GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỲ VỌNG VÀO QUYẾT SÁCH SÁNG SUỐT VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ HỆ TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC TẠI KỲ HỌP THỨ 5
Ngày 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể. Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng rằng, xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng được cử tri gửi gắm, và điều kiện, tình hình của đất nước hiện nay, Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách căn cơ, đúng đắn, sáng suốt đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể với nhiều kỳ vọng đối với công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về 9 dự án Luật khác. Chia sẻ bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, công tác lập pháp tại kỳ họp này là rất đồ sộ.
Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo thẩm tra; cũng như đôn đốc các cơ quan nhằm hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm đáp ứng điều kiện, chất lượng trước khi trình ra Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc các cơ quan của Chính phủ khẩn trương gửi báo cáo, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, góp ý vào các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu kỳ vọng, tại Kỳ họp thứ 5 này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao để đóng góp các ý kiến thật sự chất lượng nhằm hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, đặc biệt là những dự thảo Luật sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết trong kỳ họp này; tiếp tục có những ý kiến đóng góp quan trọng vào những dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần này, trong đó có dự án luật Đất đai (sửa đổi) đang được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như sự kỳ vọng của người dân.
Cùng với đó, đại biểu cũng kỳ vọng, xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng được cử tri gửi gắm, những đặc thù của địa phương và điều kiện, tình hình của đất nước hiện nay, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ để thảo luận và đưa ra những quyết sách căn cơ, đúng đắn, sáng suốt đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm. Đại biểu mong rằng, với những nhóm vấn đề được chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cử tri quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra những câu hỏi thẳng thắn, khách quan, trúng những vấn đề nổi cộm trong xã hội và phần trả lời, trao đổi của các tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ sẽ trực diện, rõ ràng, rõ trách nhiệm và rõ các giải pháp với lộ trình và hành động cụ thể để thực hiện.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là chuyên đề giám sát được đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và cả ngành y tế cũng như các địa phương rất quan tâm, nhất là sau giai đoạn đất nước ta gồng mình chống dịch. Từ kết quả giám sát sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, đắt giá để từ đó Quốc hội ban hành nghị quyết về giám sát. Đại biểu kỳ vọng Nghị quyết giám sát của Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp cần thiết, căn cơ giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cùng chia sẻ về kỳ họp, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, có thể thấy những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, đó là: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn tăng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển những tháng đầu năm 2023 cũng đạt được một số kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta cũng đang đối diện với không ít khó khăn, ảnh hưởng của những diễn biến bất thường trên nền kinh tế thế giới, đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, xung đột quân sự và cạnh tranh giữa các nước lớn… Nền kinh tế nước ta cũng chịu áp lực trước yêu cầu ngày càng lớn về chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên và sức lao động sang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới - sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu… Mặt khác, nền kinh tế của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý, đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.
Theo đại biểu, giống như nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam đang trong quá trình vươn mình ra thế giới và nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực và sức chống chịu của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo, chuyển đổi số… vào quá trình sản xuất, kinh doanh, phát triển. Trong quá trình này, nếu chúng ta tận dụng, khai thác được hết các nguồn lực đưa ra trong các chương trình đầu tư công trung hạn, một số chính sách về tài khóa - tiền tệ do Quốc hội ban hành nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19… thì nền kinh tế sẽ vượt qua được những thách thức trong giai đoạn hiện nay và từng bước phục hồi, phát triển bền vững. Để làm được điều này thì không chỉ sự quan tâm, theo sát, đồng hành của Quốc hội; sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mà còn cần sự ủng hộ, quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân.
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, đại biểu kỳ vọng rằng, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội sẽ cùng các cơ quan Trung ương phát huy trách nhiệm, trí tuệ để cùng bàn thảo, tích cực hiến kế nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76063