Góc nhìn đa chiều về nữ làm báo
Nghề báo có nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy. Là phái yếu, trước đây phụ nữ luôn được nhìn nhận có nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả và áp lực lớn này. Tuy nhiên hiện nước ta, nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ chiếm số lượng lớn trong các cơ quan báo chí. Theo số liệu thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, hiện hội có hơn 21.200 hội viên, trong đó hơn 40% là nữ.
Hiện nay, nhìn nhận về nữ giới làm báo đã thoáng hơn; vai trò, bản lĩnh, tố chất của nhà báo nữ ngày càng được khẳng định qua quá trình công tác, tác nghiệp. Thực tế, nữ giới làm nghề báo không chỉ chịu áp lực trong công việc mà còn phải làm tròn thiên chức của người phụ nữ. Đặc biệt, để trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí, các nhà báo nữ càng phải nỗ lực nhiều hơn để cân bằng, dung hòa giữa công việc và gia đình. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, để hiểu hơn về thuận lợi cũng như khó khăn khi nữ giới làm báo, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã cuộc phỏng vấn những người trong cuộc.
* Nhiều năm gắn bó với nghề ở vai trò phóng viên tác nghiệp hiện trường, chị chia sẻ những cảm nhận của bản thân khi nữ giớilàm nghề báo?
Phóng viên NGUYỄN THỊ KỲ HOA, Báo Nhà báo và Công luận: Tôi thấy nữ phóng viên về thể lực, thể trạng và sức khỏe có phần yếu thế hơn các nam phóng viên. Nhưng bù lại hiện nay, lĩnh vực báo chí có nhiều điều kiện thuận lợi để tác nghiệp từ phương tiện, thiết bị phục vụ nghề nghiệp hiện đại và tiện lợi. Đây cũng là những yếu tố thuận lợi giúp các phóng viên, nhà báo nữ vượt qua quá khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
*Là nhà báo nữ với vai trò lãnh đạo cơ quan báo chí, chị có thể chia sẻ những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình gắn bó với nghề?
Nhà báo LÊ THỊ ĐÔNG HƯỜNG, Phó trưởng Cơ quan đại diện Tạp chí Gia đình Việt Nam tại khu vực miền Nam: Với tôi, nghề báo là đam mê. Ngay từ khi ra trường, tôi đã theo đuổi nghề này rồi. Đã là đam mê thì mình sẽ cố gắng để vượt qua được những trở ngại. Theo tôi, trở ngại lớn nhất đối với phụ nữ làm báo là cân đối thời gian, sự quan tâm giữa gia đình và công việc. Khi tham gia các chuyến công tác ở vùng sâu, vùng xa, dài ngày, tôi mong muốn gia đình, các con và ông xã thấu hiểu, chia sẻ. Với tôi, điều may mắn lớn nhất là có gia đình làm điểm tựa để bản thân yên tâm công tác, cống hiến cho công việc. Và sau cùng, đã là đam mê thì không chỉ riêng tôi mà các nhà báo, phóng viên nữ sẽ cố gắng và vượt qua tất cả để gắn bó với nghề.
*Với vai trò là tổng biên tập một tạp chí, chị có thể cho biết góc nhìn của bản thân về các phóng viên, nhà báo nữ hiện nay?
Nhà báo NGUYỄN THỊ THU HÀ, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP.Hồ Chí Minh: Nghề báo vô cùng vất vả, áp lực đối với nữ giới. Tuy nhiên, số lượng nhà báo nữ hiện nay rất đông. Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới ở vai trò lãnh đạo tại các cơ quan báo chí cũng nhiều hơn trước đây. Bởi các nữ phóng viên, nữ nhà báo rất bản lĩnh trong nghề nghiệp; quá trình tác nghiệp, công tác đều thể hiện được năng lực. Người ta hay nhận xét khi nữ giới làm báo thường bị cảm xúc chi phối công việc, đặc biệt các nữ lãnh đạo cơ quan báo chí thiếu cái đầu lạnh. Nhưng thực tế, trong quá trình làm việc và tiếp xúc với các nhà báo nữ, lãnh đạo nữ thì ở họ có rất nhiều thế mạnh. Đặc biệt, cảm xúc được xem là điểm yếu nhưng thực ra đó cũng là thế mạnh; nhất là khi nhà báo nữ làm việc trọn cái tâm với nghề, mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, tử tế đến công chúng…
Khi ở vị trí quản lý, ngoài thực hiện thiên chức người phụ nữ - làm mẹ, làm vợ trong gia đình, còn là người “đứng mũi chịu sào” đối với một tạp chí, bản thân dù bận rộn công việc nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian sự quan tâm, chăm sóc con cái, gia đình đúng mực. Tôi luôn quan niệm, cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, biết hài hòa giữa đam mê và trách nhiệm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/145606/goc-nhin-da-chieu-ve-nu-lam-bao