Góc nhìn của trẻ em về cuộc sống
Hội đồng trẻ em (HĐTE) tỉnh được thành lập năm 2019 nhằm tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề xã hội. Sau 5 năm, các thành viên HĐTE tỉnh luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, góp tiếng nói, góc nhìn vào các vấn đề quan trọng liên quan đến trẻ em.
Năm 2024, chương trình “Quốc hội trẻ em” được tổ chức lần thứ II, HĐTE tỉnh đã lựa chọn thành viên tham gia hoạt động này; trước phiên họp giả định, HĐTE tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Từ ngày 1.4 - 1.7.2024, 100% các liên đội đã thực hiện phiếu khảo sát trực tuyến với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”; hơn 5.000 trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi đã được khảo sát; HĐTE tỉnh thực hiện 500 bài phỏng vấn sâu đối với trẻ em khuyết tật, trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa và 500 bài thảo luận nhóm tập trung với các nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ tại cộng đồng và tại trường học với 1.500 trẻ em tham gia. Với sự chuẩn bị chu đáo, tại phiên họp giả định các đại biểu của Hà Giang đã đề nghị cần ban hành các chính sách quốc gia, tiêu chuẩn, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các Bộ luật và quy định đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý và hiệu quả về phòng chống bạo lực học đường và xây dựng chính sách nội bộ gồm quy trình báo cáo, xử lý, can thiệp và hỗ trợ học sinh.
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại giữa HĐTE tỉnh với đại biểu quốc hội (ĐBQH), lãnh đạo các sở, ngành năm 2024, em Hoàng Hà Linh (học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn), Chủ tịch HĐTE tỉnh tự tin trình bày trước đông đảo đại biểu phần báo cáo thu thập thông tin của thành viên HĐTE về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Đây là kết quả khảo sát các em đã thu thập trong khoảng thời gian dài tại các trường học để có đánh giá toàn diện về những nguy cơ trẻ em bị xâm hại và các cách phòng tránh. Hà Linh cũng là người dẫn dắt cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các sở, ngành với các thành viên HĐTE. Nhiều câu hỏi liên quan đến thực trạng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục và các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được các thành viên HĐTE trực tiếp đặt câu hỏi với lãnh đạo các ngành. Theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2024, loại tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi tăng cho thấy việc lựa chọn chủ đề cho cuộc đối thoại lần này rất sâu sát, phù hợp với thực trạng và những vấn đề trẻ em rất quan tâm. Câu trả lời của các đại biểu cũng cụ thể, dễ hiểu, cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng, đặc biệt là về các quyền của trẻ em.
Em Hà Linh chia sẻ: “Trong 2 năm tham gia HĐTE, em đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đây là sân chơi bổ ích giúp chúng em bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tâm tư, nguyện vọng của mình. Buổi đối thoại về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lần này thu được nhiều kết quả tích cực, giúp chúng em nhận biết các nguy cơ và trang bị kỹ năng phòng tránh. Các cô, chú lãnh đạo cũng đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, chúng em kỳ vọng khi những giải pháp đó được thực thi, chúng em sẽ được học tập, vui chơi, trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh”.
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá: “Thời gian qua, HĐTE tỉnh hoạt động rất tốt, tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho mọi trẻ em, là môi trường để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực của thiếu nhi về học tập, vui chơi, giải trí và các biện pháp đảm bảo an toàn. Các đại biểu HĐTE tỉnh đã tham gia tích cực và khẳng định tiếng nói của mình tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Từ các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em trong buổi đối thoại, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh sẽ đề nghị các cấp, ngành thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em, đồng thời kiến nghị với Quốc hội các giải pháp về chính sách trong phòng, chống xâm hại trẻ em”.
HĐTE được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản với sự hướng dẫn trực tiếp từ Ban Tham vấn thuộc BTV Tỉnh đoàn. Hàng năm, HĐTE tổ chức các kỳ họp định kỳ, các cuộc đối thoại chuyên đề với ĐBQH, HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, được tạo cơ chế tham gia các kỳ họp của HĐND tỉnh, qua đó, đề xuất các ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề của trẻ em. Các thành viên HĐTE được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thu thập thông tin, đối thoại. Những thông tin, kiến nghị, đề xuất mà các thành viên gửi đến lãnh đạo tỉnh ngày càng chất lượng, có chiều sâu, mang tính đại diện cao. HĐTE tạo sự tương tác hai chiều giữa người lớn và trẻ em, tạo ra một thiết chế tương đối bền vững do chính các em điều phối dưới sự dẫn dắt, giúp đỡ, hướng dẫn của các anh chị phụ trách Đội, các thầy, cô giáo và phụ huynh. Qua hoạt động của mô hình này là phương thức giám sát quyền trẻ em, đảm bảo các quyền trẻ em được ban hành và đi vào cuộc sống phù hợp với thực tiễn.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202501/goc-nhin-cua-tre-em-ve-cuoc-song-fa775af/