GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI 'BẮT MẠCH' VÀ 'KÊ ĐƠN' CHO NGÀNH GIÁO DỤC

Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lĩnh vực giáo dục là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Các đại biểu đã chỉ rõ nhiều vấn đề cần kịp thời giải quyết để tạo chuyển biến căn bản cho nền giáo dục, trong đó có vấn đề phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xử lý vấn nạn bạo lực học đường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục giới tính.

Cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Tham gia đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đưa ra rất đúng về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa xã hội, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Qua giám sát Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 55 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các địa phương, đại biểu cho biết việc thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ sở vật chất.

Theo đại biểu, nhiều trường học trung học cơ sở và tiểu học chưa được đáp ứng để phục vụ nhu cầu dạy và học, trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu, như là môn học Hóa, Vật lý, Tin học để thực hiện các thiết bị thí nghiệm còn vẫn còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về việc học và trang thiết bị này càng khó hơn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1436 về Đề án đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Tuy nhiên, đề án này hoàn toàn không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu và có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy trình, quy định về diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tại các địa phương còn đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp từ mầm non cho đến trung học phổ thông và tập trung nhiều nhất là giáo viên ở bộ môn Tin học, tiếng Anh, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm để tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng học và trình độ dân trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giải quyết từ gốc rễ vấn đề bạo lực học đường

Cùng quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phản ánh, hiện nay, vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng ngày càng tăng. Số liệu qua báo cáo của các ngành đã cho thấy số lượng này ngày càng tăng và đặc biệt là năm 2023 tăng so với năm 2022 và chiếm trên 43%.

Đại biểu kiến nghị các bộ, ngành đã phải có chính sách tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như là xâm hại trẻ em. Đặc biệt, trong tháng hành động của trẻ em hằng năm và năm 2023, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành phải có một chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức rộng khắp, tích cực hướng về trẻ em, ngăn chặn thực trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang được thực hiện để hướng đến một nền giáo dục học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết. Thế nhưng hiện nay, bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại, phần nào đã nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đại biểu cho rằng những trường hợp này không phải là cá biệt, riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề ngành giáo dục và toàn xã hội cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, năng lực tổ chức nhà trường, hiệu trưởng phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục; phải có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến; phải xây dựng được các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm.

Cùng với đó, các trường sư phạm cần tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên, nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được những cảm xúc của học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em trong hằng ngày và hằng giờ.

Đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là các hoạt động đối thoại để học sinh lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm. Đây là một hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường đang xây dựng.

Giáo dục giới tính trong trường học vẫn là khâu yếu

Quan tâm đến nôi dung giáo dục giới tính trong trường học, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH Hải Dương cho rằng, những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa các vụ việc trẻ vị thành niên mang thai và sinh con gây xôn xao dư luận gần đây lại khiến chúng ta phải đặt câu hỏi liệu giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được quan tâm hay chưa.

Theo đại biểu, mang thai ở tuổi thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề sức khỏe mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì nội dung giáo dục giới tính cũng được đưa vào các môn học chính thức bắt buộc lồng ghép trong chương trình môn học tự nhiên xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Ở bậc THCS nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp 8.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH Hải Dương

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để được bảo vệ bản thân mình. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ và đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào những môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể.

Đại biểu cho rằng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung chương trình giáo dục giới tính, dù là chính khóa, ngoại khóa hay là lồng ghép thì điều quan trọng là phải xây dựng cho đầy đủ. Bởi nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính thì không hiệu quả, thậm chí giáo dục không đến nơi, đến chốn sẽ gây tò mò.

Đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học, ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích cụ thể, rõ ràng những thắc mắc của học sinh để đảm bảo giáo dục giới tính đạt hiệu quả cao.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76923