Góc nhìn của người trẻ về bạo lực giới
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã công bố kết quả và trao giải cuộc thi sáng tác truyền thông 'Không đổ lỗi' trên fanpage. Lẽ ra cuộc thi sẽ trao giải trực tiếp, tuy nhiên đúng vào thời điểm dịch COVID-19, nên Ban tổ chức đã thực hiện bằng hình thức livestream (phát trực tiếp).
Ngưng đổ lỗi cho người bị hại
Cuộc thi sáng tác truyền thông “Không đổ lỗi” do CSAGA phối hợp với Đại Sứ Quán Úc và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi văn hóa đổ lỗi cho nhạn nhân. Trong vòng 1 tháng, BTC đã nhận được tổng cộng 79 bài dự thi chất lượng với nhiều thể loại video, ảnh, bài viết, với nhiều màu sắc khác nhau và đã chọn ra 9 bài dự thi ấn tượng để trao giải.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ: “Tôi và Trung tâm CSAGA đã nhiều năm làm công việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng tôi đã nghe và thấy rất nhiều hành vi khi bạo lực, bị xâm hại, nạn nhân thường bị cho là cần xem lại cách ăn mặc cho tới thái độ lẳng lơ hay nó phải như thế nào thì mới bị xâm hại… Chính việc “đổ lỗi” cho nạn nhân đã khiến rất nhiều người có tâm lý sợ bị mang tiếng, sợ bị đàm tiếu nên khi bị xâm hại đã lặng lẽ chịu đựng, không dám nói. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn thông qua cuộc thi có thể lan tỏa thông điệp đến tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.”.
Ban tổ chức cũng cho biết, thông qua các tác phẩm dự thi có thể thấy tư tưởng của những người trẻ đã thể hiện rất rõ một cách nhìn thấu đáo, đúng đắn về những hậu quả và hệ lụy cho việc “đổ lỗi” đối với các nạn nhân bị xâm hại tình dục và bạo lực gia đình. Họ dám lên tiếng không đồng tình với những điều bất bình thường mà lâu nay chúng ta vẫn tưởng là bình thường như: con gái mặc váy ngắn nên mới bị sàm sỡ, phụ nữ thì phải ở nhà chăm chồng con, có thế nào thì mới bị người ta đánh… “Chúng tôi thực sự rất mừng vì điều này! Một tác phẩm, một tiếng nói có thể không thay đổi được điều gì lớn lao nhưng khi nó được lan tỏa, nhất là trong giới trẻ thì sẽ mang lại những hiệu quả tích cực”, bà Vân Anh nhận định.
Những góc nhìn trẻ
Lê Phúc Đông Hà, đại diện nhóm tác giả đạt giải Nhất với phim ngắn “Mẹ chồng” cho biết trong quá trình tìm hiểu thông tin phục vụ cho cuộc thi, nhóm cũng nhận thấy chuẩn mực văn hóa về giới tại Việt Nam dường như đang nghiêng về hướng chấp nhận bạo lực giới theo hai cách: đổ lỗi cho nạn nhân và thông cảm với người gây ra hành vi bạo lực. Chính vì thế, nội dung phim ngắn của nhóm là câu chuyện xoay quanh một gia đình gồm đôi vợ chồng trẻ sống cùng với mẹ chồng - một mô hình gia đình khá phổ biến tại Việt Nam nói riêng và ở khu vực châu Á nói chung.
Tác phẩm này được ban giám khảo nhận xét là vở kịch có tình huống sát với thực tế, ngắn, tương đối đắt, nổi bật thông điệp và đảm bảo yếu tố lan tỏa. Có thể nói, những áp lực mẹ chồng cay nghiệt, định kiến, chồng gia trưởng, vô cảm và sự chấp nhận, nhẫn nhịn của người con dâu đã khiến người xem bức xúc, ghét, giận và muốn hét lên. Nhiều người giật mình nhận ra một phần hình ảnh của mình và ngỡ ngàng tại sao lại có thể chịu đựng đến giờ. Đó cũng chính là thành công của vở kịch ngắn này.
