Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đo độ bền vững và hướng đi của dòng tiền
Dòng tiền đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại và các chuyên gia sẽ đánh giá tính bền vững của dòng tiền này cũng như việc luân chuyển hướng đến nhóm cổ phiếu tiềm năng nào trong tuần tới.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Chỉ số VN-Index có thể chỉ dao động tối đa chỉ 1, 2 phiên đầu quanh ở quanh mốc 1.095 - 1.100 điểm trước khi hồi phục lại. Quá trình điều chỉnh lấp khoảng trống giá ở phiên cuối tuần trước và quá trình hồi phục có thể diễn ra ở các phiên giữa và cuối tuần giao dịch tới.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Việc chỉ số VN-Index chinh phục thành công kháng cự 1.100 điểm trong tuần qua với sự bùng nổ cả về khối lượng và giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên cho thấy dòng tiền đã bắt đầu quay lại thị trường sau giai đoạn liên tục đứng ngoài từ nửa cuối tháng 10.
Tuy vậy, sức mạnh của dòng tiền sẽ được kiểm chứng trong tuần tới khi nhu cầu chốt lãi gia tăng trong bối cảnh hàng loạt cổ phiếu đồng loạt ghi nhận mức lợi nhuận khá lớn tính từ thời điểm tạo đáy vào phiên 31/10. Theo đó, chỉ số VN-Index dự kiến sẽ tích lũy đi ngang trong biên độ hẹp 1.090 – 1.120 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Chỉ số VN-Index đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, lấy lại hơn 100 điểm (+10,16%) do vậy áp lực chốt lời ngắn hạn có thể vẫn tiếp diễn ở những phiên đầu tuần tới. Tuy vậy, với việc thanh khoản tăng trở lại trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng ở 3 phiên gần đây, cho thấy dòng tiền đứng ngoài đã quay lại, tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn, do đó nhịp điều chỉnh (nếu có) cũng sẽ qua nhanh.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
VN-Index đã tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản cải thiện. Thị trường xảy ra rung lắc nhưng nhịp hồi phục vẫn đang đóng vai trò chủ đạo ở thời điểm hiện tại. Xét về điểm số, VN-Index đóng cửa tuần ở ngưỡng 1.100 điểm, đây là vùng hỗ trợ/kháng cự về mặt tâm lý quan trọng và đã có tích lũy trong quá khứ. Bên cạnh đó, thanh khoản đang cải thiện trở lại khi thị trường có tín hiệu xác nhận tạo đáy ngắn hạn.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt, NHNN ngừng phát hành tín phiếu và lãi suất huy động của các NHTM tiếp tục giảm thấp, dòng tiền có thể quay trở lại kênh chứng khoán giúp thanh khoản giao dịch phục hồi và là tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Agriseco Research cho rằng, nhịp điều chỉnh là cần thiết khi thị trường đã hồi phục 100 điểm từ vùng đáy ngắn hạn. Xu hướng tăng trước đó vẫn chưa bị phá vỡ, đồng thời thanh khoản cải thiện là những tín hiệu tích cực cho thị trường.
Chúng tôi nhận định thị trường có thể tiếp tục nhịp phục hồi trong tuần sau, tuy nhiên, VN-Index cần thêm thời gian tích lũy trong các phiên đầu tuần trước khi tiếp tục hướng tới các mốc điểm số cao hơn.
Thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Ông/bà đánh giá như thế nào về tâm lý “Fomo” mua đuổi hiện tại cũng như nhà đầu tư cần lưu tâm các yếu tố nào ở giai đoạn hiện tại?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Thị trường đã hình thành khu vực đáy và hồi phục dần về giai đoạn cuối năm. Các nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị mua gom dần cổ phiếu và cũng không cần thiết phải mua đuổi khi mà vẫn căn mức giá hợp lý mua vào.
Giai đoạn này vẫn nên lưu ý đến các cổ phiếu đặc thù đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư, nhiều triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh, định giá thấp hơn là quan tâm đến diễn biến chỉ số biến động trong ngắn hạn.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Chỉ số đã bật tăng khá mạnh từ vùng đáy và những dấu hiệu chốt lời đã bắt đầu xuất hiện từ các phiên cuối tuần trước, nên hành động FOMO của nhà đầu tư vào lúc này là khá mạo hiểm và chứa nhiều rủi ro.
Một số yếu tố ngoài nước nhà đầu tư cần quan tâm bao gồm động thái của chính phủ Trung Quốc để vực dậy thị trường bất động sản nhằm tránh rủi ro nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng giảm phát (nhất là khi Trung Quốc vẫn nằm trong top các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam); các bài phát biểu của Fed liên quan đến chính sách tiền tệ khi chỉ số DXY vừa bật tăng trở lại mốc 105,8 điểm.
