Góc nhìn giáo dục: Cửa hẹp cho thí sinh vùng khó
Mùa tuyển sinh năm nay, Nguyễn Xuân Trường là học sinh duy nhất của Trường THPT Chiêm Hóa (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có ý định dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS để xét tuyển đại học.
Cùng tỉnh này, cả Trường THPT Na Hang (huyện Na Hang) chỉ có một em đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khoảng cách địa lý xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn, khả năng tiếp cận các chương trình ôn tập hạn chế là cản trở lớn với thí sinh khi cả khu vực miền núi phía Bắc chỉ có điểm thi đánh giá năng lực duy nhất đặt tại Đại học Thái Nguyên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm nay có khoảng 10 kỳ thi riêng với hơn 20 phương thức xét tuyển vào đại học. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng thêm kỳ thi, thêm phương thức xét tuyển đồng nghĩa với thêm cơ hội, thêm cánh cửa cho thí sinh. Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ đúng với thí sinh vùng thuận lợi, khi các em có điều kiện về nhiều mặt để tham dự nhiều kỳ thi, làm dày hồ sơ để có thể xét ở nhiều phương thức.
Với thí sinh vùng khó, thêm phương thức lại đồng nghĩa với giảm cơ hội khi các em chỉ có thể xếp hàng cạnh tranh ở hai phương thức: Xét theo điểm thi tốt nghiệp và theo học bạ. Và cả hai “cánh cửa” này đều đang ngày càng thu hẹp khi chỉ tiêu mà các trường dành cho những phương thức đó ngày càng giảm, đặc biệt là ở các trường tốp trên. Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương chỉ xét học bạ với thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên. Trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ dành 25% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó bằng cách cộng điểm ưu tiên, nhưng mức điểm này cũng giảm qua các năm và từ năm 2023, điểm cộng ưu tiên tiếp tục được điều chỉnh theo hướng điểm thi càng cao, điểm cộng càng giảm. Điểm ưu tiên cũng chỉ được áp dụng với phương thức tuyển sinh duy nhất là xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT trong khi phương thức này hiện chỉ chiếm hơn một nửa trong tổng số thí sinh nhập học vào các trường.
Dù các trường vẫn có nhiều phương thức xét tuyển nhưng rõ ràng, thí sinh nào có thể tiếp cận nhiều phương thức hơn đồng nghĩa với cơ hội đỗ lớn hơn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ thí sinh khu vực miền núi phía Bắc nhập học đại học năm 2022 là 33,37% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THPT, thấp nhất cả nước; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên với hơn 42%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là khoảng 55%.
Việc bảo đảm sự công bằng trong cơ hội tiếp cận các phương thức xét tuyển, tăng cơ hội đỗ đại học cho thí sinh vùng khó không chỉ là tạo điều kiện nâng cao tri thức cho bản thân các em mà còn góp phần quan trọng cho việc phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội, dân trí của những khu vực vốn còn quá nhiều khó khăn này. Nâng cao dân trí, đặc biệt là trang bị tri thức khoa học cho thế hệ trẻ, đầu tư vào con người bao giờ cũng là cách đầu tư tốt nhất, bền vững nhất. Vì vậy, dù tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường nhưng việc có những giải pháp để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học cho thí sinh vùng khó là điều cần làm của các cơ quan quản lý nhà nước.
(Theo qdnd.vn)