Bình luận dưới clip, nữ đạo diễn phim truyền hình Nguyễn Hoàng Điệp cũng nhận xét: “Vở kịch Mẹ chồng rất công phu đầu tư cẩn thận về cả kịch bản lẫn các sét quay về phần hậu kỳ. Kịch bản hơi cổ điển, tuy nhiên ý tưởng dàn dựng và cách thức thực hiện khá hiện đại. Nhất là phần cuối, khoảnh khắc kết bị đóng băng lại, người dẫn chuyện hiện ra”.
Nhóm Ngộ lại mang đến cuộc thi một clip ghi lại hành trình diễn biến tâm lý cô đơn, sợ hãi, đầy đau khổ khi cảnh nóng của nữ sinh học giỏi bị lộ. Huy Ngân, đại diện cho nhóm chia sẻ: “Những lời bình luận trên mạng xã hội, trên facebook rất có thể là con dao giết người. Rất nhiều bạn trẻ đã không chịu đựng được sự lăng nhục từ mạng xã hội khi bị tung clip “nóng” cá nhân. Từ một người luôn được khen là con ngoan, trò giỏi nhưng vì sai lầm trong tình yêu, bị tung clip nhạy cảm hay bị bóc phốt lập tức sẽ bị chà đạp. Có những anh hùng bàn phím đã vô tình trở thành sát nhân mà bản thân họ không hề biết?”.
Cùng đạt giải Ba như nhóm Ngộ, video của nhóm NBSP lại đưa tới câu chuyện của một bạn nữ bị người yêu đánh đập, một người đồng tính bị bạo hành, một em bé bị bố ruột xâm hại… đi kèm những lý do liên quan tới câu chuyện “bị đánh” như xấu xấu cũng bị đánh, bẩn bẩn cũng bị đánh, mà xinh đẹp quá cũng bị đánh... từ đó chuyển tải thông điệp bạo lực có thể xảy ra với bất kỳ ai không kể tuổi tác, giới tính hay độ tuổi.
Đặc biệt, Ban giám khảo đã trao 1 giải cho người có tác phẩm đạt được nhiều lượt xem, lượt thích và lượt chia sẻ nhất. Phóng sự ảnh “Shade of fear” (Màu sắc của nỗi sợ) của Lê Nguyễn Bảo Ngọc đạt 15.293 lượt likes và 10.821 lượt share đã được nhận giải này. Bộ phóng sự ảnh sử dụng hoàn toàn màu đỏ với hình ảnh thiếu nữ, bé gái là nạn nhân của các hành vibạo lực tình dục. Bị xâm hại, bị quấy rối nhưng họ không thể nói vì đã bị bịt miệng, vì đã bị đe dọa, chỉ còn lại những ánh mắt đau đớn, cam chịu, hoảng sợ…
Nói về ý tưởng của bộ ảnh phóng sự, Bảo Ngọc cho biết: “Liệu có chiếc váy nào đủ dài để bảo vệ nạn nhân khỏi những nanh vuốt xấu xa? Tội lỗi thuộc về đối tượng phạm tội hay đứa trẻ trong chiếc quần ngắn?”… Đây là những câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi đọc qua bài báo về triển lãm "Bạn mặc gì khi bị xâm hại?" tại Brussels, Bỉ. Và chính những câu hỏi đó đã truyền cảm hứng cho tôi thực hiện bộ ảnh, xoay quanh tình thế bị động, sự cô độc của nạn nhân và câu chuyện ai là người bị kết tội”. Nói về màu đỏ chủ đạo của bộ ảnh, tác giảlý giải vì trong đời sống, đỏ thẫm là màu của máu. Đỏ cũng là màu mang ý nghĩa nguy hiểm nhất trên nấc thang báo động.