Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/8: Xu hướng chính vẫn sẽ tiến lên 1.300 điểm
Đường giá nằm sát phía trên EMA6 và EMA20 vượt lên EMA50 cho thấy xu hướng được duy trì bất chấp lực bán. Chỉ báo RSI vận động đi ngang trên trung bình cho thấy quá trình điều chỉnh động lượng ngắn hạn tiếp diễn.
Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 28/8.
CTCK Vietcombank – VCBS
Chỉ số VN-Index kết phiên hình thành nến doji thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư ở khu vực 1.280 điểm.
Ở khung đồ thị ngày, hầu hết các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tại khu vực kháng cự.
Tuy nhiên, việc các chỉ báo mới chỉ hình thành một đỉnh và đường Senkoupan A đã có xu hướng cắt lên đường Senkoupan B cho thấy xu hướng chính của thị trường vẫn sẽ tiến lên khu vực 1.300 điểm và xa hơn là 1.340 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, hai chỉ báo MACD và RSI đã ở mức thấp và bắt đầu cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên cho thấy VN-Index sẽ sớm bước vào nhịp tăng trong ngắn hạn.
CTCK Asean
Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến Doji thân rất hẹp có bóng nến ngắn, đóng cửa sát mức tham chiếu cho thấy trạng thái do dự. Dòng tiền giảm nhẹ so với phiên trước, tiệm cận mức trung bình 20 phiên.
Đồng thời, giá nằm sát phía trên EMA6 và EMA20 vượt lên EMA50 cho thấy xu hướng được duy trì bất chấp lực bán. Chỉ báo RSI vận động đi ngang trên trung bình cho thấy quá trình điều chỉnh động lượng ngắn hạn tiếp diễn.
Chúng tôi cho rằng, quá trình rũ bỏ dòng tiền nóng đang diễn ra tốt giúp gia tăng động lực duy trì đà tăng. Quá trình này có thể diễn ra dài hơn khi tâm lý chờ kỳ nghỉ lễ có thể khiến dòng tiền nghỉ ngơi trong quá trình luân phiên giữ nhịp của các cổ phiếu lớn.
CTCK SHS
Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng, chịu áp lực bán cơ cấu danh mục trong vùng 1.280-1.300 điểm, là vùng kháng cự rất mạnh đỉnh giá các tháng 03, 06 và 07/2024.
Chỉ số đang gặp áp lực điều chỉnh, sau giai đoạn tăng điểm tốt từ vùng giá 1.220- 1.230 điểm.
Trong trường hợp tích cực, trong phiên chỉ số vẫn chịu áp lực rung lắc điều chỉnh về quanh vùng 1.270-1.275 điểm và tiếp tục kiểm tra lại vùng 1.300 điểm trong tuần tiếp theo với hỗ trợ luân chuyển của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hoặc vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.250-1.260 điểm, tương ứng vùng cao nhất năm 2023 cũng như khoảng trống tăng giá của phiên ngày 19/8/2024.
Điểm tích cực là áp lực điều chỉnh vẫn đang tương đối bình thường ở nhiều mã trong khi nhiều mã vẫn luân phiên phục hồi sau áp lực điều chỉnh mạnh.