Góc nhìn khác về Hộ chiếu vaccine COVID-19
Các loại thẻ thông hành và hộ chiếu vaccine COVID-19 có thể hứa hẹn là giải pháp lý tưởng để tránh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang có ý kiến khác nhau về tác động của việc sử dụng các công cụ như vậy để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và việc liệu chúng có phải là một giải pháp thay thế hợp lệ cho việc phong tỏa hay không.
Khi các chính phủ, công ty và cá nhân điều hướng các quy tắc và chuẩn mực của giai đoạn mới này của đại dịch, công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Các yêu cầu về tiêm vaccine, cho dù do chính phủ hay người sử dụng lao động yêu cầu, đang gia tăng và sẽ cần được quản lý bằng công nghệ. Và ngày càng có nhiều chính phủ, hãng hàng không và các tổ chức khác đang thử nghiệm chứng chỉ tiêm chủng kỹ thuật số hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” để cho phép mọi người tham gia vào các hoạt động như ăn uống trong nhà hoặc du lịch quốc tế.
Các phát triển công nghệ này đặt ra cả những cơ hội mới và những mối đe dọa mới, và hiện có nhiều quan điểm rất khác nhau về việc liệu hộ chiếu vaccine mang lại nhiều lợi thế hay bất lợi hơn. Một số người có thể có lo ngại về quyền riêng tư hoặc bảo mật hợp pháp về chứng chỉ kỹ thuật số nhưng vẫn muốn sử dụng chúng để trở lại nhịp sống bình thường. Những người khác có thể kiên quyết phản đối bất kỳ sự áp đặt quyền hạn nào trong cuộc sống của họ, cho dù điều đó đến từ chính phủ hay người chủ lao động của họ.
Nhìn chung, hộ chiếu vaccine là một hồ sơ điện tử về chứng nhận tiêm chủng, lịch sử xét nghiệm hoặc hồ sơ sức khỏe, thường được truy cập dưới dạng mã QR được lưu trữ trong ứng dụng điện thoại thông minh hoặc được in ra để quét QR.
Mới đây, theo một bài viết trên tạp chí y khoa BMJ (Anh), hộ chiếu vaccine COVID-19 có thể giảm tỷ lệ tử vong và ngăn chặn tình trạng phong tỏa hơn nữa. Bài báo của các nhà nghiên cứu từ Viện Tony Blair vì thay đổi toàn cầu cho rằng hộ chiếu vaccine có thể hạn chế sự lây lan của virus trong môi trường đông đúc hoặc phòng kín.
Các loại thẻ thông hành và hộ chiếu vaccine COVID-19 đang được triển khai rộng rãi trên thế giới.
Các chuyên gia Kirsty Innes và Daniel Sleat nhận định rằng các thẻ thông hành là "công cụ chính xác nhất mà chúng ta sử dụng để hạn chế lây truyền và tránh nguy cơ phong tỏa”. Chính phủ Anh đã thảo luận về khả năng giới thiệu hộ chiếu ở Anh, nhưng từ đó đã quyết định phản đối chương trình này.
Nghiên cứu sâu hơn từ Viện Tony Blair vì thay đổi toàn cầu cho thấy rằng nếu chính phủ Anh triển khai chương trình hộ chiếu vaccine, sau khi các hạn chế được nới lỏng ở Anh vào ngày 19-7, điều này "có thể giúp giảm tới 30% số ca mắc và tử vong trong những tuần tiếp theo".
Hộ chiếu vaccine không tự động theo dõi vị trí của chúng ta, nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật hoặc các công ty tư nhân có thể sử dụng hoặc lạm dụng ứng dụng cho các mục đích như lưu trữ dữ liệu cá nhân hoặc ghi nhật ký di chuyển.
