Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 7/9: Giằng co sẽ là xu hướng chính
Trong ngắn hạn, chỉ số vẫn nằm ở khu vực kháng cự mạnh tiềm năng là 902 điểm (mẫu hình Double Top) và mốc 928 điểm (vùng giá mục tiêu của mẫu hình Dowside Tasuki Gap). Khi tiến tới vùng kháng cự này, khả năng độ rộng của đà tăng giá sẽ thu hẹp lại và sự phân hóa sẽ lớn hơn vào lúc này.
Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 7/9.
CTCK Bảo Việt – BVSC
Trên đồ thị tuần, cây nến xanh dài hình thành sau phiên giao dịch tuần này cho thấy chỉ số vẫn còn dư địa tăng điểm.
Về mặt xu hướng, chỉ số tiếp tục duy trì đà đi lên từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý, chỉ số đang tiến sát dải Bollinger trên (tương ứng vùng quanh 910 điểm), cho thấy đây có thể là vùng cản với đà tăng của chỉ số trong thời gian tới.
Trên đồ thị ngày, cả hai chỉ báo dao động Stochastic Oscillator và RSI đều đang trong trạng thái quá mua. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực rung lắc điều chỉnh vẫn đang hiện hữu.
Ngược lại, chỉ báo MACD và Momentum tiếp tục ủng hộ đà tăng của chỉ số khi duy trì xu hướng tích cực trên mức 0. Đường +DI cũng đang nằm trên -DI trong khi ADX hướng lên và nằm trên mức 20, khẳng định sức mạnh cho xu hướng tăng điểm hiện tại.
Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào kịch bản VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng và hướng tới thử thách vùng kháng cự 920-930 điểm trong tuần tới. Tuy nhiên, chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh đan xen trong quá trình tăng điểm.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.
CTCK Smart Invest
VN-Index kết phiên 4/9 tạo thành cây nến “White Candle”. Giá đóng cửa ở gần mức cao nhất và phục hồi mạnh so với lúc thấp nhất trong ngày cho thấy cầu đã phục hồi tương đối tốt. Khối lượng giảm nhưng vẫn trên mức trung bình 20 ngày. Phiên tăng khối lượng giao dịch tăng và phiên giảm khối lượng giao dịch giảm là tín hiệu tốt.
Trong ngắn hạn, chỉ số vẫn nằm ở khu vực kháng cự mạnh tiềm năng là 902 điểm (mẫu hình Double Top) và mốc 928 điểm (vùng giá mục tiêu của mẫu hình Dowside Tasuki Gap). Khi tiến tới vùng kháng cự này, khả năng độ rộng của đà tăng giá sẽ thu hẹp lại và sự phân hóa sẽ lớn hơn vào lúc này.
Theo phương pháp phân tích “Price Action” với VN30 chúng ta có 6 mã cho tín hiệu mua, 16 mã cho tín hiệu bán, 8 mã cho tín hiệu đi ngang. Trong đó VRE là mã đang nổi lên trở thành mã dẫn dắt nhóm vốn hóa lớn với sự hỗ trợ từ khối ngoại mua vào.
Theo thống kê định lượng, với mẫu hình ngày 4/9 thì phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có xác suất tăng điểm là 49% và 60% giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Giằng co sẽ là xu hướng chính của phiên giao dịch ngày thứ Hai với xu hướng cầu phục hồi về cuối phiên.