Góc nhìn hôm nay: Giải nghệ xong sẽ làm gì?

Dư luận từng xót xa cảnh cựu tiền vệ đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Quách Thanh Mai - nhà vô địch SEA Games 22- phải đi phụ gia đình sửa chữa xe máy, sau khi chia tay bóng đá đỉnh cao. Hay là cựu tiền đạo nổi tiếng Lưu Ngọc Mai và cựu thủ môn Kim Hồng, từng phải bán bánh mì kiếm sống sau khi thôi sự nghiệp 'quần đùi, áo số' và sau này, may mắn được làm trợ lý huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Đấy là những vận động viên đỉnh cao và chơi môn thể thao được nhiều người quan tâm. Còn nhiều vận động viên các môn điền kinh, hay thể thao khác chưa thể điểm danh được, chắc chắn cũng phải bươn chải tìm nghề mưu sinh, sau khi đã nghỉ thi đấu đỉnh cao và không phải ai cũng có may mắn ấy. Thời trẻ thì tập luyện và thi đấu, giành được nhiều vinh quang cho cá nhân và đất nước. Nhưng, sau khi giải nghệ-sau khi đã xếp gọn lại những cup và những tấm huy chương thì sẽ làm gì tiếp theo, đang là câu hỏi day dứt với họ?

Ít nhiều thì cựu tuyển thủ Karate Bùi Việt Bằng còn nhạy bén mở lớp đào tạo vận động viên, vừa là cơ sở tạo nguồn, vừa để bản thân kiếm sống. Có người sẽ hỏi: Tại sao các cựu vận động viên không học theo những vận động viên nước ngoài? Xin thưa: Không dễ dàng thế và không thể so sánh khập khiễng giữa một ngôi sao bóng đá, ngôi sao quần vợt thế giới với vận động viên-dù là ngôi sao của Việt Nam được. Những ngôi sao thể thao thế giới, họ có những khoản thu nhập kếch xù từ bản quyền hình ảnh cá nhân, hợp đồng quảng cáo, tiền thưởng từ thành tích thi đấu...đủ để họ sống ung dung cả đời. Vận động viên thể thao Việt Nam, danh tiếng và thương hiệu hầu như chưa vượt khỏi biên giới, nên không thể có được những khoản thu nhập như các ngôi sao viên quốc tế. Vậy, mới cần bàn tay Nhà nước qua cơ chế, chính sách tuyển dụng, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy tài năng, kinh nghiệm ở công tác đào tạo vận động viên kế nghiệp. Hoặc, liên kết với nhiều bộ ngành để tìm “đầu ra” cho họ.

Có lẽ, bản thân các cựu vận động viên cũng nên chủ động “liệu cơm-gắp mắm”, tự tìm hướng đi mới cho mình sau khi giải nghệ. Thay vì tư duy “biên chế nhà nước” bám chặt lâu nay “Nghỉ thi đấu phải thành huấn luyện viên hay nhà quản lý, tại đơn vị sự nghiệp công lập”.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-giai-nghe-xong-se-lam-gi-226230.htm