Tiếp cận là điều quan trọng cần xem xét đối với công nghệ mới. Chúng ta sẽ quản lý khả năng chấp nhận các loại hộ chiếu vaccine khác nhau giữa các địa điểm, thiết bị và tổ chức khác nhau như thế nào? Nếu bạn có hộ chiếu vaccine của tiểu bang Washington (Mỹ), nó có được công nhận ở bang Florida không? Bạn sẽ có thể sử dụng chứng chỉ kỹ thuật số của mình trên iPhone dễ dàng như điện thoại Android hoặc khi chuyển từ nhà cung cấp bảo hiểm này sang nhà cung cấp bảo hiểm khác? Những rào cản nào có thể cản trở việc mang hộ chiếu vaccine?
Một báo cáo năm 2021 từ Dự án Giám sát Công nghệ (STOP) đã chỉ ra một số vấn đề đối với chứng chỉ tiêm phòng kỹ thuật số, như nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng hiện có tại Mỹ. Ví dụ, 1/5 người Mỹ không có điện thoại thông minh, bao gồm gần một nửa số người trên 65 tuổi và các ứng dụng vaccine sẽ không hoạt động trên hàng triệu điện thoại đời cũ. Bên cạnh đó, cộng đồng người nhập cư và LGBT cũng phải đối mặt với sự bất bình đẳng về sức khỏe, và các yếu tố như công việc và trách nhiệm gia đình, rào cản ngôn ngữ, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em hoặc phương tiện đi lại có thể cản trở việc tiêm chủng.
Một số người cũng bày tỏ quan ngại rằng không có gì chắc chắn về việc hộ chiếu vaccine COVID-19 sẽ ngăn chặn sự lây lan của virus. Imogen Parker, chuyên gia của Trung tâm Khoa học và Chính sách tại Đại học Cambridge, cho rằng hộ chiếu COVID-19 "không chứng minh rằng mọi người được miễn nhiễm hoặc an toàn trước virus". Bà khẳng định: "Giống như các biện pháp y tế công cộng truyền thống hơn như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội, hộ chiếu có thể giảm rủi ro nhưng không thể đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không giống như những chiếc khẩu trang hay giãn cách xã hội, các hộ chiếu thậm chí còn mang lại những rủi ro sâu sắc cho xã hội".
Bà Parker đã nhắc lại kinh nghiệm hồi tháng 8 năm nay tại lễ hội Boardmasters ngoài trời ở Cornwall, nơi đã sử dụng hộ chiếu vaccine đi kèm các xét nghiệm bổ sung để kiểm soát người tham dự, nhưng nó vẫn trở thành một sự kiện "siêu lây nhiễm", lây lan cho gần 5.000 trường hợp.
Ngoài ra, theo bà Parker, việc bình thường hóa kiểm soát tình trạng cá nhân của bên thứ ba có thể góp phần tạo ra những rào cản bổ sung cho những người dân tộc thiểu số, những người đã phải đối mặt với tình trạng “kiểm soát quá mức”. Bà giải thích rằng điều này cũng có nguy cơ tạo ra "công nghệ giám sát lâu dài”. Bà nói: "Việc sử dụng công nghệ để biện minh cho các trường hợp khẩn cấp có thể trở thành thực tế bình thường mới”.
Các công cụ kỹ thuật số sẽ giúp dữ liệu dễ dàng chia sẻ, điều có thể mang lại lợi ích cho nghiên cứu sức khỏe, nhưng cũng có thể cho phép chia sẻ thông tin cá nhân với cảnh sát hoặc các công ty bảo hiểm. Bà kết luận: “Để tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vận hành, pháp lý và chính sách cần thiết, các nhà hoạch định chính sách nên tạm dừng để tính toán xem đây có phải là một biện pháp sức khỏe hợp lý hay không, hay liệu việc đầu tư vào hộ chiếu có thể khiến chúng ta xao lãng khỏi cơ chế tốt nhất hiện có để mở lại xã hội một cách an toàn và bình đẳng: tiêm chủng toàn cầu”.