Trong khi đó, một số vấn đề trong nước đáng chú ý bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng và diễn biến lạm phát khi EVN vừa chính thức công bố việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,5% tính từ ngày 09/11.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Như đã nói ở trên, việc thanh khoản 3 phiên gần đây đã tăng lên mức trên 20.000 tỷ cho thấy dòng tiền đứng ngoài đã trở lại, bên cạnh đó thị trường hồi phục mạnh nên các nhịp chốt lời xong dễ làm nhà đầu tư mua lại ngay trong phiên. Tâm lý fomo thường xuất hiện ở giai đoạn thị trường tăng nóng, thanh khoản ở mức cao trong thời gian dài, nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ thường là địa chỉ của dòng tiền này.
Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chưa có những dấu hiệu như vậy, dòng tiền mới bắt đầu tăng trở lại, thị trường vẫn đang ở nhịp phục hồi…, thị trường sau nhịp giảm sâu thường có những nhịp hồi mạnh, kích thích tâm lý giao dịch của nhà đầu tư, các giao dịch đầu cơ ngắn hạn đã chốt lời và tìm cơ hội mới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Để tránh tâm lý Fomo trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua tại hỗ trợ và bán tại kháng cự với các nhóm đang thu hút dòng tiền. Bên cạnh đó cần phải tuân thủ kỷ luật giao dịch với các mức chốt lời và cắt lỗ được đặt ra, tránh mua đuổi trong các phiên thị trường tăng mạnh.
Trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cần lưu tâm các rủi ro tiềm ẩn của thị trường như áp lực tỷ giá, bất ổn địa chính trị, và đặc biệt theo dõi diễn biến lợi nhuận các nhóm ngành để tìm được cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng.
Tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây đã tác động khá tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu. Ông bà đánh giá như thế nào về tính bền vững của dòng tiền quay lại với TTCK?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Tỷ giá hạ nhiệt, kinh tế vĩ mô khởi sắc hơn giai đoạn cuối năm - dòng tiền tích cực tham gia và gia tăng vào các nhóm cổ phiếu chất lượng cao từ nay đến giai đoạn cuối năm.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Việc lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục xuống mức thấp nhất trong lịch sử đã kích hoạt dòng tiền chuyển sang các tài sản có yếu tố rủi ro cao hơn. Nhìn từ góc độ này, TTCK cũng đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn từ thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu.
Trên thị trường bất động sản, bên cạnh việc được tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, hàng loạt chủ đầu tư uy tín vẫn đang duy trì chính sách chiết khấu lớn đối với các sản phẩm mới mở bán trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn của người mua dần trở nên dễ dàng hơn khi các ngân hàng tiếp tục tiến hành cuộc đua hạ lãi suất cho vay.
Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường trái phiếu ngày càng được cải thiện sau thời điểm chính thức hình thành sàn giao dịch trên HNX từ giữa tháng 7/2023.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, một số lo ngại gần đây của nhà đầu tư đang dần được cởi bỏ, trong đó có tín hiệu từ tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN ngừng phát hành tín phiếu, bơm trả hệ thống ngân hàng lượng lớn thanh khoản, ở 2 phiên gần nhất có khoảng 40.000 tỷ được bơm trả lại hệ thống.
Thực ra tiền vẫn ở lại thị trường, ở trên các tài khoản, nhưng để kích hoạt dòng tiền này tham gia thì cần có tín hiệu từ thị trường, nhịp hồi vừa qua của thị trường có thể là điều kiện cần để thu hút dòng tiền.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Cặp tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt đáng kể 2 tuần trở lại đây giúp tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Qua đó, chính sách tiền tệ cũng dần được nới lỏng hơn thể hiện ở việc NHNN ngừng phát hành tín phiếu mới.
Lũy kế từ 19/10 đến 8/11, NHNN đã bơm trở lại thị trường 165.695 tỷ đồng thông qua lượng tín phiếu đáo hạn hỗ trợ thanh khoản của thị trường. Giá trị giao dịch bình quân tuần vừa qua của thị trường đã quay trở lại trên 20.000 tỷ đồng/phiên, tiếp tục cải thiện 28% so với tuần trước đó.
Tôi đánh giá dòng tiền quay trở lại TTCK có tính bền vững bởi (1) Áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể giúp chính sách tiền tệ dễ thở hơn. Trong giai đoạn tới, áp lực lên tỷ giá sẽ không lớn khi FED về cơ bản đã dừng quá trình tăng lãi suất, cán cân thương mại và dòng vốn FDI vẫn đang cho thấy dấu hiệu tích cực giúp ổn định tỷ giá; (2) Mặt bằng định giá của VN-Index đã về vùng hợp lý giúp kích hoạt dòng tiền của cả các nhà đầu cơ tham gia bắt đáy cũng như nhà đầu tư trung và dài hạn.
Tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây đã tác động khá tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu. Ông bà đánh giá như thế nào về tính bền vững của dòng tiền quay lại với TTCK?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng năm nay không phải là nhóm ưu tiên và được đánh giá kém triển vọng so với nhóm cảng biển, hóa chất, dầu khí, CK. Nhóm cổ phiếu ngân hàng nếu nhìn góc độ đầu tư chỉ là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ cũng như việc phân bổ 1 phần tỷ trọng thấp trong danh mục.
