Góc nhìn khác về hoạt động pháp luật và nghề luật sư

Hiện nay đang có sự nhầm lẫn về nghề hoạt động pháp luật và nghề LS, đồng nhất hai nghề này là một.

Từ đó người ta nghiễm nhiên coi Luật LS là luật chuyên ngành của nghề hoạt động pháp luật và cho rằng doanh nghiệp không phải là công ty luật, nếu kinh doanh nghề hoạt động pháp luật là trái quy định của Luật LS.

Từ đó người ta nghiễm nhiên coi Luật LS là luật chuyên ngành của nghề hoạt động pháp luật và cho rằng doanh nghiệp không phải là công ty luật, nếu kinh doanh nghề hoạt động pháp luật là trái quy định của Luật LS.

Trước hết phải nói đây là hai nghề khác nhau. Thực tế, nghề hoạt động pháp luật tuy có một số điểm tương đồng nhất định với nghề LS (như đều tư vấn pháp luật, đều đại diện cho cá nhân, pháp nhân tham gia một số quan hệ pháp luật) nhưng không vì thế mà đánh đồng hai nghề này là một.

Theo quy định, nghề LS là ngành nghề có điều kiện theo phụ lục đính kèm Luật Đầu tư, được điều chỉnh bởi Luật LS. Trong khi đó, nghề hoạt động pháp luật nằm trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, mã ngành 6910, được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.

Luật LS chỉ điều chỉnh nghề LS, không điều chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật và đại diện. Hoạt động tư vấn pháp luật được điều chỉnh bởi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, còn hoạt động đại diện được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự. Do đó, không chỉ có LS mới được tư vấn pháp luật và đại diện. Có rất nhiều cá nhân, pháp nhân thường xuyên tư vấn pháp luật, như các trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm tư vấn pháp luật.

Việc đại diện cũng hết sức phổ biến trong xã hội thông qua các hợp đồng dân sự như hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, các hợp đồng này được công chứng theo quy định của pháp luật và có giá trị pháp lý. Do đó, hoạt động pháp luật là một nghề riêng, độc lập với nghề LS.

Một thực tế rõ ràng rằng không có bất cứ quy định pháp luật nào cấm doanh nghiệp tư vấn pháp luật và đại diện, ngược lại đây là các hoạt động hợp pháp, có khung pháp lý rõ ràng. Cụ thể, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm, đồng thời ngành nghề hoạt động pháp luật nằm trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam (mã ngành 6910), cho nên việc việc oanh nghiệp đăng ký và kinh doanh ngành nghề này là hoàn toàn hợp pháp.

Ngoài ra, việc kinh doanh ngành nghề hoạt động pháp luật còn được khuyến khích thực hiện. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định tư vấn pháp luật là một trong những hình thức giáo dục, phổ biến pháp luật (Điều 11) và Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật… (Điều 4). Do đó, việc doanh nghiệp đăng ký và kinh doanh ngành nghề hoạt động pháp luật và thông qua hoạt động kinh doanh để tiến hành tư vấn pháp luật để phổ biến, giáo dục pháp luật là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách và được Nhà nước khuyến khích.

Có quan điểm cho rằng việc tư vấn pháp luật nếu không do LS thực hiện thì khó đảm bảo tính chính xác, gây thiệt hại cho người dân. Tôi cho rằng quan điểm này không đúng, trong xã hội không chỉ có LS mới có trình độ và hiểu biết pháp luật mà còn rất nhiều cá nhân khác có bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, đang làm nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ làm LS, họ đều có khả năng tư vấn pháp luật với chất lượng cao.

Nói về rủi ro, việc người dân đến nhận tư vấn từ LS cũng có rủi ro và bị thiệt hại do tư vấn sai chứ không chỉ riêng doanh nghiệp kinh doanh nghề hoạt động pháp luật. Một doanh nghiệp đăng ký hoạt động và có ký hợp đồng tư vấn với khách hàng cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường nếu tư vấn sai, gây thiệt hại cho khách hàng. Do đó không thể nói người dân sẽ chịu rủi ro nếu được tư vấn pháp luật từ doanh nghiệp.

Luật gia BÙI THÀNH TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/goc-nhin-khac-ve-hoat-dong-phap-luat-va-nghe-luat-su-840864.html