà giảm, tình trạng call margin ở các CTCK sẽ diễn ra trên diện rộng và xuất hiện một nhịp giảm rũ bỏ để hạ bớt dư nợ margin ở thời điểm hiện tại. Khi đó, định giá của thị trường sẽ về vùng hấp dẫn hơn và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư.
Tôi cho rằng nhà đầu tư có thể giải ngân tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu VN30, bluechip trong các phiên sắp tới khi áp lực bán được cân bằng. Ngược lại, hạ dần tỷ trọng cũng như hạn chế giải ngân mới đối với các cổ phiếu mang tính đầu cơ trong nhịp hồi và tuân thủ kỷ luật cắt lỗ.