Tất nhiên, vẫn có thể có những cổ phiếu đặc thù chọn lọc nhưng năm nay cơ hội không phải là dành cho các cổ phiếu ngân hàng trong số các cổ phiếu tài chính thì các cổ phiếu chứng khoán được ưu tiên hơn.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Báo cáo tài chính quý III của ngành ngân hàng vừa qua cho thấy áp lực trích lập dự phòng nợ xấu tiếp tục gia tăng khi các doanh nghiệp dần “thấm đòn” các khó khăn về dòng tiền trước các bất ổn về tình hình vĩ mô từ nửa cuối năm 2022. Tuy vậy, dự báo áp lực trích lập dự phòng bắt đầu đạt đỉnh khi thị trường bất động sản dần phát đi các tín hiệu hồi phục từ quý III/2023.
Bên cạnh đó, căn bệnh “thừa tiền” của ngành ngân hàng cũng đã bắt đầu tìm ra được lời giải từ nửa cuối tháng 9, giúp tốc độ tăng trưởng tín dụng bật tăng mạnh so với giai đoạn trước đó và ghi nhận đạt khoảng 7% tính đến cuối tháng 10.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Kể từ đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng bình quân gấp đôi với với thị trường chung (+ 20,24% trong khi chỉ số VN-Index tăng 9,39%). Trong nhịp hồi 2 tuần vừa qua kể từ đáy, nhóm cổ phiếu này tuy có mức hồi phục chậm do có sự phân hóa. Do đó, cơ hội ở nhóm cổ phiếu này chỉ mang tính đơn lẻ, nhà đầu tư phải lựa chọn cổ phiếu cụ thể, thống kê cho thấy trong 5 tuần gần đây, một số cổ phiếu vẫn đi ngược thị trường.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Nhóm ngân hàng là nhóm vốn hóa lớn và có tác động đáng kể lên chỉ số chung. Qua đó, nhóm này có vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp cho VN-Index, thị trường chung muốn bứt phá cần phải có sự đồng thuận của nhóm ngân hàng.
Tôi cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể tìm được cơ hội trong trung và dài hạn đối với nhóm ngân hàng ở thời điểm hiện tại khi định giá của nhóm này đang ở mức thấp, P/B hiện nay chỉ ở mức 1,5 lần, thấp hơn bình quân 5 năm ở mức 1,62 lần.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong ngắn hạn có thể sẽ gặp khó khăn bởi nhu cầu tín dụng vẫn đang ở mức thấp; Biên lãi ròng NIM thu hẹp do ảnh hưởng từ (1) chi phí huy động vốn cao (2) NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn khiến các NHTM phải huy động thêm chứng chỉ tiền gửi ảnh hưởng đến chi phí vốn (3) chất lượng tài sản suy giảm toàn ngành ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Thực tế thì dòng tiền đang không “neo” lại ở một nhóm cổ phiếu nào quá lâu mà sẽ luân chuyển để tìm cơ hội. Nếu chọn để giải ngân, đâu là cổ phiếu có nhiều tiềm năng theo góc nhìn của ông/bà, và vì sao lại lựa chọn cổ phiếu đó?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Quản lý đầu tư và phân bổ danh mục hợp lý vẫn là điều mà các nhà đầu tư cá nhân đặc biệt lưu ý. Nhóm cổ phiếu tiềm năng với triển vọng số liệu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong năm 2023 và 2024 có lẽ một số cổ phiếu ngành cảng biển, hóa chất, dầu khí, chứng khoán, công nghệ vẫn là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đột phát cũng như kết quả tốt hơn so với doanh nghiệp thuộc các ngành khác.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), quý III/2023, lượng tiêu thụ đạt khoảng 5.770 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý trước, xấp xỉ 28% tổng cung mở bán mới, gần bằng 90% so với cùng kỳ.
Trong đó, gần 90% lượng giao dịch là căn hộ chung cư từ các dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, ở các đại đô thị đã đi vào hoạt động tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Đáng chú ý, nhiều dự án chung cư được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, chào thị trường với chính sách ưu đãi đột phá ghi nhận lượng booking lớn.
Với việc thị trường bất động sản bắt đầu cho thấy dấu hiệu ấm lên, nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân vào nhóm các cổ phiếu thuộc chuỗi giá trị của ngành, bao gồm thép (HPG, HSG, NKG), xây dựng dân dụng (TCD, CTD, HTN), môi giới bất động sản (DXS, KHG), bất động sản nhà ở (BCG, DXG, HDG, NLG).
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế khi thanh khoản tăng trở lại, bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Trong thời gian tới, một số nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ và có thể thu hút dòng tiền như: Nhóm chứng khoán khi thị trường tiếp tục đà phục hồi với thanh khoản cải thiện; Nhóm xây dựng và vật liệu với kỳ vọng giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ghi nhận vào giai đoạn cuối năm, đồng thời giá thép cũng đang cho thấy xu hướng cải thiện hỗ trợ lợi nhuận của nhóm này; Nhóm các doanh nghiệp đầu ngành có mức chiết khấu sâu đưa định giá về mức hấp dẫn trong nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường.