Góc nhìn hôm nay 24/5: Thấy gì từ thực tế 4 năm chưa thu được đồng nào từ bán tài sản công

Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản thu từ tiền bán tài sản công gắn liền với đất của các đơn vị Trung ương đang đóng trên địa bàn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CHƯA CÓ NGUỒN THU TỪ BÁN TÀI SẢN CÔNG THEO NGHỊ QUYẾT 54

Tọa lạc tại con đường sầm uất, nhộn nhịp của quận 5, nhưng hơn 4 năm nay, ngôi nhà số 547 đường Hồng Bàng, thuộc sở hữu của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Khoa học Công Nghệ Việt Nam) đóng cửa để không: không chuyển nhượng, không cho thuê

Tương tự, ngôi nhà 185/4 đường Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 của Viện cũng cài khóa im ỉm suốt nhiều năm nay.
Đây chính là 2 cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý mà TPHCM đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hưởng 50% số tiền theo cơ chế của Nghị quyết 54. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, hai cơ sở này vẫn chưa chuyển nhượng được.

Ông VÕ VĂN HOAN - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Đến nay có 2 địa chỉ nhà đất thuộc TW quản lý được Bộ tài chính duyệt cho bán tài sản gắn liền với đất và chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa bán được. Do đó, TP chưa phát sinh 50% khoản thu từ bán tài sản đất theo NQ 54”.

Nguyên nhân dẫn đến việc TP.HCM không phát huy được lợi ích từ cơ chế này mang lại là do có sự chậm trễ trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương. "

Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM: Chúng ta biết là có kế hoạch rồi nhưng các bộ phối hợp còn hạn chế. Nguồn lực này không thể phát huy nổi. Thành phố kiến nghị các bộ, 1 năm sau mới trả lời”.

Được đánh giá là một trong những cơ chế hiệu quả giúp TPHCM tăng nguồn thu để phục vụ đầu tư phát triển kinh – xã hội. Tuy nhiên, vì thiếu sự phối hợp, giám sát, đôn đốc từ các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, đến nay, sau hơn 4 năm áp dụng thí điểm cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM vẫn chưa thu được một đồng nào từ việc bán tài sản của các cơ quan Trung ương không còn sử dụng trên địa bàn TP."

Hơn 1 năm sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, ngày 28/3/2019, TP.HCM đã ban hành kế hoạch số 1137/KH-UBND về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167 của Chính phủ, trong đó tập trung công tác hậu kiểm việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp nhà đất đã được Bộ tài chính phê duyệt của các cơ quan, đơn vị, tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước thuộc khối Trung ương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thành phố và các Bộ, ngành trong rà soát việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương quản lý trên địa bàn. Tuy nhiên, sau những lần kiến nghị về tiến độ thực hiện, việc kê khai, phê duyệt và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của các đơn vị Trung ương vẫn chưa đạt kết quả do thiếu sự phối hợp. Và kết quả hơn 4 năm chưa thu được một đồng nào từ bán tài sản công theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, đồng nghĩa với việc những khu nhà, đất trị giá nhiều tỷ đồng bị bỏ quên, lãng phí, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đáng nói là thực tế này không chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh. Qua giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cũng phát hiện những hạn chế, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất.

HÀ NỘI CẦN TẬP TRUNG CHỐNG LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN ĐẤT ĐAI

Hà Nội vẫn còn nhiều điểm nóng về đất đai. Trong đó, nhiều dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất ở vị trí đắc địa nhưng chậm tiến độ nhiều năm, nhiều đất nông nghiệp bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội : “Các dự án tư chậm triển khai hàng chục năm, nhà đầu tư bỏ tiền ra, dân đóng góp rồi, tại sao lại có những tình trạng này”

Ông LÊ THANH NAM - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội: Thực tế triển khai Luật Đất đai thực tế có một số vướng mắc, đối với các dự án chậm triển khai vi phạm thì không bồi hoàn. Theo luật thì là đúng như vậy, thế nhưng khi triển khai thực tế rất khó. Theo luật đất đai 2003, thì được bồi hoàn cho những chi phí hợp lý của DN. Còn luật 2013 thì không bồi hoàn cho nên khi triển khai thu hồi rất khó khăn vì khi DN cũng bỏ ra chi phí rồi”.

Cùng với đó, quỹ nhà ở tái định cư cũng chưa được sử dụng có hiệu quả.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội : “Dự án liên quan đến bao nhiêu dân, đời sống vật chất của mỗi một hộ dân. Những vấn đề này rất bức xúc”.

Ông VÕ NGUYÊN PHONG - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội : “Khâu cuối cùng thì Thành phố có cơ chế hỗ trợ cho những hộ nào tự lo tái định cư, trong những năm vừa qua, số hộ dân tự lo tái định cư nhận tiền hỗ trợ này lên tới 70%, do đó có những quỹ nhà ở ví dụ như dự án X2 Đại Kim chẳng hạn, có 700 căn thì có 1 hộ dân mua thôi.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng Hà Nội là địa phương có cơ chế đặc thù riêng, trong đó, được phép vay nhiều hơn và có mức bội chi cao hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Do đó đề nghị, UBND Thành phố Hà Nội cần đánh giá thêm việc phân bổ nguồn lực cũng hiệu quả một số dự án đầu tư công đã được đưa vào sử dụng.

KHÓ KIỂM SOÁT LÃNG PHÍ TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN

Không chỉ với những địa phương áp dụng cơ chế đặc thù như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lãng phí, thất thoát trong quản lý và sử dụng đất đai cũng được chỉ ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Giai đoạn 2016 - 2021, Quảng Nam đã ban hành 1.093 kết luận thanh tra (tính cả các cuộc thanh tra của kỳ trước chuyển sang), phát hiện sai phạm hơn 375 tỷ đồng và hơn 438ha đất tại 2.268 đơn vị được thanh tra. Đã kiến nghị xử lý số tiền và diện tích đất bị thất thoát cũng như kiến nghị xử lý hành chính 817 tổ chức và 523 cá nhân.”

Ông PHAN THÁI BÌNH - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Qua buổi giám sát này chỉ giúp đoàn ĐBQH thứ nhất là quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Về thể chế hiện có lỗ hổng gì để nguy cơ hoặc tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lãng phí. Trong đó có nguồn lực rất lớn nhưng không phải là vô tận, Đó là đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Lãng phí trong lĩnh vực bất động sản cũng chính là một trong những lỗ hổng lớn, gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách tỉnh Quảng Nam thời gian qua. ”

Ông ĐẶNG PHONG - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam: “Chưa tìm ra giải pháp nào cho chuyển nhượng 2 giá, 1 giá thực tế, 1 giá đóng thuế. Có hay chăng chỉ là 1 cách động viên, khuyến khích bà con nên xem trọng tài sản của mình, nên mua bán đúng giá để sau này đối diện với hoạt động pháp lý khỏi ảnh hưởng đến bà con.

Sở Tài Chính Quảng Nam cũng cho biết việc phát hiện các vụ việc lãng phí trong quá trình tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế. Hầu hết các vụ lãng phí, sử dụng ngân sách chưa đúng quy định đều được phát hiện trong quá trình kiểm toán nhà nước, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng. Việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn khó đánh giá được có hiệu quả hay không. Đơn cử như kinh phí dành cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ. /.

Qua các phóng sự mà chúng tôi đề cập trong chương trình hôm nay, có thể thấy còn nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng đất cũng như trong lĩnh vực quản lý tài sản công. Ngay cả với những tỉnh, thành phố đang thực hiện cơ chế chính sách đặc thù cũng không ngoại lệ. Những chính sách này được kỳ vọng là đột phá, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, vừa giúp các địa phương phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhưng nếu chính sách không được thực hiện hoặc không thực hiện được thì kết quả sẽ là số 0 tròn trĩnh. Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, quản lý tài sản công, đã có ý kiến cho rằng cần tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội:

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Đoàn ĐBQH TP.HCM:Phải có một áp lực, giám sát của Qh để buộc các cơ quan Trung ương đó phải giải quyết các tài sản này để tránh lãng phí, thậm chí là gây ra ô nhiễm môi trường. Cử tri của các quận, huyện có các tài sản công của cơ quan TW để lãng phí đó rất bức xúc. Như vậy là phải có thêm 1 sự giám sát, đôn đốc kiểm tra để các cơ quan TW phải xem xét để cùng với thành phố thực hiện”

TĂNG VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TRONG VIỆC BÁN TÀI SẢN CÔNG:

Thực tế thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội cho thấy, ngoài việc áp dụng cơ chế tăng nguồn thu từ bán tài sản của các đơn vị Trung ương không còn sử dụng trên địa bàn không hiệu quả, TP.HCM còn gặp nhiều vướng mắc khác liên quan tới các nhóm cơ chế, chính sách. Do đó, dựa trên kết quả triển khai, tình hình thực tế và nhu cầu phát triển, TPHCM kiến nghị cần có thêm Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách cần thiết để Tp.HCM có thể phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế xã hội của cả nước. Được biết theo chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 24/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Những kinh nghiệm qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng sẽ gợi mở để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để góp ý hoàn thiện Nghị quyết, đảm bảo tính khả thi và có cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết trong tương lai.

Thực hiện : Thu Quỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-245-thay-gi-tu-thuc-te-4-nam-chua-thu-duoc-dong-nao-tu-ban-tai-san-cong